Đến khi 2 - 3 tuổi trẻ có thể kiềm chế nín tiểu lâu hơn vào ban ngày. Cùng với sự phát triển theo lứa tuổi, trẻ dần dần học được là nên đi tiểu đúng lúc. Sau khi đã kiểm soát việc tiểu tiện ban ngày, dần dần trẻ có thể kiểm soát cả lúc ngủ. Tới thời điểm này, bộ não của trẻ sẽ chỉ huy cần phải làm gì do có mối liên hệ giữa não và bàng quang về thông điệp nín tiểu.
Đái dầm là một rối loạn bài tiết nước tiểu không theo ý muốn xảy ra khi ngủ (có thể bị khi ngủ đêm hoặc ngủ ngày). Đái dầm là hiện tượng gặp khá phổ biến ở trẻ em: ở lứa tuổi 5 tuổi gặp từ 10-20%, đến 10 tuổi tỷ lệ đái dầm là 3-4%, trẻ trai bị nhiều hơn trẻ gái. Những trẻ có rối loạn tăng hoạt động bị đái dầm tăng gấp 2,7 lần. Đến tuổi trưởng thành vẫn còn khoảng 1% người bị đái dầm.
- Yếu tố di truyền (đái dầm liên quan nhiều tới nhiễm sắc thể số 13): Gia đình bố mẹ không có tiền sử đái dầm lúc nhỏ sẽ có trẻ bị đái dầm với tỷ lệ 15%. Nếu chỉ có bố hoặc mẹ bị đái dầm - tỷ lệ con bị đái dầm là 44%. Nếu cả bố và mẹ đều bị đái dầm, tỷ lệ con bị đái dầm là 77%.
- Rối loạn giấc ngủ: Khó thức tỉnh từ giấc ngủ sâu khi bàng quang căng đầy nước tiểu.
- Chậm phát triển hệ thần kinh trung ương làm giảm khả năng kiểm soát nín tiểu của bàng quang khi trẻ ngủ.
- Yếu tố nội tiết: Không đủ hormon bài niệu ADH (hormon này có tác dụng làm giảm số lượng bài tiết nước tiểu từ thận).
- Nhiễm khuẩn tiết niệu.
- Dị dạng đường tiết niệu: Bất thường van niệu quản ở trẻ trai hoặc bất thường niệu đạo ở trẻ gái. Bàng quang nhỏ hơn bình thường làm giảm khả năng giữ được nước tiểu lâu trong bàng quang.
- Bất thường cột sống.
- Yếu tố tâm lý: Một số trẻ đái dầm do có lo âu sau sang chấn tâm lý ở nhà hoặc ở trường.
- Do gia đình ít luyện tập cho trẻ đi tiểu trước khi ngủ.
- Nhiều trường hợp không tìm ra nguyên nhân chính.
Trường hợp đã dùng thuốc bổ thần kinh mà chứng đái dầm vẫn không hết, thì có lẽ thần kinh yếu không phải là nguyên nhân chính khiến các cháu này khó kiểm soát việc tiểu tiện của mình. Khi đó cần cho các cháu đi khám nội khoa tổng quát, khám chuyên khoa thần kinh, tiết niệu, tâm lý cẩn thận lại một lần nữa để tìm nguyên nhân. Khi tìm được đúng nguyên nhân thì bệnh mới chữa khỏi được. Trong trường hợp bị đái dầm do yếu tố di truyền, do không có nguyên nhân cụ thể… sẽ gặp nhiều vất vả hơn trong quá trình điều trị.
Chứng đái dầm không phải là bệnh nan y. Trẻ nhỏ đái dầm là chuyện bình thường, nhưng với những bệnh nhân đã có ý thức thì lại gây căng thẳng tâm lý rất lớn. Chính sự căng thẳng tâm lý ấy lại càng khiến cho tình trạng bệnh lại nặng thêm. Do đó, việc điều trị chứng đái dầm cho trẻ lớn cần thực hiện cả hai phương pháp điều trị: điều trị tâm lý và thuốc.
Điều trị tâm lý bao gồm trị liệu hành vi nhằm huấn luyện trẻ không đái dầm và tư vấn tâm lý. Một số biện pháp trị liệu hành vi có thể áp dụng là: hạn chế uống nước vào buổi tối. Đi tiểu trước khi đi ngủ. Đặt chuông báo thức để dậy đi tiểu vào ban đêm với khoảng thời gian lùi dần về sáng. Với trẻ lớn, tập luyện bàng quang bằng cách chủ động nín giữ nước tiểu lâu hơn trong bàng quang, tập đái ngắt quãng.
Thuốc điều trị đái dầm sẽ được dùng khi điều trị tâm lý cho kết quả không như mong muốn. Tuy nhiên, thuốc dùng trong điều trị đái dầm có khá nhiều tác dụng phụ nên phải có đơn của bác sĩ và bệnh nhân phải dùng theo đúng chỉ định.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh