✴️ Tán sỏi qua da – bước tiến mới trong điều trị sỏi tiết niệu

1. Tán sỏi qua da là gì?

Tán sỏi qua da hay tán sỏi nội soi qua da bằng đường hầm nhỏ là phương pháp nội soi đặc biệt giúp điều trị sỏi thận, sỏi niệu quản hiệu quả cao. Bản chất của phương pháp này là dùng laser năng lượng cao phá vỡ sỏi. Sau đó lấy sỏi ra ngoài cơ thể thông qua một đường hầm nhỏ kích thước khoảng 5mm từ vùng thắt lưng hông đến vị trí có sỏi.

Tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ là một trong những phương pháp ưu việt nhất, đặc trị nhiều loại sỏi có kích thước lớn, nhỏ, giúp sạch sỏi “tận gốc”

 

 

2. Chỉ định và chống chỉ định khi tán sỏi nội soi qua da

2.1. Chỉ định tán sỏi qua da:

Phương pháp tán sỏi nội soi qua da bằng đường hầm nhỏ được áp dụng trong các trường hợp:

Sỏi thận có kích thước lớn từ 15mm, bao gồm cả sỏi san hô phức tạp.

Sỏi niệu quản 1/3 trên sát bể thận và có kích thước trên 15mm.

Phương pháp này giúp loại bỏ các loại sỏi có kích thước lớn hay sỏi “cứng đầu” mà các phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể hay tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser không thể làm được.

2.1. Chống chỉ định tán sỏi qua da:

Các trường hợp không áp dụng được phương pháp này là:

Người bệnh có rối loạn đông máu, bệnh mạch vành, suy tim nặng hay chức năng phổi không tốt; người bị tiểu đường hoặc huyết áp cao.

Người chống chỉ định với gây mê nội khí quản.

Người bệnh có bất thường về mạch máu trong thận.

Người bệnh có nguy cơ chảy máu nặng.

Người bệnh đang sử dụng thuốc Aspirin hoặc thuốc chống đông đường uống.

Người bệnh bị suy thận hoặc có khối u ở thận.

Người đang bị nhiễm khuẩn tại chỗ thành bùng hoặc viêm đường tiết niệu chưa được điều trị dứt điểm.

Phụ nữ có thai.

 

3. Quy trình tán sỏi nội soi qua da bằng đường hầm nhỏ

Thông thường, một quy trình tán sỏi nội soi qua da diễn ra theo trình tự các bước sau:

Người bệnh được thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng để xác định chính xác tình trạng bệnh cũng như vị trí và kích thước của sỏi tiết niệu. Sau đó bác sĩ sẽ tư vấn lựa chọn phương án điều trị thích hợp.

Sau khi xác định phương án điều trị tán sỏi qua da, người bệnh sẽ được lựa chọn thời gian phù hợp và tiến hành tán sỏi tại phòng vô khuẩn riêng biệt.

Người bệnh được gây mê toàn thân nội khí quản. Sau đó bác sĩ phẫu thuật sẽ dùng một kim đưa qua da từ vùng lưng vào vị trí có sỏi.

Đường hầm của kim chọc dò sẽ được nong rộng bằng dụng cụ nong chuyên biệt để đạt được kích thước như mong muốn để đưa máy nội soi vào tán sỏi.

Sỏi được tán thành những mảnh vụn và đồng thời được hút ra ngoài qua đường hầm nhỏ. Sau đó cũng qua đường hầm này, bác sĩ tiến hành đặt ống dẫn lưu thận để giúp việc kiểm tra sau mổ. Ống dẫn lưu này sẽ được rút ra sau 24-48 giờ.

Người bệnh được nghỉ ngơi thời gian ngắn từ 3-5 ngày tại bệnh viện. Trước khi xuất viện sẽ được hưởng dẫn chi tiết về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và hẹn lịch tái khám.

