Nguyên nhân tiểu tiện, đại tiện không tự chủ

Đặc điểm lâm sàng

Với tuổi cao sức yếu, NCT thường bị suy giảm một số khả năng trong sinh hoạt hàng ngày là một vấn đề đương nhiên. Trong đó việc tiểu tiện, đại tiện không tự chủ do bàng quang và ruột không kiểm soát được các hoạt động này thường được ghi nhận. Bình thường, nước tiểu được thận bài tiết rồi dự trữ ở bàng quang, khi bàng quang chứa đầy nước tiểu sẽ có phản xạ qua dây thần kinh đi tới não; từ đó có luồng thần kinh chỉ huy đi trở lại bàng quang làm cho bàng quang co bóp để đẩy nước tiểu ra ngoài tạo nên trạng thái tiểu tiện. Ở NCT, hoạt động của thận và bàng quang đều bị suy giảm, khi đi tiểu tiện bàng quang không thể tống hết nước tiểu ra bên ngoài nên rất dễ gây ra tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu. Một số nguyên nhân khác cũng có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động tiểu tiện của NCT như: sự đi lại khó khăn, đau chân, đau khớp, mắc bệnh đái tháo đường, dùng các thuốc lợi tiểu... Trường hợp đại tiện không tự chủ cũng có thể xảy ra với cơ chế tương tự như tiểu tiện không tự chủ nhưng ít gặp hơn.

Cần lưu ý rằng chỉ xem các trường hợp tiểu tiện, đại tiện không tự chủ khi ghi nhận NCT không tự chủ, không kiểm soát được những hoạt động tiểu tiện, đại tiện này; gây ra những vấn đề có liên quan đến vệ sinh cá nhân và sinh hoạt xã hội để phân biệt với các loại bệnh lý khác.

 

Tiểu tiện không tự chủ

NCT thường có hoạt động tiểu tiện không tự chủ khá phổ biến, vì vậy cần biết nguyên nhân và biểu hiện, cách xử trí và luyện tập giúp đỡ, đồng thời thực hiện các phương pháp chăm sóc hỗ trợ.

 

Nguyên nhân và biểu hiện:

Sự căng bàng quang làm xảy ra sự són tiểu khi NCT thực hiện bất kỳ một động tác nào đó tạo ra áp lực trên bàng quang như: khi vận động, đứng lên, thậm chí cả khi hắt hơi, nhảy mũi, ho hay cười...; tình trạng này thường hay gặp ở phụ nữ cao tuổi, có thân hình béo mập và sinh nở nhiều lần. Trường hợp không nhịn được tiểu tiện khi NCT không đi kịp ra nhà vệ sinh thì đã tiểu tiện ra trong quần, lượng nước tiểu són ra không nhiều nhưng thường són ra đột ngột không có dấu hiệu báo trước. Tiểu rỉ ra nước tiểu do đường ống thoát tiểu bị tắc nghẽn, do phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới hoặc sa tử cung ở nữ giới, hay bị táo bón, nhu động ruột kém; trong trường hợp này người cao tuổi có đủ thời gian để đi ra nhà vệ sinh nhưng do bàng quang không có khả năng đào thải hết được lượng nước tiểu ứ đọng nên thường bị tiểu rỉ ra giữa các lần đi tiểu. Tiểu rỉ ra liên tục, nước tiểu rỉ ra do các dây thần kinh điều khiển bàng quang bị tổn thương, do bệnh ở tủy sống hoặc do đột quỵ. Ngoài ra, còn có một số các nguyên nhân khác có thể gây nên tình trạng tiểu tiện không tự chủ ở NCT như do nhiễm khuẩn tiết niệu, tâm thần sa sút, tình trạng tinh thần lú lẫn, nhà vệ sinh ở xa không thuận tiện sử dụng; do dùng thuốc lợi tiểu, thuốc an thần, bị ốm đau...; nếu do ốm đau thì sau khi chữa khỏi bệnh, tình trạng tiểu tiện không tự chủ cũng sẽ hết.

 

Xử trí điều trị:

Việc xử trí điều trị được thực hiện tùy theo nguyên nhân gây nên. Các biện pháp đơn giản có thể tiến hành là tạo điều kiện thuận tiện cho NCT trong việc đi tiểu tiện như: đặt bô chứa nước tiểu ở cạnh giường, cho mặc quần áo dễ cởi như quần thun... Đồng thời cho ngừng hoặc giảm việc dùng thuốc an thần, lợi tiểu; nếu đang nhiễm khuẩn đường tiết niệu phải cho dùng kháng sinh. Ngoài ra, cần hướng dẫn NCT tập luyện các cơ thành bụng tham gia vào việc tiểu tiện; tạo phản xạ, thói quen trong tiểu tiện...

