Sỏi thận là gì, vì sao phải chữa sỏi thận?
Cần chữa sỏi thận sớm tránh để xảy ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Sỏi thận hay còn được biết đến với tên gọi khác là các sạn thận, được hình thành do quá trình lắng đọng của các chất khoáng tại thận. Các sạn thận này cũng có thể rơi xuống niệu quản hay bàng quang.
Thông thường, khi mới hình thành, sỏi thận rất bé và cơ thể có thể tự đào thải các sạn này qua đường bài tiết. Tuy nhiên, ở những trường hợp sỏi phát triển to, gây đau thường là do bỏ qua dấu hiệu cảnh báo của sỏi trước đó, không có thói quen khám sức khỏe định kỳ thường xuyên cộng thêm chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học, tạo môi trường cho sỏi gia tăng kích cỡ và trở nên rắn, gây đau, ảnh hưởng đến hệ tiết niệu, tổn thương cơ thể. Nếu không điều trị kịp thời sỏi thận có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như tắc nghẽn đường tiểu, viêm đường tiết niệu, suy thận hay vỡ thận…
Dấu hiệu cảnh báo sỏi thận
Sỏi thận có những dấu hiệu rất đặc trưng mà người bệnh cần chú ý dưới đây:
- Đau lưng, đau vùng mạn sườn dưới: Người bệnh sẽ thấy đau lưng và đau vùng mạn sườn dưới sau đó lan ra phía bụng dưới và bắp đùi, nguyên nhân là do quá trình sỏi thận di chuyển từ thận xuống niệu quản, tạo ra sự cọ xát hoặc tắc ứ nước tiểu gây đau.
- Đau khi đi tiểu: Người bệnh sẽ thấy đau khi đi tiểu do sỏi sẽ theo nước tiểu di chuyển từ niệu quản đến bàng quang, trong quá trình này sỏi cọ sát vào thành niệu đạo khiến người bệnh đau buốt
- Tiểu rắt, tiểu són: Sỏi thận luôn gây ra cảm giác tiểu rắt hay tiểu són ở phía người bệnh do những viên sỏi cản trở đường đi của nước tiểu
- Tiểu ra máu: Đây là một trong những dấu hiệu điển hình và rất nguy hiểm ở sỏi thận, do lúc này kích thước sỏi có thể đã phát triển, trong lúc di chuyển va vào thành niệu đạo, thận hay bàng quang khiến những vùng này bị tổn thương và chảy máu, máu sẽ theo nước tiểu đi ra ngoài và bệnh nhân sẽ nhìn thấy nước tiểu có màu hồng.
- Cảm giác buồn nôn và nôn: Ở những người sỏi thận có kích thước lớn sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, làm người bệnh có cảm giác buồn nôn và có thể sẽ nôn.
- Sốt và ớn lạnh: Sốt và ớn lạnh là khi sỏi thận đã gây nhiễm trùng đường tiết niệu
- Sưng vùng thận: Đây là dấu hiệu đặc biệt nguy hiểm, khi vùng bụng chứa thận, vùng háng bị sưng lên là khi sỏi thận lúc này đã phát triển rất lớn, nghiêm trọng.
Các phương pháp chữa sỏi thận cần biết
Chữa sỏi thận ra sao còn tùy thuộc vào tình trạng và kích thước sỏi. Sau khi được thăm khám và chụp chiếu, thực hiện các xét nghiệm liên quan thì người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn các cách điều trị cụ thể.
Chữa sỏi thận nhỏ, ít triệu chứng
- Uống nước kết hợp điều trị nội khoa: Sỏi nhỏ dưới 5mm và đường đi trong hệ tiết niệu thông thoáng thì có thể kết hợp việc uống nước và dùng thuốc để sỏi ra ngoài theo đường tự nhiên.
- Bệnh nhân cần cung cấp cho cơ thể từ 2 – 3 lít nước mỗi ngày để có thể pha loãng được nước tiểu và hạn chế sự lắng cặn. Ngoài ra, nước cũng kết hợp đẩy sỏi từ thận xuống bàng quang và ra ngoài theo niệu đạo.
