Một số vấn đề sức khỏe ở tuổi mãn kinh

Thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt, không phải là thay đổi duy nhất bạn sẽ gặp phải khi bạn mãn kinh. Hormone chính là yếu tố giúp chu kỳ kinh nguyệt của bạn luôn đều đặn và cũng tham gia vào nhiều chức năng khác của cơ thể. Khi không được bảo vệ bởi các hormone này nữa, đặc biệt là estrogen, phụ nữ sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Ngoài các vấn đề liên quan đến lão hóa, ví dụ như chuyển hóa chậm, phụ nữ cũng sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, loãng xương và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Bệnh tim mạch

Phụ nữ thường nghĩ rằng ung thư vú là mối nguy lớn nhất đối với họ, nhưng hoàn toàn không phải. Mối nguy nhất đối với phụ nữ sau tuổi mãn kinh thực ra lại là bệnh tim mạch. Có tới gần 1/3 số phụ nữ mắc bệnh tim mạch và tỷ lệ nhồi máu cơ tim ở phụ nữ sẽ bắt đầu tăng lên sau khi mãn kinh khoảng 10 năm, theo thống kê của Hội Tim mạch Hoa Kỳ. Lý do là vì estrogen giúp giữ cho các mạch máu luôn linh hoạt, co giãn để thích nghi với lưu lượng máu chảy. Khi lượng estrogen giảm xuống do mãn kinh, lợi ích này cũng sẽ mất đi. Cùng với các nguy cơ khác như tăng huyết áp, dày thành động mạch, phụ nữ sẽ nhạy cảm hơn với các bệnh tim mạch. Theo các nghiên cứu, những phụ nữ bị bốc hỏa nhiều và sớm trong khi mãn kinh sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn

 

Loãng xương

Phụ nữ sẽ có nguy cơ loãng xương cao hơn nam giới 4 lần. Trước giai đoạn mãn kinh, xương của phụ nữ cũng được bảo vệ bởi estrogen, nhưng ngay sau khi bạn mãn kinh và đặc biệt là 3 năm sau mãn kinh, tình trạng mất xương diễn ra rất nhanh. Phụ nữ thậm chí có thể không nhận ra mình đang bị loãng xương vì loãng xương sẽ không gây ra triệu chứng gì trong nhiều năm. Gãy xương có thể là dấu hiệu loãng xương đầu tiên. Do vậy, phụ nữ sau 65 tuổi nên tiến hành kiểm tra mật độ xương bằng phương pháp DEXA để đánh giá tình trạng loãng xương.

 

Tăng cân

Mãn kinh có ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ chuyển hóa của phụ nữ. Mãn kinh khiến cơ thể phụ nữ tích tụ nhiều chất béo hơn và mất đi các khối cơ nạc đặc biệt là trong 2 năm đầu và 2 năm sau mãn kinh.Thừa cân, đặc biệt là quanh vùng bụng, rất nguy hiểm vì làm tăng nguy cơ tiểu đường typ 2 bệnh tim mạch, kể cả trong trường hợp cân nặng luôn ổn định. Nguyên nhân của tình trạng này một phần cũng là do mất estrogen. Estrogen có chức năng chuyển mỡ từ hông đến phần dưới. Những phụ nữ gần tuổi mãn kinh cũng thường sẽ gặp phải các vấn đề về giấc ngủ, vã mồ hôi đêm và những vấn đề này sẽ cản trở thói quen ăn uống lành mạnh hoặc luyện tập thể thao. Cắt giảm lượng calo nạp vào có thể giúp làm ngăn ngừa tình trạng tăng cân ở tuổi mãn kinh. Cố gắng luyện tập thể thao, ăn bữa chính và buổi chiều, không ăn vặt và luyện tập các hình thức giảm stress như yoga hoặc thiền.

 

Viêm đường tiết niệu

Sau mãn kinh, suy giảm estrogen có thể khiến các mô âm đạo mỏng và khô hơn. Tình trạng này khiến vi khuẩn dễ xâm nhập hơn và có thể dẫn đến viêm đường tiết niệu. Mặc dù nguy cơ viêm đường tiêt niệu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe chung, nhưng nhìn chung thì nguy cơ sẽ tăng dần theo tuổi. Ở phụ nữ trên 65 tuổi, nguy cơ gần như gấp đôi so với những phụ nữ ở các lứa tuổi khác. Có khoảng 10% số phụ nữ sau mãn kinh báo cáo lại tình trạng viêm đường tiết niệu trong 1 năm trở lại đây.

 

Tiểu không tự chủ

Khó kiểm soát bàng quang có thể khởi phát từ trước khi mãn kinh và tiếp tục diễn ra trong nhiều năm sau đó. Có khoảng một nửa số phụ nữ sau mãn kinh gặp phải tình trạng tiểu không tự chủ, là tình trạng rò rỉ nước tiểu khi ho, hắt hơi hoặc vận động thể chất. Các mô bàng quang và niệu quản có chứa các thụ thể estrogen và progesterone và sẽ được các hormone này làm dầy lên. Sau khi mãn kinh lượng hormone giảm xuống, các mô này trở nên mỏng và yếu hơn. Ngoài ra, cơ vùng chậu cũng sẽ yếu hơn do lão hóa, dẫn đến tình trạng mất kiểm soát khi tiểu tiện. Để tránh tình trạng này, phụ nữ nên đi tiểu thường xuyên, luyện tập bài tập Kegel để giúp giữ cân bằng các cơ vùng chậu, kiểm soát nước tiểu tốt hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top