✴️ Sỏi hệ tiết niệu và những mối nguy hại không thể chủ quan

1. Tìm hiểu về bệnh lý sỏi hệ tiết niệu

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở nước ta có từ 2 – 12% dân số mắc sỏi tiết niệu và tỷ lệ này đang ngày một gia tăng đã cho thấy mức độ phổ biến và mối nguy hại không thể chủ quan từ loại bệnh lý này.

 

1.1. Sỏi hệ tiết niệu là gì?

Hệ tiết niệu ở người được cấu thành từ các bộ phận bao gồm: Thận trái, thận phải, bàng quang, 2 niệu quản và niệu đạo. Bất cứ một bộ phận nào nêu trên có sự xuất hiện của sỏi sẽ đều được gọi chung là sỏi tiết niệu.

 

1.2. Một số loại sỏi tiết niệu phổ biến

Hầu hết các loại sỏi chủ yếu đều được hình thành tại thận, rồi sỏi có thể di chuyển xuống tới bàng quang, niệu đạo,… theo đường nước tiểu. Trong đó, các loại sỏi được phát hiện nhiều nhất là:

– Sỏi Calcium: Sỏi này chiếm tỷ lệ cao nhất lên tới 85% các trường hợp sỏi tiết niệu. Sỏi được hình thành chủ yếu do nồng độ Calcium tăng (có chứa trong nước tiểu) và một số yếu tố khác.

– Sỏi Phosphat: Đây là loại sỏi phổ biến thứ 2 sau sỏi Calcium, sỏi Phosphat chiếm khoảng 5 – 15% trường hợp bệnh. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của loại sỏi này là rất lớn vì sỏi thường có hình san hô với kích thước lớn, cản quang. Sỏi có thể được tạo nên do vi khuẩn Proteus hoặc từ các biến chứng nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

– Sỏi Oxalat: Loại sỏi này thường xuất hiện ở người bệnh sống ở các nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Khi kết hợp với sỏi Calci sẽ tạo thành sỏi Oxalat Calci.

– Bên cạnh đó là các loại sỏi không mấy phổ biến như: Sỏi Acid Uric; Sỏi Cystin,…

Sỏi tiết niệu hình thành tại hệ tiết niệu gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người bệnh

 

2. Nguyên nhân gây sỏi tiết niệu?

Có nhiều nguyên nhân hình thành sỏi hệ tiết niệu. Nguyên nhân phổ biến nhất là từ sự tích tụ của các loại muối khoáng hòa tan (như canxi, oxalat, urat…) có trong nước tiểu.

Cụ thể là khi xuất hiện những rối loạn về sinh lý, bệnh lý kết hợp cùng những yếu tố thuận lợi như giảm lưu lượng nước tiểu, nhiễm trùng đường tiết niệu, biến đổi độ pH nước tiểu, dị dạng đường niệu hay từ yếu tố di truyền,… thì các muối khoáng khó hòa tan sẽ kết tinh, lâu ngày hình thành một nhân nhỏ và sau đó lớn dần tạo thành sỏi tiết niệu.

Đối tượng nào dễ mắc sỏi tiết niệu?

Từ nguyên nhân gây sỏi nêu trên, có thể thấy những đối tượng dễ mắc sỏi tiết niệu gồm:

– Những người có bất thường bẩm sinh hay dị dạng đường tiết niệu.

– Gia đình đã có người mắc sỏi tiết niệu.

– Người bệnh từng thực hiện can thiệp đường tiết niệu.

– Viêm đường tiết niệu nặng hoặc bị nhiều lần.

– Người uống không đủ nước, đặc biệt là người cao tuổi.

– Người nằm bất động lâu ngày, ít vận động.

– Người mắc các bệnh lý liên quan tới rối loạn chuyển hóa.

– Người lạm dụng sử dụng một số thuốc lâu ngày.

– Người lao động thường xuyên làm việc trong môi trường nóng bức.

– Người có thói quen nhịn tiểu.

 

3. Triệu chứng và biến chứng của sỏi hệ tiết niệu?

Việc phát hiện sỏi kịp thời sẽ là điều kiện có lợi cho quá trình điều trị sau này. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh sỏi rất khó nhận biết bệnh ở giai đoạn mới bắt đầu hình thành sỏi do các triệu chứng không rõ ràng mà phải đến khi thăm khám thì mới phát hiện ra.