- Bác sĩ sẽ có chỉ định một số loại thuốc cho bạn như thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ trong niệu quản để sỏi ra ngoài nhanh và ít đau hơn. Bạn lưu ý rằng không được tự ý dùng thuốc mà cần có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Chữa sỏi thận lớn, đã có nhiều triệu chứng
Sỏi thận gây nên những triệu chứng như đau lưng, đau mạn sườn, tiểu buốt, tiểu ra máu tức là sỏi đã lớn và bắt đầu kích ứng hoặc rơi xuống niệu quản, bàng quang và cọ xát vào các bộ phận trong hệ tiết niệu mà không thể tự ra ngoài được. Khi đó, bác sĩ sẽ có những chỉ định ngoại khoa để lấy sỏi ra ngoài và chữa sỏi thận triệt để.
Trước đây phương pháp mổ mở được sử dụng đối với những viên sỏi lớn, sỏi san hô cứng, rắn tuy nhiên hiện nay chúng ta đã có thể loại bỏ sỏi bằng những phương pháp công nghệ cao không mổ mở, ít xâm lấn với thời gian hồi phục nhanh hơn. Tùy vào kích thước sỏi thận, có thể áp dụng những phương pháp tán sỏi công nghệ cao như sau:
- Tán sỏi ngoài cơ thể: Đây là phương pháp tán sỏi không gây đau, chỉ mất từ 30 – 45 phút nằm thư giãn trên máy tán sỏi, tán xong được về nhà ngày, áp dụng cho sỏi niệu quản ⅓ trên, bé hơn 1.5 cm và sỏi thận bé hơn 2 cm.
- Tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ: Đây là giải pháp hiệu quả thay thế mổ mở truyền thống với nhiều ưu điểm như chỉ có vết trích nhỏ tầm 5mm trên da lưng để luồn ống nội soi vào tán sạch sỏi. Phương pháp này áp dụng cho sỏi niệu quản ⅓ trên lớn hơn 1.5 cm và sỏi thận lớn hơn 2 cm.
- Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser: Phương pháp này sẽ tán sỏi theo đường tự nhiên, ống laser sẽ đi qua niệu đạo, vào bàng quang và tán vỡ sỏi, sau đó bác sĩ sẽ tiến hành bơm hút sạch sỏi ra ngoài. Do đó, người bệnh không phải chịu đau đớn, không có vết mổ và có thể xuất viện sau 1 ngày. Tán sỏi ngược dòng áp dụng cho sỏi niệu quản ⅓ trên giữa và ⅓ dưới, sỏi bàng quang mọi kích thước.
Cần phòng ngừa sỏi thận tái phát
Khi phát hiện bệnh, bạn cần chữa sỏi thận càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên cần lưu ý là sau khi chữa sạch sỏi cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để phòng tránh việc tái phát sỏi.
Phòng tái phát bằng chế độ ăn uống:
- Uống nước sạch thật nhiều: Đây là điều bắt buộc nếu bạn không muốn bị tái phát sỏi hay mắc sỏi. Lưu ý sử dụng nước sạch, chia nhỏ lượng nước theo thời gian trong ngày, có thể bổ sung trái cây, nước ép để đạt lượng nước tiểu trên 2.5 lít mỗi ngày.
- Tránh ăn nhiều đồ chứa oxalat
- Ăn nhạt hơn, sử dụng ít thịt động vật
- Tránh các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ động vật
- Sử dụng nước chanh tươi, nước cam tự nhiên: Vì hai loại nước này chứa nhiều citrat, có thể chống lại sự hình thành sỏi.
- Bổ sung rau xanh nhiều chất xơ
- Tránh sử dụng những thực phẩm chứa purin như nội tạng động vật, thịt khô, cá khô…
Ăn nhiều rau xanh ngừa sỏi thận tái phát
Phòng tái phát bằng chế độ sinh hoạt hợp lý:
- Đừng bao giờ ngồi một chỗ cả ngày mà nên tăng cường hoặt động thể dục, thể thao. Tập thể dục vào buổi sáng sẽ giúp loại bỏ những chất như natri ra khỏi cơ thể, chuyển hóa canxi làm chắc xương và giảm nguy cơ tạo thành sỏi. Không thức quá khuya hay nghỉ ngơi bất hợp lý để quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra hài hòa. Giữ cân nặng ở mức vừa phải cũng góp phần giảm nguy cơ tái phát sỏi thận.
Sỏi thận tưởng như lành tính nhưng nó lại là căn nguyên của nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận thậm chí có thể gây hỏng thận. Bệnh nhân mắc sỏi cần chữa sỏi thận càng sớm càng tốt, đồng thời tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ cả trong và sau quá trình điều trị.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp