✴️ Những điều cần biết về nhiễm trùng bàng quang

Nội dung

Nhiễm trùng bàng quang phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Người ta ước tính hơn 50% phụ nữ sẽ bị nhiễm trùng bàng quang ít nhất một lần trong đời. Đa phần đây là bệnh nhiễm trùng không biến chứng, thường do vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) gây ra.

Thuật ngữ “không biến chứng” được sử dụng để mô tả nhiễm trùng xảy ra ở phụ nữ khỏe mạnh khác với nhiễm trùng bàng quang “phức tạp” xảy ra với những người có sẵn vấn đề sức khoẻ như đặt ống thông tiểu, stent niệu quản, đái tháo đường, mang thai hoặc các bệnh lý khác.

Mặc dù nhiễm trùng bàng quang không biến chứng thường dễ dàng điều trị bằng một đợt kháng sinh ngắn ngày, nhưng nó cũng gây khó chịu đáng kể cho người mắc bệnh.

NGUYÊN NHÂN

Nhiễm trùng bàng quang thường xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo (niệu đạo là ống dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể) và sau đó di chuyển ngược dòng vào bàng quang.

Khi ở trong bàng quang, vi khuẩn có thể bám vào niêm mạc của bàng quang, gây nên tình trạng viêm bàng quang. Vi khuẩn cũng có thể di chuyển từ bàng quang lên thận, dẫn đến nhiễm trùng thận.

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng bàng quang là:

  • Quan hệ tình dục thường xuyên
  • Quan hệ tình dục với nhiều người
  • Sử dụng màng ngăn và chất diệt tinh trùng để ngừa thai
  • Không đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục
  • Bệnh đái tháo đường
  • Bị nhiễm trùng bàng quang hoặc thận trong vòng 12 tháng qua
  • Thay đổi cấu trúc trong hệ tiết niệu

TRIỆU CHỨNG

Các triệu chứng của nhiễm trùng bàng quang gồm:

  • Đau hoặc rát khi đi tiểu
  • Tiểu gấp và tiểu nhiều lần, tiểu lắt nhắt lượng nhỏ
  • Khó chịu ở bụng dưới
  • Nước tiểu có mùi hôi
  • Nước tiểu đục
  • Có máu trong nước tiểu

Người bị nhiễm trùng thận có các triệu chứng tương tự, nhưng họ cũng có thể có:

  • Sốt
  • Đau lưng hoặc đau ở hông hoặc bẹn
  • Buồn nôn, nôn

Bác sĩ thường chẩn đoán nhiễm trùng bàng quang sau khi xem xét về các triệu chứng mà một người đang gặp phải và làm tổng phân tích nước tiểu. Đây là một xét nghiệm nước tiểu để tìm sự hiện diện của các tế bào bạch cầu trong nước tiểu và các dấu hiệu cho thấy bị nhiễm trùng.

Nếu nghi ngờ nhiễm trùng thận, bác sĩ có thể đề nghị cấy nước tiểu để xác định các vi khuẩn có thể có trong mẫu nước tiểu.

Cấy nước tiểu thường được khuyến khích nếu người đó:

  • Có các triệu chứng không điển hình của nhiễm trùng bàng quang
  • Bị nhiễm trùng bàng quang thường xuyên
  • Bị nhiễm trùng bàng quang “đề kháng” khi không cải thiện khi dùng kháng sinh
  • Không cải thiện trong vòng 24-48 giờ sau khi bắt đầu dùng kháng sinh
  • Có thai

ĐIỀU TRỊ

Những người bị nhiễm trùng bàng quang không biến chứng thường được điều trị bằng một đợt kháng sinh ngắn. Có nhiều lựa chọn điều trị khác nhau, nhưng sau đây là những thuốc phổ biến nhất cho bệnh viêm bàng quang không biến chứng:

  • Trimethoprim-sulfamethoxazole (Bactrim) 160-800mg 2 lần mỗi ngày trong 3 ngày
  • Nitrofurantoin monohydrat 100 mg x 2 lần/ngày trong 5-7 ngày
  • Fosfomycin trometamol 3g một liều duy nhất

Một liệu trình điều trị 3 ngày đã được chứng minh là có hiệu quả như liệu trình 7 ngày, tiết kiệm chi phí và có ít tác dụng phụ hơn. Tác dụng phụ thường là sự phát triển quá mức của nấm men, có thể gây phát ban và viêm âm đạo do nấm.

Có thể điều trị một liều duy nhất nhưng thường tỷ lệ chữa khỏi thấp hơn và tái phát thường xuyên hơn.

