✴️ Phòng chống bệnh giun sán ở Việt Nam (P1)

Nội dung

Các bệnh giun sán kí sinh là bệnh rất phổ biến ở những nước đang phát triển nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, á nhiệt đới. Do vậy các bệnh giun sán cũng là một vấn đề sức khoẻ ưu tiên của 25% dân số trên thế giới.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) (1995), các bệnh giun sán lây truyền qua đất chủ yếu là giun đũa, giun móc / mỏ, giun tóc… trên toàn cầu có tới 1,4 tỉ người nhiễm giun đũa, giun tóc và 1,3 tỉ người nhiễm giun móc. Số ngưòi chết do giun đũa gây nên là 60.000 người, giun tóc là 10.000 người và giun móc là 65.000 người hàng năm. Các bệnh lây truyền giữa động vật và người chủ yếu là sán lá gan, sán lá phổi, sán dây, ấu trùng sán dây, giun soắn... ước tính trên thế giới có khoảng 40 triệu người nhiễm sán lá và 100 triệu người nhiễm sán dây. Bệnh giun chỉ gặp nhiều ở các nước châu Phi, châu Á và vùng Đông Nam Á đe doạ sức khoẻ của khoảng 1,1 tỉ người. Trước tình hình đó nhiều nước trên thế giới đã đưa công tác phòng chống giun sán thành chương trình y tế Quốc gia như: Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia… chương trình phòng chống giun chỉ bạch huyết ở Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Phi…

Việt Nam do điều kiện tự nhiên thuận lợi cho mầm bệnh giun sán phát triển quanh năm. Đa số bệnh giun sán ở người có nguồn gốc từ thú nuôi và thú hoang dã. Mặt khác do nhiều yếu tố nguy cơ: đời sống kinh tế xã hội, tập quán canh tác, tập quán vệ sinh, dân trí, trình độ giáo dục, vệ sinh môi trường... nên bệnh giun sán là một trong những bệnh phổ biến nhất ở nước ta. 

Đây là một vấn đề lớn của cộng đồng cả nước, gây nhiều tác hại lâu dài và nghiêm trọng tới sức khoẻ của nhân dân, sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ em, phụ nữ có thai. Ước tính khoảng từ  60 - 70% dân số nhiễm ít nhất một loại giun sán, nghĩa là khoảng 50 - 60 triệu người dân nhiễm giun sán. 

Một số loại giun có tỉ lệ nhiễm cao và phổ biến là các loại giun truyền qua đất: giun đũa (Ascaris lumbricoides): 60 triệu người nhiễm, giun tóc (Trichuris trichiura): 40 triệu người nhiễm và giun móc/mỏ (Ancylostoma duoenale/ Necator americanus): 20 triệu người nhiễm. 

Số liệu được thống kê tới năm 2004 cho thấy: một số loại sán phổ biến ở vùng địa lí như bệnh sán lá gan nhỏ (Clonorchis sinensis, Opisthorchis viverrini) ở vùng có nhiều ao hồ nuôi cá có tỉ lệ nhiễm cao như Ninh Bình, Nam Định tới 70% và đã phát hiện được tại 21 tỉnh trong cả nước, sán lá gan lớn (Fasciola gigantica) đã phát hiện được ở 30 tỉnh (4/2005), sán lá phổi (Paragonimus heterotremus) đã phát hiện được ở 8 tỉnh phía Bắc, sán dây bò (Taenia saginata) đã phát hiện được ở 49 tỉnh, sán dây lợn (Taenia solium) đã phát hiện ở 30 tỉnh; bệnh giun chỉ ở một số vùng đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Duyên Hải, miền Trung tuy có giảm, nhưng nguy cơ tiềm ẩn còn rất lớn. 

Người có thể bị nhiễm những loại giun của động vật như: giun đũa chó, mèo  (Toxocara), giun móc chó (Ankylostoma caninum), giun đầu gai (Gnathostoma),  Angiostrongylus, giun soắn (Trichinella)… Đây là nhóm bệnh ấu trùng di chuyển (larva migrans) khó chẩn đoán, nhưng gây nhiều tác hại nguy hiểm (ở não, mắt, gan, cơ vân…) nhất là trẻ em và những người có nhiều yếu tố thuận lợi cho những bệnh kí sinh trùng cơ hội ngày một tăng: người suy giản miễn dịch (HIV), đái đường, dùng corticoid kéo dài...

Từ lâu nay, công tác phòng chống các bệnh giun sán kí sinh hầu như bị lãng quên hoặc có đầu tư  nhưng không đáng kể, thiếu đồng bộ.

Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ngành Y tế và toàn dân trong nhiều thập kỉ qua đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng chống các bệnh giun sán nhưng kết quả thu được còn rất hạn chế. Tình hình nhiễm và mắc bệnh giun sán vẫn rất còn nặng, phổ biến trên diện rộng. 

