✴️ Bị rối loạn tiêu hóa người bệnh nên điều trị như thế nào?

Nội dung

1. Rối loạn tiêu hóa là gì?

Tiêu hóa là quá trình biến thức ăn thành chất dinh dưỡng có thể hấp thu qua thành ống tiêu hóa để vào máu. Quá trình tiêu hóa được tính bắt đầu từ miệng cho đến ruột già. Mọi tác động gây thay đổi, cản trở quá trình biến đổi này được gọi chung là rối loạn tiêu hóa. 

Rối loạn tiêu hóa là sự co thắt bất thường của các cơ vòng trong hệ thống tiêu hóa. Khi mắc rối loạn tiêu hóa, người bệnh sẽ cảm thấy bị đầy hơi, đau bụng. Đây là một vấn đề mà bất cứ đối tượng hay độ tuổi nào cũng có thể gặp phải. Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng cũng gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Hoặc nếu bệnh không được điều trị sẽ có nguy cơ dẫn đến ung thư ruột.  

 

2. Nguyên nhân người bệnh bị rối loạn tiêu hóa là gì? 

Rối loạn tiêu hoá không phải là một bệnh lý, tuy nhiên lại có một vài nguyên nhân bắt nguồn từ bệnh lý dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân khác cũng rất phổ biến. Vậy người bệnh mắc rối loạn tiêu hóa bắt nguồn từ nguyên nhân cụ thể nào? Đó là do: 

– Viêm đại tràng: Đây là một trong số những nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn tiêu hóa. Viêm đại tràng có thể do ký sinh trùng (giun đũa, giun kim,…) hay do lỵ amip, shigella,… gây kích thích ruột dẫn đến rối loạn tiêu hóa. 

– Các bệnh lý liên quan đến dạ dày: Viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng,… gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tiêu hóa thức ăn và hấp thu các chất.

– Hệ vi sinh đường ruột bị mất cân bằng: Vi khuẩn đường ruột có vai trò điều hòa quá trình tiêu hóa, lên men thức ăn trong đường ruột. Khi mất đi sự cân bằng hệ vi sinh này sẽ gây ra rối loạn chuyển hóa thức ăn. 

– Do chế độ ăn uống bất hợp lý: Khi dung nạp vào cơ thể những đồ ăn thức uống không đảm bảo vệ sinh đều là nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Chưa hết, nếu ăn uống không đúng bữa cũng có thể gây nên tình trạng này.

– Sử dụng thức uống có cồn và thực phẩm chứa chất kích thích: Rượu bia làm mất độ cân bằng pH dạ dày, các men tiêu hóa bị rửa trôi gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn.

 

3. Các triệu chứng khi người bệnh bị rối loạn tiêu hóa

Khi mắc rối loạn tiêu hóa người bệnh thường có nhiều triệu chứng khác nhau. Có khi chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận nhất định hoặc xảy ra đồng thời ở nhiều bộ phận trong hệ tiêu hóa. Có rất nhiều triệu chứng thường gặp phải kể đến như: 

– Chướng bụng: Do thức ăn không được tiêu hóa hết, ứ đọng trong ống tiêu hóa khiến bụng căng tức, khó chịu.

– Buồn nôn, nôn: bệnh nhân có cảm giác buồn nôn, nôn là do các nguyên nhân gây kích thích đường tiêu hóa.

– Ợ nóng, ợ chua: những nguyên nhân gây kích thích đường tiêu hóa sẽ gây ra tình trạng ợ nóng, ợ chua. Nếu như bạn thường xuyên gặp phải trường hợp này thì có thể bạn đang gặp vấn đề về đường tiêu hóa.

– Đau bụng âm ỉ: Hầu như ai mắc rối loạn tiêu hóa cũng có kèm theo đau bụng. Cơn đau xảy ra ở vùng bụng dạ dày, vùng bụng trên và vùng bụng dưới. Ban đầu, các triệu chứng đau ở mức độ nhẹ sau đó lan rộng và nặng hơn, nhất là sau khi ăn các đồ ăn cay nóng, đồ chua, ngộ độc thực phẩm.

– Đại tiện bất thường: bao gồm tiêu chảy, táo bón, đại tiện nhiều lần trong ngày,… đều là các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chức năng đào thải của hệ tiêu hóa bị rối loạn. Nếu tình trạng này kéo dài, bệnh nhân sẽ mệt mỏi, suy nhược.

– Chán ăn: bệnh nhân sẽ có cảm giác đắng miệng, ăn không ngon.

