✴️ Phòng chống bệnh giun sán ở Việt Nam (P2)

Nội dung

CÁC HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ

Phát triển kinh tế - xã hội:

Đẩy mạnh công tác xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất cho cộng đồng, các bệnh giun sán nói chung sẽ giảm.

Nâng cao dân trí: Mọi người có học vấn khá sẽ hiểu vì sao bị bệnh giun sán và làm thế nào để phòng được bệnh.

Xây dựng nhà ở, khu dân cư  sinh hoạt hợp vệ sinh.

Giải quyết vệ sinh môi trường:

Mọi người, mọi nhà xây dựng và sử dụng hố xí hợp vệ sinh, phù hợp với từng địa phương, tốt nhất là dùng hố xí tự hoại.

Quản lí phân, không phóng uế bừa bãi nhất là trẻ em (trẻ em nông thôn tỉ lệ nhiễm và cường độ nhiễm cao, lại hay đại tiện tự do nên làm ô nhiễm môi trường, nhất là trẻ em nhỏ chưa có ý thức về vệ sinh).

Xử lí phân đúng quy trình, đảm bảo không còn mầm bệnh giun sán mới tưới, bón cho cây trồng.

Xử lí rác thải, nước thải ở cả thành thị và nông thôn.

Diệt ruồi, gián là trung gian truyền mầm bệnh giun sán.

Vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh ăn uống:

Cung cấp thực phẩm không có mầm bệnh giun sán: rau sạch không có trứng giun sán. Thịt không có ấu trùng sán dây, ấu trùng giun soắn... Cá không có nang sán lá gan. Tôm, cua không có nang sán lá phổi...

Kiểm tra sát sinh chặt chẽ, đảm bảo các loại thịt ăn phải qua kiểm tra của thú y.

Cung cấp đầy đủ nước sạch ăn, uống và sinh hoạt.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra thực phẩm, nhất là nơi công cộng: chợ, nhà hàng, nhà ăn tập thể...

Chống ruồi, nhặng, gián làm ô nhiễm thức ăn.

Chống nhiễm thức ăn, nước uống. Trong bụi không khí có thể có trứng giun sán.

Chú ý đặc biệt đối với những cơ sở, những người chế biến, bảo quản, sản xuất thực phẩm, lưu thông thực phẩm...

Truyền thông - giáo dục sức khoẻ về phòng chống giun sán:

Nội dung chủ yếu:

Tác hại của bệnh giun sán.

Vì sao bị bệnh giun sán.

Các yếu tố nguy cơ trong bệnh giun sán. - Cách phòng chống bệnh giun sán.

Bản thân mỗi người, mỗi gia đình làm gì để phòng chống giun sán cho mình, cho gia đình và cộng đồng mình.

Mỗi cộng đồng làm gì để phòng chống giun sán cho cộng đồng mình.

Phương pháp và triển khai:

Cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, sát hợp với đối tượng.

Nên trực tiếp thảo luận, trao đổi thuyết phục cộng đồng.

Sử dụng nhiều kênh để truyền thông giáo dục sức khoẻ: nghe nhìn, loa đài, ti-vi, tranh, tờ rơi, mô hình, tiêu bản giun sán thật, phim ảnh...

Thông qua giáo dục học đường, đây là biện pháp rất có hiệu quả vừa phòng bệnh cho học sinh, mặt khác học sinh, giáo viên là những tuyên truyền viên rất tích cực và họ và họ có thể làm thường xuyên được.

Làm thường xuyên, nhiều lần, nhiều năm, không thời hạn.

Làm ở mọi nơi có thể làm được: gia đình, trường học, nơi hội họp, nơi công cộng, chợ, nhà hàng, nơi sản xuất...

Nhân viên y tế thôn bản, y tế cơ sở, giáo viên, học sinh, sinh viên là những người chủ yếu tham gia làm giáo dục sức khoẻ tại gia đình, tại cơ sở.

Thay đổi tập quán, hành vi có hại để tạo nên hành vi có lợi cho phòng chống giun sán:

Không phóng uế bừa bãi làm ô nhiễm mầm bệnh giun sán.

Không dùng phân tươi bón cây trồng, nhất là trồng rau, củ ăn sống, rau thơm, mùi, hành, xà lách...  

Không ăn rau sống không sạch (rau được tưới, bón bằng phân tươi...).

Không uống nước lã vì có nhiều loại trứng giun sán có thể ở trong nước lã.

Không ăn gỏi cá, gỏi tôm, gỏi cua, cua nướng để phòng bệnh  sán lá gan, sán lá phổi.

Không ăn tiết canh để phòng bệnh giun soắn.

Hạn chế tiến tới không đi chân đất để phòng chống bệnh giun móc.

Nằm màn để phòng chống bệnh giun chỉ.

Những nơi nuôi vịt thả ruộng nước chú ý bảo vệ da chân tay cho người làm ruộng đề phòng bệnh sán máng vịt.