Từ các hoạt động phòng chống trên, ngày 11/12/1998 Bộ trưởng Bộ Y tế đã có quyết định số 228/1998/QĐ - BYT đưa công tác “Phòng chống giun sán” thành một dự án y tế cấp Bộ, do vậy công tác phòng chống giun sán càng được quan tâm và có nhiều chuyển biến ở nhiều địa phương trong cả nước. 

 

MỤC TIÊU CỦA DỰ ÁN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG CHỐNG GIUN SÁN

Giảm tỉ lệ nhiễm.

Giảm cường độ nhiễm.

Giảm tác hại.

Khống chế một số bệnh giun sán gây nhiều tác hại khu trú ở những điểm hẹp nhưng rải rác như  sán lá gan, sán lá phổi, giun chỉ, ấu trùng sán dây...

Như vậy, mức độ và tác hại của bệnh giun sán ở Việt Nam là rất lớn. Do bệnh thường biểu hiện không rõ, tác hại từ từ, nên đa số người bệnh bị bệnh mà không biết hoặc xem thường, chủ quan. Bệnh giun sán là bệnh phụ thuộc vấn đề  kinh   tế - xã hội, khi các vấn đề đó chưa phát triển thì bệnh phát triển và ngược lại. 

Xã hội ở đây theo nghĩa rộng: bao gồm dân trí, giáo dục, văn minh, văn hoá, tập quán, hành vi... Phát triển kinh tế - xã hội là một quá trình đầy khó khăn, liên tục, không có kết thúc. Vì vậy phòng chống giun sán là một công việc gian nan, lâu dài. Mặc dù vậy nếu tập trung mạnh vào quản lí và xử lí phân, cung cấp nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, thay đổi một số tập quán canh tác và hành vi ăn uống thì có thể khống chế được bệnh.

 

CƠ SỞ KHOA HỌC ĐỂ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG GIUN SÁN

Để cho công tác phòng chống giun sán có hiệu quả, cần phải dựa trên những cơ sở khoa học sau đây:

Dựa vào đặc điểm sinh lí, sinh thái, chu kì của giun sán.

Dựa vào đặc điểm dịch tễ học bệnh giun sán.

Phân tích các yếu tố nguy cơ (địa lí, khí hậu, tập quán, môi trường, dân trí, văn hoá, giáo dục, kinh tế, xã hội... của từng vùng, từng cộng đồng cụ thể để tìm mối liên quan đến bệnh).

Xem xét các điều kiện khoa học kĩ thuật, tài chính, các nguồn lực có thể huy động để phòng chống giun sán.

Lựa chọn ưu tiên như:

Bệnh giun sán gây tác hại nhất.

Bệnh giun sán phổ biến.

Bệnh gây nhiều thể nặng và có thể gây tử vong (bệnh sán lá, bệnh ấu trùng sán dây...).

Tập trung vào đối tượng đích: lứa tuổi, nghề nghiệp... chịu tác hại nhiều nhất do bệnh giun sán gây ra.

Lớp người nghèo khổ, khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.

Bệnh giun sán đã có những giải pháp kĩ thuật, phương tiện giải quyết…

 

NGUYÊN TẮC CHUNG PHÒNG CHỐNG GIUN SÁN

Có kế hoạch lâu dài, trong đó có các kế hoạch ngắn hạn.

Tiến hành trên quy mô rộng lớn.

Xã hội hoá việc phòng chống giun sán.

Lồng ghép việc phòng chống giun sán vào các hoạt động y tế, sức khoẻ và các hoạt động xã hội khác.

Sử dụng tổng hợp các biện pháp cụ thể.

 

CHIẾN LƯỢC TRONG PHÒNG CHỐNG GIUN SÁN

Phát triển kinh tế xã hội, vì bệnh giun sán là bệnh phụ thuộc chặt chẽ vào các điều kiện kinh tế - xã hội.

Giải quyết các vấn đề vệ sinh môi trường (phân, nước, rác...).

Tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ cho cộng đồng, cho mọi người về phòng chống giun sán làm thay đổi hành vi có hại.

Tăng cường vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, đảm bảo an toàn thực phẩm, nước uống.

Điều trị hàng loạt cho đối tượng có nguy cơ cao hoặc điều trị mở rộng.

Huy động cộng đồng, thuyết phục mọi người tự giác và thường xuyên tham gia phòng chống giun sán.

Đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản và tăng cường trang thiết bị để phát hiện sớm những trường hợp giun sán nội tạng.

Nghiên cứu phác đồ điều trị đơn giản, điều trị hàng loạt tại cộng đồng, tại gia đình. Nghiên cứu điều trị các thể bệnh khó.

Xem tiếp:  Phòng chống bệnh giun sán ở Việt Nam (P2)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top