Buồn nôn, nôn là một triệu chứng điển hình của người bệnh bị rối loạn tiêu hóa

 

4. Cách điều trị khi mắc rối loạn tiêu hóa

Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, rối loạn tiêu hóa có thể chữa khỏi hoàn toàn. Để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất, các bạn nên tuân thủ theo phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra.

 

4.1 Một số thuốc điều trị khi bị rối loạn tiêu hóa 

Khi mắc rối loạn tiêu hoá dùng thuốc gì? Thông thường, phương pháp điều trị đầu tiên chính là sử dụng thuốc Tây. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc để điều trị từng triệu chứng khác nhau, cụ thể như:

– Các thuốc làm giảm nhẹ khi gặp các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn: thuốc Neopeptine, Lactomin, Enterogermina, Maalox,…

– Khi bị tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng sử dụng các thuốc: Berberin; dung dịch bù nước và chất điện giải Oresol, thuốc Loperamid.

– Trường hợp do bệnh lý gây ra, ngoài điều trị triệu chứng, bác sĩ còn điều trị bằng thuốc bệnh lý đặc trị. Vì thế, khuyến cáo các bạn không nên tự ý mua thuốc về điều trị. 

Lưu ý: Những thuốc trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh tuyệt đối không mua thuốc, tự ý điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ mà cần đến các cơ sở chuyên khoa thăm khám càng sớm càng tốt. Khi được các bác sĩ lên phác đồ điều trị, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối để hiệu quả điều trị được cao nhất.

 

4.2 Một số cách chữa trị dân gian khi bị rối loạn tiêu hóa

– Trà bạc hà: có tác dụng làm giảm các triệu chứng buồn nôn, đầy bụng. Bên cạnh đó, hoạt chất Peppermint trong lá bạc hà còn có khả năng chống co thắt dạ dày. Lưu ý thực phẩm này không dùng cho người bị trào ngược dạ dày thực quản.

– Sử dụng lá ổi, lá mơ đối với các trường hợp tiêu chảy do ăn uống kém vệ sinh.

– Để làm dịu các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thì nước chanh, giấm táo là hai sự lựa chọn an toàn. Tuy nhiên loại thức uống này có hại đến men răng. Chính vì vậy mỗi lần sau khi uống xong đừng quên súc miệng để bảo vệ răng.

– Nếu các bạn đang gặp phải tình trạng đầy bụng, khó tiêu thì tỏi là một gợi ý cho bạn. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thêm trà hoa cúc, gừng, rễ cam thảo, sữa chua cũng giúp cải thiện tương đối rõ rệt.

Một số bài thuốc dân gian nêu trên cũng chỉ có tác dụng tương đối để làm giảm các triệu chứng mà không có tác dụng điều trị. Chính vì vậy hãy đến cơ sở y tế để được chẩn đoán đồng thời được bác sĩ lên phác đồ điều trị cụ thể.

 

5. Các biện pháp phòng ngừa rối loạn tiêu hóa

Để phòng ngừa các vấn đề rối loạn tiêu hóa, bạn nên thực hiện theo một số lời khuyên như sau:

– Bổ sung các loại men vi sinh và men tiêu hóa. Chúng sẽ giúp bạn tăng cường lợi khuẩn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

– Tạo cho bản thân một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học bằng cách ăn đúng bữa, hạn chế ăn đồ cay nóng, dầu mỡ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không ăn thực phẩm ôi thiu, bảo quản mất vệ sinh, hết hạn sử dụng,… Hạn chế ăn đồ ngọt như bánh kem, kẹo,…

– Không sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn như rượu, bia, đồ uống có ga và các chất kích thích khác.

– Nên tạo cho bản thân thói quen đi vệ sinh đều đặn.

– Duy trì tập luyện, vận động điều độ. Uống đủ 2 lít nước/ ngày, ăn nhiều rau xanh, hoa quả,…

Rối loạn tiêu hóa là vấn đề mà ai cũng đã từng trải qua. Các bạn đừng quá lo lắng khi có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa xuất hiện. Bởi vì bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được rối loạn tiêu hóa. Mặc dù vậy, bạn cũng không nên chủ quan khi bị rối loạn tiêu hóa mà nên đến gặp bác sĩ để nhận được những lời khuyên và cách điều trị hiệu quả. Hy vọng bài viết đã giúp các bạn có thêm thật nhiều kiến thức bổ ích về rối loạn tiêu hóa. Đặc biệt là những thông tin về cách điều trị và cách khắc phục tình trạng rối loạn tiêu hóa. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top