 

3.1. Triệu chứng cơ bản của sỏi hệ tiết niệu

Thông thường người bệnh sỏi sẽ có những triệu chứng cơ bản như sau:

– Để ý tới những bất thường khi đi tiểu: Nước tiểu biến màu, cảm giác đau buốt khi đi tiểu, đi tiểu khó khăn, nặng hơn có thể đái ra máu, tiểu rắt ngắt quãng,…

– Xuất hiện các cơn đau theo nhiều mức độ tại vùng lưng và vùng hông. Ban đầu có thể là đau nhẹ, sau đó lan dần ra các bộ phận khác như bẹn, bộ phận sinh dục và cơn đau trở nên âm ỉ khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt hằng ngày.

– Trong trường hợp bệnh nhân nhiễm khuẩn, cơ thể sẽ phát sốt kèm cảm giác chóng mặt, buồn nôn.

Sỏi tiết niệu gây ra những cơn đau vùng thắt lưng và những bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày

 

3.2. Những biến chứng đáng lo ngại

Sỏi hệ tiết niệu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Cụ thể như sau:

– Ứ nước tại thận dẫn tới giãn đài bể thận: Sỏi kích thước lớn sẽ khiến ống dẫn tiểu xảy ra tình trạng tắc nghẽn. Khi đó nước tiểu không thể xuống được tới bàng quang để được đào thải ra bên ngoài gây ứ nước tại thận, tình trạng này kéo dài sẽ gây giãn đài bể thận và ảnh hưởng lớn tới chức năng của thận.

– Gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Khi sỏi di chuyển sẽ cọ xát vào thành niêm mạc làm tổn thương niêm mạc, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn hình thành và phát triển rất dễ gây viêm. Tình trạng viêm lây lan rất nhanh và dẫn tới nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

– Suy thận: Các biến chứng kể trên đều ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng thận. Tuỳ theo mức độ nghiêm trọng mà có thể dẫn tới suy thận cấp hoặc suy thận mạn tính và cả 2 trường hợp trên đều rất nguy hiểm.

 

4. Chẩn đoán và điều trị sỏi tiết niệu

Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng, dấu hiệu, vị trí cơn đau để đưa ra những kết luận ban đầu. Để biết chắc chắn kết quả chính xác nhất, người bệnh cần làm một số xét nghiệm chẩn đoán cận lâm sàng như sau:

– Siêu âm ổ bụng.

– Xét nghiệm nước tiểu.

– Chụp CT

– Chụp X-quang.

Về phương pháp điều trị sỏi hệ tiết niệu, hiện nay với sự phát triển của y học tiên tiến, nhiều phương pháp mới ra đời giúp điều trị dứt điểm sỏi. Tùy thuộc vào kích thước, tính chất cũng như mức độ nguy hiểm của sỏi mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương án điều trị phù hợp.

 

5. Một số phương pháp điều trị sỏi phổ biến hiện nay

Điều trị sỏi tiết niệu phổ biến hiện nay bao gồm các phương pháp điều trị nội khoa và ngoại khoa:

– Phương pháp điều trị nội khoa (điều trị bằng thuốc) tại nhà chỉ áp dụng với sỏi mới hình thành có kích thước < 5mm, chưa có triệu chứng cụ thể và chưa để lại biến chứng.

– Phương pháp mổ mở, mổ nội soi lấy sỏi: phương pháp này thường gây đau đớn, để lại sẹo, cần nhiều thời gian để phục hồi. Do đó mổ mở hoặc mổ nội soi lấy sỏi thường được áp dụng với các trường hợp sỏi có kích thước rất lớn, đã điều trị bằng các phương pháp khác nhưng không hiệu quả.

– Phương pháp tán sỏi: Đây là phương pháp điều trị sỏi áp dụng công nghệ cao cũng là lựa chọn hoàn hảo thay thế cho mổ mở hiện nay. Phương pháp này thường được chỉ định với nhiều loại sỏi mang đến hiệu quả điều trị tốt, tỷ lệ sạch sỏi cao, an toàn cùng nhiều ưu điểm nổi bật như ít xâm lấn, ít đau, hầu như không để lại sẹo và thời gian hồi phục nhanh chóng. Có thể kể tới các phương pháp như: Tán sỏi ngoài cơ thể; Nội soi tán sỏi qua da đường hầm nhỏ bằng laser; Nội soi tán sỏi ngược dòng; Nội soi tán sỏi ống mềm laser.

Như vậy, các bệnh lý về sỏi hệ tiết niệu ẩn chứa nhiều nguy cơ gây hại cho sức khoẻ mà người bệnh không thể chủ quan. Bên cạnh chế độ sinh hoạt điều độ, uống đủ nước mỗi ngày và vận động thường xuyên, người bệnh nên thực hiện thăm khám chuyên khoa tiết niệu định kỳ để phòng chống sỏi hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top