 

4. Ưu – nhược điểm của phương pháp

4.1. Ưu điểm:

Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, nhẹ nhàng và ít gây đau đớn: Với phương pháp mổ mở truyền thống, bác sĩ phải rạch một đường dài ở thành bụng mới có thể tiếp cận được vị trí có sỏi để xử lý. Trong tán sỏi nội soi qua da, bác sĩ chỉ cần một vết rạch rất nhỏ khoảng 5mm ở vùng lưng. Nhờ đó, người bệnh không phải chịu nhiều đau đớn, ca phẫu thuật cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.

Làm sạch sỏi hoàn toàn, không lo sót sỏi: Tán sỏi qua da cho phép kiểm tra được toàn bộ các đài bể thận và niệu quản. Nhờ đó bác sĩ sẽ quan sát được tất cả các vị trí sỏi “cư trú” và làm sạch sỏi.

Bảo toàn tối đa chức năng thận và các cơ quan khác: Tán sỏi qua da ít gây tổn hại đến thận. Ảnh hưởng của phương pháp này tới chức năng của thận là dưới 1%. Trong khi đó đối với phương pháp mổ mở lấy sỏi có thể làm làm mất vĩnh viễn từ 25-30% chức năng của thận.

Hạn chế được các biến chứng trong và sau mổ: Vì là phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, tán sỏi qua da giúp hạn chế tối đa các biến chứng so với mổ mở thông thường như nhiễm trùng, chảy máu trong và sau mổ.

Tiết kiệm thời gian và tiền bạc: Do người bệnh ít đau nên phục hồi sức khỏe nhanh, thời gian nằm viện ngắn. Người bệnh có thể sớm trở lại với công việc và học tập bình thường.

Tránh được tình trạng sẹo mổ xấu, đảm bảo về mặt thẩm mỹ sau mổ.

4.2. Nhược điểm:

Quá trình tán sỏi nội soi có thể kéo dài (khoảng 2 giờ) khiến đường hầm cho ống nội soi vào cơ thể bị nhiễm trùng sau mổ hoặc gây chảy máu, mất máu nhiều.

 

5. Chăm sóc người bệnh sau khi tán sỏi nội soi qua da

5.1. Mục đích:

Sau khi tán sỏi, người bệnh cần được chăm sóc đặc biệt nhằm mục đích:

Tăng cường khả năng tống xuất các mảnh sỏi ra ngoài.

Chống nguy cơ hình thành lại sỏi hoặc tình trạng liên kết các mảnh sỏi lại.

Giảm thiểu tối đa được các triệu chứng khó chịu sau khi phẫu thuật

Phòng chống viêm nhiễm đường tiết niệu sau khi tán sỏi.

Ngăn chặn các nguyên nhân hình thành sỏi.

 

5.2. Chế độ dinh dưỡng sau tán sỏi:

Uống nhiều nước mỗi ngày và tuyệt đối không được nhịn tiểu.

Ăn các loại thực phẩm giúp lợi niệu và dễ tiêu hóa để giúp bài xuất các mảnh sỏi vụn, dịch máu, cặn máu và các thành phần hữu hình trên thận hoặc niệu quản xuống bàng quang và đào thải ra ngoài. Đồng thời, chế độ ăn dễ tiêu hóa giúp người bệnh nhanh hấp thu để nhanh phục hồi sức khỏe và nhanh liền các tổn thương ở niêm mạc – thành niệu quản. Bên cạnh đó, chế độ ăn chống táo bón cũng sẽ giúp người bệnh giảm được áp lực ở ổ bụng khi đi ngoài, từ đó tránh được các tác động vào niệu quản, bàng quang và vị trí tán sỏi.

Xây dựng chế độ ăn hạn chế chất tạo sỏi.

Bổ sung các loại thực phẩm, đồ uống có chất kháng khuẩn trong khẩu phần ăn hàng ngày để chống lại nhiễm khuẩn ngược dòng.

Không vận động quá mạnh, mang vác các vật nặng hoặc làm việc quá sức.

Trên đây là những thông tin về phương pháp nội soi tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ. Hy vọng bài viết sẽ đưa đến cho người bệnh nhiều thông tin hữu ích trước khi quyết định lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top