Thế nào là bàng quang tăng hoạt động ở trẻ em?

Tình trạng này ở trẻ em gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển thể chất, tâm lý và hoạt động xã hội. Các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt động (OAB) tương tự ở cả người lớn và trẻ em, tuy nhiên hậu quả của tình trạng này đối với trẻ em thường nặng nề hơn.

Bàng quang tăng hoạt động ở trẻ em

Tiểu thường xuyên và tiểu són dường như là vấn đề bình thường mà trẻ em hay gặp, tuy nhiên ở một độ tuổi nhất định nào đó tình trạng này sẽ không còn được coi là bình thường nữa. Khoảng 10% trẻ em tại Mỹ xuất hiện các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt động. Chủ yếu là tình trạng đi tiểu thường xuyên, hoặc gần như liên tục, tiểu gấp. Các triệu chứng này là đủ để chẩn đoán OAB, tuy nhiên trẻ cũng có thể bị tiểu són, rò nước tiểu hoặc tiểu ban đêm.

 

Các triệu chứng của OAB

Triệu chứng phổ biến và dễ nhận thấy nhất của OAB là trẻ thường xuyên phải đi toilet nhiều hơn bình thường. Bàng quang của trẻ mắc OAB cũng thường xuyên bị kích thích ngay cả khi chưa đầy nước tiểu. Việc này làm cho trẻ luôn có cảm giác muốn đi tiểu.

Ít phổ biến hơn, con bạn có thể gặp phải tình trạng rò rỉ nước tiểu, nhất là khi hoạt động mạnh hay khi hắt hơi. Trẻ cũng có thể tè dầm vào ban đêm hoặc ngay cả ban ngày.

 

Nguyên nhân gây OAB ở trẻ em

Có một số nguyên nhân có thể gây OAB. Ở trẻ em đó có thể là dấu hiệu của sự trì hoãn trong giai đoạn trưởng thành để cuối cùng có sự phát triển tăng vọt. Do quá trình co thắt bàng quang được điều khiển bởi các dây thần kinh nên OAB có thể là do các rối loạn của hệ thần kinh.

 

Chẩn đoán OAB

Nếu con bạn có những dấu hiệu của OAB, bạn nên đưa trẻ đi khám ngay. Bác sỹ cũng có thể kiểm tra xem trẻ có bị táo bón hay không và xét nghiệm mẫu nước tiểu để phát hiện nhiễm khuẩn hay những bất thường nào khác.

Trẻ có thể phải xét nghiệm đo thể tích nước tiểu và lượng còn sót lại ở bàng quang sau khi bài xuất hoặc đo tốc độ dòng chảy. Ngoài ra, trẻ có thể được siêu âm bàng quang.

 

Điều trị OAB bằng cách thay đổi lối sống

Trừ khi bệnh quá nghiêm trọng, bác sỹ thường đề xuất liệu pháp điều trị không có can thiệp y khoa trong giai đoạn ban đầu. Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ rèn luyện khả năng kiểm soát bàng quang, nghĩa là đi tiểu theo một lịch có sẵn và cố gắng chống chọi lại với cơn buồn tiểu.

Trẻ cũng nên hạn chế một số đồ ăn uống có thể làm OAB trở nên nghiêm trọng hơn. Sử dụng đồng hồ báo thức vào ban đêm để giúp trẻ thức giấc và đi tiểu ngay khi muốn để phòng tình trạng tè dầm.

 

Điều trị OAB bằng thuốc

Nếu các phương pháp không dùng thuốc không mang lại hiệu quả, bác sỹ sẽ kê một số thuốc cho trẻ: Các thuốc nhuận tràng để điều trị táo bón nếu có; thuốc kháng sinh nếu trẻ có nhiễm khuẩn tiết niệu.

Nếu táo bón hoặc nhiễm khuẩn không phải là nguyên nhân gây nên OAB, bác sỹ có thể kê oxybutynin là một thuốc giãn bàng quang và giảm co thắt bàng quang để giảm cảm giác buồn tiểu.

 

Kích thích thần kinh

Khi tất cả các phương pháp đều không có hiệu quả để giảm các triệu chứng của OAB, liệu pháp kích thích thần kinh có thể được thực hiện. Do các dây thần kinh chịu trách nhiệm kiểm soát hiện tượng co bóp của bàng quang nên việc kích thích thần kinh theo cơ chế sinh lý thông thường có thể giúp giảm cảm giác buồn tiểu.

Một thiết bị nhỏ sẽ được cấy dưới vùng da gần xương cụt của trẻ. Sử dụng năng lượng từ pin, thiết bị này sẽ phát ra những xung điện giúp kiểm soát quá trình co bóp của bàng quang. Phương pháp này được sử dụng phổ biến hơn ở người trưởng thành, đối với trẻ em chỉ nên sử dụng như một biện pháp cuối cùng. Tuy nhiên, đây là liệu pháp đã được chứng minh về tính hiệu quả và an toàn khi sử dụng ở trẻ em.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top