Nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuất hiện ở người như thế nào?

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là một bệnh nhiễm trùng phổ biến do vi khuẩn gây ra, dẫn đến các triệu chứng như đi tiểu thường xuyên, cảm giác buồn tiểu ngay cả sau khi bàng quang đã rỗng, đau và rát khi đi tiểu. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân cũng có thể thấy máu trong nước tiểu hoặc cảm thấy tức bụng và chuột rút.

Theo bác sĩ N Sapna Lulla, trưởng nhóm tư vấn sản phụ khoa, Bệnh viện Aster CMI (Ấn Độ), mặc dù nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng có một số nhóm người nhất định có thể dễ mắc bệnh này hơn.

Phụ nữ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn

Vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu thường sống ở vùng âm đạo hoặc hậu môn, nếu không có biện pháp vệ sinh, chăm sóc và phòng ngừa thích hợp, chúng có thể xâm nhập vào niệu đạo và di chuyển đến bàng quang, gây nhiễm trùng. BS. Lulla cho biết, phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập dễ dàng hơn và do đó làm tăng nguy cơ mắc UTI.

Theo Văn phòng Sức khỏe Phụ nữ của Mỹ (Office on Women's Health), phụ nữ mắc UTI nhiều gấp 30 lần so với nam giới, và cứ 10 phụ nữ bị UTI thì có 4 người có khả năng bị một đợt nhiễm trùng khác trong vòng 6 tháng.

 

Người cao tuổi

Tuổi tác cũng là một yếu tố nguy cơ chính gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi, có thể có nguy cơ mắc UTI cao hơn. Theo BS. Lulla, điều này có thể do hệ miễn dịch suy yếu và các yếu tố khác liên quan đến tuổi tác.

Ngoài ra, một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Aging Health năm 2013, phụ nữ sau mãn kinh (trong độ tuổi từ 45-55) từng bị nhiễm trùng đường tiết niệu trước đó có nguy cơ mắc lại bệnh này cao gấp 4 lần.

 

Hoạt động tình dục quá thường xuyên

BS. Lulla cho biết, UTI thường gặp ở những người lạm dụng hoạt động tình dục, đặc biệt là với nhiều bạn tình. Điều này là do khi quan hệ tình dục, vi khuẩn trên da sẽ dễ dàng di chuyển đến đường tiết niệu hơn. Tuy nhiên, lưu ý UTI không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục.

 

Hệ miễn dịch suy giảm

Bị suy giảm miễn dịch hay hệ miễn dịch yếu khiến cơ thể không thể chống lại các mầm bệnh bên ngoài như virus, vi khuẩn, nấm, dẫn đến nhiễm trùng nặng, trong đó có UTI. Theo BS Lulla, những người có hệ miễn dịch suy giảm, chẳng hạn như người mắc bệnh đái tháo đường, người bị HIV, dễ có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn.

 

Bệnh bí tiểu

Bí tiểu là tình trạng bàng quang chứa đầy nước tiểu nhưng không đi tiểu được hoặc đi tiểu nhưng bàng quang không rỗng hoàn toàn và người bệnh thường xuyên cảm thấy muốn đi tiểu. Do nước tiểu không được loại bỏ hết nên vi khuẩn có cơ hội phát triển và nhiễm vào đường tiết niệu.

Hơn nữa, trong một số trường hợp, người bị bí tiểu phải dùng ống thông để dẫn nước tiểu ra khỏi bàng quang. Việc sử dụng ống thông tiểu kéo dài càng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn nên uống đủ nước mỗi ngày, vệ sinh vùng kín đúng cách. Những người thường xuyên quan hệ tình dục nên đi tiểu trước và sau khi quan hệ, lau từ trước ra sau thay vì từ sau ra trước để ngăn vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top