 

Các bài tập luyện:

Các bài tập luyện này chỉ áp dụng cho trường hợp tiểu tiện không tự chủ do căng bàng quang. Thực tế, do những cơ tham gia vào việc bài xuất, tống nước tiểu từ bàng quang ra ngoài yếu nên phải cố gắng luyện tập trong thời gian ít nhất từ 4 - 6 tuần mới có kết quả. Đầu tiên, hướng dẫn NCT có tiểu hiện không tự chủ ngồi trên ghế cứng, ngả người về phía trước, hai khuỷu tay chống lên đầu gối hoặc nằm ngửa, đầu gối gấp, hai bàn chân để thẳng lên mặt giường. Tiếp theo, tập co các cơ đại tiểu tiện bằng động tác giống như khi thực hiện nhịn tiểu tiện hoặc đại tiện; cố giữ như vậy và đếm 1, 2, 3, sau đó thả lỏng; tiến hành động tác này trên 10 lần; mỗi ngày thực hiện việc luyện tập ít nhất 3 lần. Khi đã quen, có thể tập bất cứ lúc nào kể cả ở tư thế ngồi hoặc tư thế đứng.

Đồng thời, tập giữ nước tiểu bằng cách hướng dẫn, khuyến khích NCT dừng tiểu khi mới tiểu được một nửa, đếm 1, 2, 3, rồi lại đi tiểu tiếp; cần phải tập nhiều lần như vậy để các cơ thắt khỏe hơn; khi đã quen có thể nhịn tiểu lâu hơn. Phải luyện tập động tác này thường xuyên mỗi khi đi tiểu, nếu bỏ lâu không tập luyện thì các cơ sẽ yếu đi. Nếu phát hiện các trường hợp có u xơ tuyến tiền liệt, sa tử cung... thì phải giải quyết bằng phẫu thuật can thiệp.

Ngoài ra, khuyên NCT tập phản xạ đi tiểu theo giờ nhất định. Cần theo dõi thời điểm NCT thường đi tiểu tiện không tự chủ để xác định giờ đi tiểu và chủ động hướng dẫn tập đi tiểu trước các giờ thường tiểu dầm ra quần khoảng 30 phút. Thực tế NCT đi tiểu tiện không tự chủ do không nhịn được, mỗi khi mót đi tiểu thường phải vào ngay nhà vệ sinh; vì vậy cần hướng dẫn cụ thể khi buồn đi tiểu nên cố gắng nhịn khoảng 5 phút rồi hãy ra nhà vệ sinh. Lúc đầu có thể xảy ra tình trạng đi tiểu són, tiểu dầm nhưng rồi bàng quang sẽ quen dần cho đến khi có thể chủ động đi tiểu được bình thường.

 

Cách chăm sóc cần thiết:

Khi NCT đi tiểu tiện không tự chủ và tiểu dầm không tự thay quần áo được thì phải chủ động giúp đỡ, hỗ trợ việc vệ sinh, thay quần áo; tránh làm cho họ có sự xấu hổ hoặc mặc cảm... Không để tình trạng nước tiểu thấm ướt lâu mà không được thay ngay quần áo. Phải lau, rửa sạch vùng bẹn, mông là nơi da dễ bị loét; có thể lót tấm ni lông, khăn trải ở giường và ghế ngồi của họ. Lưu ý mặc dù NCT có tiểu tiện không tự chủ, thường tiểu dầm ra quần áo nhưng không nên hạn chế việc cho uống nước; phải cho uống đủ lượng nước mỗi ngày từ 1,5 - 2 lít để tránh tình trạng mất nước vì có thể bản thân họ lo ngại nên không dám uống nhiều nước.

 

Đại tiện không tự chủ

Việc đại tiện không tự chủ ở NCT thường ít gặp hơn so với tiểu tiện không tự chủ. Nguyên nhân có thể do bị tiêu chảy nặng và táo bón nặng. Tiêu chảy nặng thường xảy ra trong các trường hợp nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn; do bệnh đường ruột, nghiện rượu, dùng kháng sinh, tổn thương tủy sống, đột quỵ... Táo bón nặng thường xảy ra do tình trạng phân đóng cục cứng trong ruột; vì thường xuyên phải rặn nên hình thành khá nhiều nước phân ở chung quanh cục phân và nước này có thể rỉ ra ngoài hậu môn gây nên tình trạng đại tiện không tự chủ.

Việc xử trí điều trị cũng được thực hiện theo nguyên nhân gây nên. Nếu bị tiêu chảy nặng thì phải điều trị tác nhân gây tiêu chảy. Nếu bị táo bón nặng thì phải thụt tháo lấy phân ra, cho ăn chế độ ăn thích hợp, tránh táo bón bằng cách uống nhiều nước, ăn thức ăn có nhiều chất xơ như rau, hoa quả...; thường xuyên tập luyện, vận động để tránh sự táo bón.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top