Hầu hết bệnh nhân nhận thấy rằng các triệu chứng bắt đầu cải thiện một ngày sau khi bắt đầu điều trị. Ngay cả khi cảm thấy tốt hơn,  họ vẫn phải dùng đủ liều thuốc kháng sinh để loại bỏ hoàn toàn nhiễm trùng, nếu không thì nhiễm trùng có thể quay trở lại và khó điều trị lần thứ hai hơn.

Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 2 hoặc 3 ngày sau khi bắt đầu điều trị, bạn nên liên hệ thêm với bác sĩ của mình.

Những người bị nhiễm trùng bàng quang phức tạp hơn thường sẽ phải dùng thuốc kháng sinh trong 7-14 ngày. Nhiễm trùng phức tạp xảy ra trong thời kỳ mang thai, người bị bệnh tiểu đường hoặc nhiễm trùng thận nhẹ. Nam giới bị nhiễm trùng tiết niệu cấp tính cũng nên dùng kháng sinh trong 7-14 ngày.

Kháng sinh fluoroquinolon và beta-lactam được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng xâm lấn hơn. Những kháng sinh này có hiệu quả nhưng không được khuyến khích để điều trị ban đầu vì lo ngại về sự kháng thuốc của vi khuẩn.

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA

Trước vấn đề đáng lo ngại về vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, bác sĩ khuyến khích những phụ nữ thường xuyên bị nhiễm trùng bàng quang sử dụng các biện pháp phòng ngừa khi có thể. Các biện pháp này có thể bao gồm:

  • Thay đổi phương pháp ngừa thai: Nhiễm trùng bàng quang phổ biến hơn ở những phụ nữ sử dụng chất diệt tinh trùng và màng ngăn tránh thai.
  • Uống đủ nước và đi tiểu trực tiếp sau khi quan hệ tình dục: Điều này có thể giúp loại bỏ vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang.
  • Bôi kem estradiol tại chỗ: Phụ nữ mãn kinh sử dụng estrogen âm đạo tại chỗ có thể giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Sử dụng kháng sinh phòng ngừa: có thể được khuyến nghị nếu nhiễm trùng bàng quang liên tục và các biện pháp phòng ngừa khác không hiệu quả.

Tham khảo thêm

Bạn có thể ngăn ngừa nhiễm trùng bàng quang bằng cách dùng thêm nước ép nam việt quất không đường, D-mannose, giấm táo, axit ascorbic (vitamin C) và men vi sinh.

Nước ép nam việt quốc

Uống nước ép quả nam việt quất không đường hoặc chế phẩm nam việt quất là một cách để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng bàng quang thường xuyên. Hợp chất được gọi là proanthocyanidins được tìm thấy trong quả nam việt quất được cho là có tác dụng ngăn vi khuẩn bám vào thành niệu đạo và bàng quang, giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Khuyến cáo 3 ly nước ép nam việt quất không đường mỗi ngày hoặc 2 viên mỗi ngày cho đến khi tình trạng nhiễm trùng thuyên giảm.

D-mannose

D-mannose là một loại đường tự nhiên được tìm thấy trong một số loại trái cây, như quả nam việt quất và quả việt quất. Một nghiên cứu mới cho thấy D-mannose có hiệu quả tương tự như thuốc kháng sinh trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát ở phụ nữ.

Đường gắn vào vi khuẩn E.coli và ngăn chúng dính vào thành của đường tiết niệu hoặc bàng quang. Sau đó, vi khuẩn sẽ được đào thải ra ngoài khi đi tiểu.

D-mannose có ở dạng bột hoặc viên nang. Liều khuyến cáo là 500 mg uống 2 giờ một lần trong 5 ngày. Những người bị nhiễm trùng bàng quang tái phát có thể dùng liều D-mannose hàng ngày thấp hơn để phòng ngừa.

TÓM LẠI

Nhiễm trùng bàng quang không biến chứng chủ yếu được điều trị bằng một đợt kháng sinh ngắn. Phương pháp điều trị này có hiệu quả cao, không tốn kém và ít tác dụng phụ. Thông thường, các triệu chứng bắt đầu cải thiện sau 48 giờ và thường được giải quyết trong vòng 72 giờ.

Đối với những người bị nhiễm trùng đã lan đến thận, thuốc kháng sinh thường được dùng trong 10-14 ngày. Sau thời gian này, hầu hết các bệnh nhiễm trùng sẽ thuyên giảm mà không có bất kỳ biến chứng nào khác.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top