✴️ Nguyên nhân gây sỏi thận – ngay ở trước mắt nhưng ít ai biết

Nội dung

Nguyên nhân thiếu canxi

Theo một nghiên cứu của Trường Y Harvard năm 2013, những người có chế độ ăn nhiều canxi hoặc ít canxi đều có nguy cơ bị sỏi thận. Nếu chế độ ăn uống của bạn thiếu canxi, thì chất oxalate – chất thường liên kết với canxi trong đường tiêu hóa sẽ liên kết với canxi trong nước tiểu và kích hoạt sự hình thành sỏi thận.

 

Oxalate trong các loại rau

Oxalat được tìm thấy trong các loại rau lá xanh như rau bina, đại hoàng và củ cải đường. Oxalat sẽ liên kết với canxi trong ruột của bạn và được thải ra khỏi cơ thể qua đường tiết niệu. Nhưng khi lượng oxalat quá cao, các hóa chất này có thể tập trung trong nước tiểu và dẫn đến hình thành sỏi. Điều đó không có nghĩa bạn nên bỏ ăn rau mà bạn cần ăn cân đối các loại rau. Cần ăn thêm các loại rau ít chất oxalate hơn như cải xoăn hay bông cải trắng.

 

Ít dùng hoa quả có múi

Trong các trái cây có múi như chanh hoặc bưởi, có chứa một hợp chất gọi là citrate, được cho là giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh sỏi thận. Nếu ít sử dụng hoa quả có múi sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận.

 

Nguyên nhân ăn quá mặn

Muối cũng là một trong những tác nhân gây sỏi thận. Khi lượng natri của bạn tăng có thể gây ra sự gia tăng lượng canxi trong hệ bài tiết. Sự gia tăng canxi trong nước tiểu làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Các chuyên gia khuyên rằng, hầu hết mọi người nên hạn chế tiêu thụ natri, chỉ dùng 2.300mg mỗi ngày, những người khác, như người có huyết áp cao, cần giảm đến dưới 1.500mg mỗi ngày.

Muối cũng là một trong những tác nhân gây sỏi thận nếu bạn ăn quá mặn

 

Nguyên nhân ăn nhiều thịt

Ăn quá nhiều thịt gia cầm và thịt đỏ cũng có thể khiến bạn mắc nguy cơ bị sỏi thận. Một nghiên cứu năm 2014 đăng trên tạp chí Dinh dưỡng phát hiện ra rằng, những người ăn chay và ăn cá ít bị sỏi thận hơn từ 30-50% so với những người ăn khoảng 100g thịt mỗi ngày.

 

Uống quá nhiều trà đen

Trà đen (một trong những loại phổ biến nhất ở Mỹ) cũng là một nguồn chính cung cấp oxalate, chất có thể tạo thành sỏi thận. Những người có nguy cơ mắc sỏi thận cao nên hạn chế hay cắt trà ra khỏi chế độ ăn uống của họ hoàn toàn.

 

Nước soda

Thông thường, bổ sung nhiều nước là cách để tránh sỏi thận. Đó là lý do tại sao các chuyên gia nói rằng cần uống khoảng 8 ly nước mỗi ngày. Nhưng không phải tất cả các loại đồ uống đều giống như nhau. Nếu bạn uống một lon soda có đường mỗi ngày có thể làm tăng tỷ lệ mắc sỏi thận lên 23%. Fructose trong nước ngọt cũng làm tăng hóa chất gây sỏi thận.

 

Mắc bệnh viêm đường ruột

Những người mắc bệnh viêm đường ruột thường có nguy cơ cao bị sỏi thận. Theo đó, những người có bệnh Crohn (viêm đường ruột) và viêm loét đại tràng là đặc biệt nguy hiểm. Bệnh đi kèm với tiêu chảy, có thể làm tăng nguy cơ mất nước và tăng tỷ lệ các chất gây sỏi thận.

 

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái diễn

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thể là dấu hiệu của sỏi thận. Một số trường hợp sỏi thận không gây đau và đây là dấu hiệu của bệnh sỏi thận mà bạn không để ý.

 

Dùng quá nhiều thuốc nhuận tràng

Theo một nghiên cứu, những người thường sử dụng thuốc nhuận tràng cũng là người dễ bị sỏi thận. Thuốc nhuận tràng có tác dụng phụ là cản trở việc hấp thụ chất dinh dưỡng và thuốc, gây mất cân bằng điện giải và liên quan đến hình thành sỏi thận. Sử dụng quá nhiều thuốc nhuận tràng khiến cơ thể mất nước và gây sỏi thận.

 

Dùng thuốc điều trị đau nửa đầu

Những người dùng topiramate (trong đơn thuốc gọi là topamax) có thể bị sỏi thận cao hơn so với người không dùng thuốc. Nguyên nhân là do chất topiramate có thể làm tăng nồng độ pH trong nước tiểu, nguy cơ dẫn đến sỏi thận.
Có nhiều nguyên nhân gây sỏi thận mà ít người biết. Tuy nhiên bệnh vẫn có thể phòng ngừa bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời việc khám sức khỏe định kỳ thường xuyên cũng sẽ giúp bạn phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top