Phòng tránh nhiễm trùng tiết niệu sau khi quan hệ tình dục

Mặc dù nước tiểu không chứa vi khuẩn, nhưng đôi khi vi khuẩn trong vùng sinh dục của bạn có thể xâm nhập vào đường tiết niệu, dẫn đến nhiễm trùng và viêm, được gọi là nhiễm trùng tiết niệu. Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng tiết niệu, bao gồm cả quan hệ tình dục. Theo một đánh giá năm 2013, mặc dù nam giới có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu thấp hơn, đặc biệt là sau khi quan hệ tình dục, nhưng nó vẫn có thể xảy ra.

Bạn có thể bị nhiễm trùng tiết niệu khi quan hệ tình dục không?

Câu trả lời là có, bạn có thể bị nhiễm trùng tiết niệu khi quan hệ tình dục, đặc biệt nếu bạn là phụ nữ. Chuyên gia giải thích, trong khi quan hệ tình dục, động tác đẩy có thể đưa vi khuẩn lên niệu đạo và bàng quang, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu. Nguyên nhân khiến phụ nữ dễ bị nhiễm trùng tiết niệu khi quan hệ tình dục là do cơ địa của họ. Phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn nam giới, có nghĩa là vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang dễ dàng hơn. Ngoài ra, ở phụ nữ, niệu đạo gần hậu môn hơn . Điều này làm cho vi khuẩn, như E. coli, xâm nhập vào niệu đạo dễ dàng hơn.

Mặc dù bất kỳ ai cũng dễ bị nhiễm trùng tiết niệu khi quan hệ tình dục, chuyên gia cho biết phụ nữ có tiền sử nhiễm trùng tiết niệu tái phát hoặc bất thường về đường tiết niệu có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng này cao hơn.

 

Làm thế nào để giảm nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu sau khi quan hệ tình dục?

Dưới đây là một số bước để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng tiết niệu sau khi quan hệ tình dục:

  • Luôn đi tiểu sau khi quan hệ tình dục để loại bỏ bất kỳ vi khuẩn nào trong bàng quang sẽ giảm nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu
  • Một số bác sĩ cũng khuyên bạn nên đi tiểu trước khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu
  • Rửa vùng kín bằng nước ấm trước khi quan hệ tình dục có thể làm giảm nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo, đặc biệt là đối với phụ nữ
  • Một số biện pháp tránh thai, chẳng hạn như màng ngăn hoặc chất diệt tinh trùng, có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu bạn nghĩ rằng một trong hai cách này có thể góp phần vào bệnh nhiễm trùng của bạn, hãy xem xét các hình thức tránh thai khác

Những phụ nữ bị nhiễm trùng tiết niệu tái phát có thể dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định sau khi quan hệ tình dục. Đây thường là một liều được thực hiện ngay sau khi quan hệ.

 

Bạn có thuộc nhóm mắc nhiễm trùng tiết niệu cao hơn những người khác không?

Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm trùng tiết niệu, nhưng phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn nam giới khoảng 8 lần. Ngoài ra, phụ nữ mãn kinh có mô khô hoặc teo có nguy cơ mắc nhiễm trùng tiết niệu cao hơn. Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm:

  • quan hệ tình dục thường xuyên, cường độ cao
  • quan hệ tình dục với một đối tác mới
  • nhiễm trùng tiết niệu trước đây
  • mang đa thai
  • béo phì
  • bệnh tiểu đường
  • hệ thống miễn dịch suy yếu
  • bất thường tiết niệu hoặc sinh dục

Một yếu tố khác là tiền sử gia đình, có mẹ hoặc chị gái thường xuyên bị nhiễm trùng tiết niệu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.

 

Mẹo phòng tránh nhiễm trùng đường tiết niệu

Ngoài bất kỳ kế hoạch điều trị nào mà bác sĩ kê đơn, hãy xem xét các mẹo sau để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát:

  • Uống nhiều nước, ít nhất sáu đến tám cốc nước mỗi ngày
  • Không nhịn tiểu
  • Đối với phụ nữ, sau khi đi tiểu nên lau từ trước ra sau để tránh đưa vi khuẩn vào niệu đạo
  • Giữ vùng kín sạch sẽ bằng cách rửa nhẹ nhàng bằng nước ấm hàng ngày, cũng như trước khi quan hệ tình dục
  • Sử dụng biện pháp tránh thai không bao gồm chất diệt tinh trùng
  • Tránh thụt rửa và sử dụng chất khử mùi âm đạo, băng vệ sinh hoặc miếng lót có mùi thơm
  • Tránh mặc quần jean và quần lót quá chật

Bác sĩ cũng đề nghị dùng probiotic đặt âm đạo. Những viên nang probiotic này có thể ngăn ngừa nhiễm trùng tiết niệu tái phát bằng cách giúp duy trì hệ vi khuẩn âm đạo khỏe mạnh hàng ngày.

Tóm lại, quan hệ tình dục có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu, nhưng có những bước đơn giản bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ mắc bệnh này. Đi tiểu ngay sau khi quan hệ và giữ vệ sinh vùng kín,...Nói chuyện với bác sĩ của bạn nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào về cách ngăn ngừa nhiễm trùng tiết niệu. Ngoài ra, hãy nhớ đến cơ sở y tế nếu bạn có cảm giác nóng rát khi đi tiểu, tiểu ra máu hoặc đau ở vùng bụng hoặc hai bên bụng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top