Những thói quen vệ sinh cá nhân khác:

Bàn tay, ngón tay có thể dính trứng giun sán, nên cần rửa tay trước khi ăn, trước và sau khi chế biến thức ăn đồ uống. Rửa tay sau khi đi đại, tiểu tiện. Rửa tay trước khi cho trẻ ăn. Chú ý việc vệ sinh ở trẻ em, học sinh, nông dân...

Cắt móng tay nhất là cho trẻ em.

Không cho trẻ mút tay.

Không cho trẻ mặc quần không đũng để phòng giun kim.

Ăn uống hợp vệ sinh....

Phát hiện bệnh:

Dùng nhiều phương pháp để phát hiện cho cá nhân và cho cộng đồng như:

Chẩn đoán vùng dịch tễ dựa vào địa lí, khí hậu, tập quán, khu hệ vật chủ trung gian...

Chẩn đoán lâm sàng.

Chẩn đoán xét nghiệm tìm kí sinh trùng trực tiếp hoặc gián tiếp phát hiện các bệnh giun sán ở máu và mô, nội tạng (phản ứng miễn dịch).

Tập trung vào người có biểu hiện lâm sàng về giun sán và đối với đối tượng có nguy cơ cao vì tỉ lệ người nhiễm giun sán rất cao nên không thể xét nghiệm cho tất cả mọi đối tượng.

Điều trị:

Điều trị cá thể cho người bệnh.

Đa số bệnh giun sán là điều trị tại nhà, điều trị tại cộng đồng, nhưng không tự điều trị hoặc không nghe chỉ dẫn của những người bán thuốc không có giấy phép hành nghề. Muốn điều trị nhất thiết phải có chỉ dẫn của nhân viên y tế.

Điều trị hàng loạt: tập trung vào những đối tượng có nguy cơ cao, như điều trị giun đũa ở trẻ em, học sinh, nông dân, công nhân vệ sinh môi trường... Giun móc/mỏ ở nông dân, công nhân vệ sinh môi trường, người trồng hoa màu, công nhân mỏ than...  Sán lá ở những nhóm người có tập quán ăn thịt chưa nấu chín. Giun kim ở trẻ em và các mẹ, chị nuôi trẻ. Giun chỉ ở vùng có nhiều ao bèo. Sán máng vịt ở vùng nuôi vịt. Sán nhái ở những người có hành vi đắp ếch nhái vào mắt để chữa bệnh...

Trong điều trị hàng loạt cần chú ý:

Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chu đáo, giải thích cặn kẽ đầy đủ để phòng rủi ro.

Chọn thuốc và phác đồ thật an toàn để điều trị tại nhà, tại cộng đồng.

Điều trị nhiều đợt, nhiều năm.

Chọn thuốc trong điều trị hàng loạt, nếu có thể thì chọn thuốc:

Thuốc điều trị chỉ cần uống một lần duy nhất hoặc rất ngắn ngày.

Tác dụng với 2 - 3 loại giun.

Ít tác dụng không mong muốn.

Dễ uống.

Giá thuốc mọi người chấp nhận được.

Xử lí số giun sán tẩy ra để đảm bảo không ô nhiễm môi trường.

 

GIẢI PHÁP CỤ THỂ CHO MỘT SỐ VÙNG CÓ NGUY CƠ NHIỄM CAO VỚI MỘT SỐ LOẠI GIUN SÁN PHỔ BIẾN CẦN TẬP TRUNG PHÒNG CHỐNG TRỌNG ĐIỂM

Giun chỉ:

Một số địa phương có nguy cơ nhiễm giun chỉ cao ở vùng đồng bằng sông.

Hồng thuộc các tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, một số vùng thuộc đồng bằng Duyên hải miền Trung: Khánh Hoà, Quảng Bình… cần phải:

Tăng cường phát hiện thụ động các ca bệnh giun chỉ bạch huyết tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế.

Hướng dẫn cho tất cả các nhân viên y tế kĩ thuật xét nghiệm máu (lấy lam máu ban đêm) bằng kính hiển vi tìm ấu trùng giun chỉ khi có điều kiện hoặc có những dấu hiệu nghi ngờ.

Mở các chiến dịch tuyên truyền giáo dục sức khoẻ làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh trong cộng đồng. Nhất là thói quen mắc màn khi ngủ và vệ sinh môi trường hạn chế sự sinh sản, phát triển của vector truyền bệnh.

Điều trị những bệnh nhân nhiễm giun chỉ bạch huyết bằng DEC (diethyl carbamazin) với liều 6 mg/kg cân nặng/1 ngày, một đợt điều trị 12 ngày (tổng liều 72 mg/kg cân nặng). Hoặc có thể điều trị hàng loạt những vùng có tỉ lệ người nhiễm và nguy cơ lây nhiễm giun chỉ cao.

Sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn:

Một số địa phương có nơi tập quán nuôi cá bằng phân tươi, ăn gỏi cá thuộc các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Phú Yên... cần phải:

Điều tra tình hình ô nhiễm mầm bệnh và phát hiện tỉ lệ bệnh trong các vùng dịch tễ.

Tăng cường phát hiện thụ động và áp dụng kĩ thuật chẩn đoán miễn dịch học tại thực địa và bệnh viện.

