✴️ Sỏi niệu quản là gì? sỏi túi mật hay sỏi bàng quang

Nội dung

Mọi người thường nghe nhiều về sỏi thận, sỏi túi mật hay sỏi bàng quang… nhưng sỏi niệu quản là gì lại là thông tin ít được đề cập hơn. Cùng tìm hiểu về sỏi niệu quản qua bài viết sau.

 

1.Sỏi niệu quản là gì?

Niệu quản là ống tự nhiên dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Sỏi niệu quản  hình thành trong lòng niệu quản, làm tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu từ trên thận xuống dưới bàng quang. Sỏi có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của niệu quản nhưng thường gặp nhất là 3 vị trí hẹp sinh lý của niệu quản: đoạn nối thận vào niệu quản, đoạn nối niệu quản vào bàng quang và đoạn niệu quản nằm phía trước động mạch chậu.

Hầu hết các bệnh nhân mắc sỏi niệu quản có độ tuổi từ 30 – 60, với tỷ lệ mắc cao nhất là từ 35 – 45 tuổi.

 

2. Triệu chứng sỏi niệu quản

Bệnh nhân sỏi niệu quản có thể gặp phải cơn đau quặn thận, tiểu ra máu, buồn nôn và ói mửa.

Mức độ và vị trí của cơn đau phụ thuộc vào vị trí của sỏi trong niệu quản. Người bệnh bị đau từ hố thắt lưng và lan xuống dưới, dọc theo đường đi của niệu quản đến hố chậu, bộ phận sinh dục và mặt trong của đùi. Nếu viên sỏi đã nằm ở đoạn cuối của niệu quản có thể gây ra phù nề và viêm nhiễm ở lỗ niệu, làm bệnh nhân có dấu hiệu đái rắt.

 

3. Nguyên nhân sỏi ở niệu quản

Khoảng hơn 80% sỏi ở niệu quản là sỏi canxi. Ngoài ra còn có các loại khác như  sỏi struvite, sỏi acid uric và sỏi cystin. Có 2 cơ chế dẫn tới sự phát triển của sỏi niệu quản. Đầu tiên sỏi được hình thành từ các chất như canxi hoặc  axit uric có trong nước tiểu.

Cơ chế khác phụ thuộc vào sự lắng đọng của các tinh thể trên kẽ tủy thận hình thành mảng bám và cuối cùng dẫn tới sự xuất hiện của các viên sỏi.

Ngoài những người đã từng bị sỏi niệu quản và tiền sử gia đình mắc sỏi niệu quản thì các yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm uống ít nước, viêm đường tiết niệu tái phát thường xuyên và sử dụng thuốc có thể dẫn tới sự hình thành tinh thể trong nước tiểu.

 

4. Điều trị sỏi niệu quản

Việc điều trị sỏi niệu quản tùy thuộc vào vị trí và kích thước của sỏi

 

Hầu hết các bệnh nhân có các cơn đau quặn thận cấp do sỏi niệu quản có thể được điều trị bằng dịch truyền và thuốc giảm đau cho đến khi sỏi di chuyển qua.

Kích thước sỏi và vị trí là những yếu tố quan trọng trong việc xác định khả năng sỏi có thể di chuyển được. Sỏi có kích thước nhỏ hơn 5 mmm có khả năng cao đi qua niệu quản. Tuy nhiên sỏi nhỏ cũng không thể vượt qua nếu sỏi nằm ở vị trí niệu quản tiếp xúc với thận hoặc bệnh nhân bị hẹp niệu quản.

Nếu sỏi có kích thước lớn hơn 10mm hoặc việc điều trị bảo tồn thất bại, người bệnh có thể áp dụng phương pháp tán sỏi bằng sóng xung kích, tán sỏi niệu quản ngược dòng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top