Điều trị hàng loạt bằng praziquantel: 75 mg/kg cân nặng cho những người nhiễm sán lá gan nhỏ tại cộng đồng và điều trị cả bệnh sán lá gan lớn bằng triclabendazole: liều 10 - 20 mg/kg cân nặng.

Sán lá phổi:

Một số vùng cư dân sống gần suối, sông, có tập quán ăn tôm, cua nướng (chủ yếu là ăn cua nướng), tập trung ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Hà Giang... cần phải:

Phát hiện ca bệnh sán lá phổi thể phổi chủ động. Trẻ em lứa tuổi đi học sẽ được khám thường xuyên phát hiện bệnh phổi mạn tính, và, nếu có triệu chứng sẽ được xét nghiệm tìm sán lá phổi.

Các ca bệnh đã được xác định sẽ được điều trị đầy đủ.

Tăng cường khả năng phát hiện thụ động tại cộng đồng và các cơ sở y tế. Hướng dẫn cho tất cả các nhân viên y tế kĩ thuật xét nghiệm đờm bằng kính hiển vi tìm trứng hoặc sán lá phổi trưởng thành và đặc biệt xét nghiệm đờm trên những bệnh nhân nghi ngờ lao phổi.

Mở chiến dịch truyền thông giáo dục sức khoẻ cho cộng đồng, nhằm giảm các hành vi nguy cơ nhiễm sán lá phổi.

Ấu trùng sán lợn:

Bệnh phân bố rải rác, lẻ tẻ ở cả miền núi, trung du và đồng bằng. Trong những năm gần đây tỉ lệ người mang sán trưởng thành và ấu trùng sán lợn có khuynh hướng gia tăng, do điều kiện môi trường, sự thông thương các sản phẩm thịt lợn cũng như việc quản lí giết mổ lợn chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Điều trị bằng liều đơn praziquantel: 10 - 20mg/kg cân nặng cho những người mang mầm bệnh sán dây.

Tăng cường phát hiện thụ động và áp dụng kĩ thuật chẩn đoán miễn dịch học cho tất cả các trường hợp được khai báo là có động kinh, tăng áp lực sọ não...

Áp dụng điều trị đặc hiệu tại các cơ sở y tế cho các bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định có ấu trùng sán dây lợn.

Cải thiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại các hộ gia đình. Đặc biệt cần có sự hợp tác trao đổi thông tin về ấu trùng sán dây lợn giữa ngành Thú y và Y tế.

Kết hợp một số ban ngành xây dựng mô hình chuẩn phòng chống bệnh ấu trùng sán dây lợn.

Các loại giun truyền qua đất (giun đũa, giun tóc, giun móc / mỏ):

Cần làm giảm tỉ lệ nhiễm và cường độ nhiễm trong quy mô toàn quốc: 

Tẩy giun định kì cho tất cả trẻ em lứa tuổi học đường với liều mebendazole 500 mg / 1 lần và tẩy 2 lần / 1 năm.

Việc uống thuốc kết hợp giáo dục truyền thông và đưa ra chiến lược cho từng đối tượng trẻ em.

Cần chuẩn bị can thiệp và phân phối trọn gói (bộ trường học - “school - kit”) cho tất cả học sinh tiểu học. Một bộ kit là một hộp gồm những thứ cần thiết để tiến hành một chiến dịch tẩy giun kết hợp giáo dục truyền thông tại cộng đồng, khoảng 500 học sinh. Bao gồm việc cung cấp thuốc tẩy giun, vitamin, mẫu tài liệu giáo dục truyền thông, sách và trò chơi. Mỗi năm sẽ tiến hành 1 lần (1 kit/500 học sinh).

 

ĐỐI TƯỢNG CẦN TẬP TRUNG ƯU TIÊN

Trẻ em:

Trẻ em thường có tỉ lệ nhiễm và  cường độ nhiễm cao, nhất là đối với giun đũa. Giun kim tuy không còn phổ biến như trước đây nữa nhưng vẫn còn là một vấn đề sức khoẻ ở trẻ em cần được lưu tâm. 

Trẻ em nông thôn thường đi chân đất hay chạy nhảy nên chú ý nhiễm giun móc.

Nông dân (có thể là công nhân nông nghiệp):

Nhất là nông dân ở vùng có tập quán dùng phân tươi, vùng trồng hoa màu, vùng trồng cây công nghiệp, vùng đất bãi ven sông, vùng đất pha cát... Những vùng này thường nhiều loại giun, nhất là giun đũa và giun tóc.

Công nhân, nhân viên (công ty vệ sinh môi trường đô thị):

Do nghề nghiệp tiếp xúc với phân, rác thải nên tuy có bảo hộ lao động nhưng vẫn có nguy cơ nhiễm giun cao.

Công nhân vùng than, công nhân làm đồ gốm:

Do tiếp xúc với đất, với đất pha than nên dễ nhiễm giun đũa, giun móc, giun mỏ.

Những người có tập quán, thói quen không đảm bảo vệ sinh:

Như ăn gỏi cá - tôm - cua, ăn cua nướng, ăn thịt tái, ăn tiết canh... dễ nhiễm sán lá, sán dây, giun soắn…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top