Thừa cân béo phì gây nhiều bệnh

Thừa cân béo phì đang thực sự trở thành nỗi quan ngại của y học, bởi tuổi của người mắc thừa cân béo phì ngày càng trẻ hóa và béo phì mức độ nặng ngày càng gia tăng. Đồng thời, béo phì còn kéo theo những hệ lụy về sức khỏe và gánh nặng bệnh tật mà nó gây ra.

 

Béo phì vì sao, ai dễ bị?

Thừa cân béo phì có thể xảy ra với bất kỳ ai. Dấu hiệu dễ nhận thấy của béo phì là gia tăng trọng lượng và tích tụ mỡ khắp cơ thể, đặc biệt tại vùng eo, bụng, đùi...

Nguyên nhân chính của thừa cân béo phì là do sự mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao. Các chất dinh dưỡng được cung cấp quá nhiều mà sự tiêu hao lại quá ít dẫn đến tình trạng tích lũy mỡ.

Người có nguy cơ cao bị thừa cân béo phì bao gồm: người có thói quen dùng thức ăn nhanh, thức ăn giàu năng lượng, ăn nhiều chất béo, ăn ít rau, uống nhiều nước ngọt, bia rượu, người sống tĩnh tại, tuổi trung niên, phụ nữ sau sinh, trong gia đình có nhiều người bị béo phì, dân cư đô thị.

Môi trường làm việc văn phòng tĩnh tại, ít vận động hoặc lười tập luyện cũng là nguyên nhân của béo phì. Những người hoạt động thể lực thường ăn thức ăn giàu năng lượng, khi họ thay đổi lối sống, hoạt động giảm đi nhưng vẫn giữ thói quen ăn nhiều cho nên bị béo phì...

 

 

Béo phì là nguyên nhân của nhiều bệnh

Béo phì làm cơ thể mất cân đối, nặng nề, chậm chạp... Hậu quả của béo phì là sức khỏe kém, năng suất lao động giảm và chất lượng cuộc sống không thoải mái. Cùng với việc làm mất đi vẻ thẩm mỹ, người bị tăng cân và đang gặp tình trạng thừa cân béo phì sẽ có tỷ lệ bệnh tật cao hơn ở người bình thường, đặc biệt là các bệnh mạn tính không lây nguy hiểm.

Tác động tâm lý từ ngoại hình quá khổ: Thừa cân béo phì khiến cơ thể trở nên quá khổ, vì vậy chủ nhân luôn có cảm giác tự ti, cho rằng mình không hấp dẫn khi mất đi sự thon thả và những đường cong. Người thừa cân béo phì thường mất tự tin trong giao tiếp, ngại xuất hiện trước đám đông, căng thẳng, kém  linh hoạt trong cuộc sống hàng ngày... làm giảm sút hiệu quả công việc...

Bệnh xương khớp: Người thừa cân béo phì dễ bị thoái hóa khớp, loãng xương, đau nhức triền miên do trọng lượng cơ thể gây áp lực lên xương khớp. Khớp gối, cột sống tổn thương sớm nhất. Người thừa cân béo phì dễ mắc bệnh gout.

Bệnh lý tim mạch: Người béo phì thường đi kèm với bệnh rối loạn lipid máu hay thường gọi là bệnh mỡ trong máu hoặc cholesterol cao. Khi cholesterol cao gây xơ hóa lòng mạch máu, tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Mặt khác, ở người béo phì tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể và lâu dài gây quá tải cho tim do đó ở người béo phì dễ mắc các bệnh về tim mạch. Hiện tại, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch đang đứng đầu trong các nguyên nhân, trong đó rất nhiều ca là biến chứng của bệnh béo phì.

 

 

Bệnh tiểu đường: Bệnh béo phì có liên quan mật thiết với bệnh tiểu đường týp 2 do gây đề kháng insulin ( hormon điều hòa đường huyết và đưa nhanh glucose vào tế bào để sử dụng) nên là nguyên nhân trực tiếp gây ra đái tháo đường týp 2 ở người béo phì.

Người thừa cân béo phì dễ mắc các bệnh lý đường tiêu hóa: Do béo phì làm cho lượng mỡ dư bám vào các quai ruột gây táo bón, dễ sinh ra bệnh trĩ. Sự ứ đọng phân và các chất thải độc hại sinh ra trong quá trình chuyển hóa dễ sinh bệnh ung thư đại tràng. Lượng mỡ dư tích tụ ở gan gây bệnh gan nhiễm mỡ nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến bệnh xơ gan... Rối loạn chuyển hóa mỡ sinh ra sỏi mật.

Béo phì gây suy giảm trí nhớ: Trẻ thừa cân béo phì thường có chỉ số thông minh thấp hơn trẻ có cân nặng bình thường. Người lớn bị béo phì có nguy cơ bị Alzheimer cao hơn so với người bình thường.

Bệnh lý đường hô hấp: Hoạt động của cơ hoành, khí phế quản của người béo phì thường hạn chế do “mỡ bám”, người béo phì thường bị rối loạn nhịp thở, ngáy, ngừng thở khi ngủ, béo phì càng nặng rối loạn nhịp thở càng nhiều.

Rối loạn nội tiết do thừa cân béo phì: Phụ nữ béo phì thường bị rối loạn kinh nguyệt, buồng trứng đa nang, khó có thai, nguy cơ vô sinh cao. Nếu có thai nguy cơ đẻ khó, con dễ bị rối loạn chuyển hóa. Nam giới béo phì thường yếu sinh lý, nguy cơ vô sinh.

Béo phì và nguy cơ ung thư: Một số nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa béo phì và ung thư như: thực quản, ung thư trực tràng, ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư gan mật và ung thư tuyến tiền liệt.

 

 

Giảm cân thế nào cho đúng?

Để giảm tác hại của thừa cân béo phì lên gánh nặng bệnh tật, mục tiêu giảm cân là cần thiết, tuy nhiên với mỗi người cụ thể cần lựa chọn cho mình biện pháp phù hợp.

Thông thường sau khi phát hiện các bệnh do béo phì gây ra, họ mới tiến hành luyện tập với tâm lý rất nóng vội muốn giảm cân, dễ dẫn đến tập quá sức.

Nhiều người cao tuổi vừa béo phì vừa bị đái tháo đường vừa tăng huyết áp tập luyện vài giờ trong ngày, trong khi chỉ định của bác sĩ chỉ là đi bộ bước nhỏ 30 phút mỗi ngày. Hậu quả có thể là hạ đường huyết, tụt huyết áp đột ngột và có thể ngất xỉu, thậm chí đột quỵ.

Tâm lý sợ bệnh tật còn khiến người béo phì có thể bị stress, dẫn đến hiệu quả tập luyện không như mong muốn và có thể mắc thêm chứng trầm cảm. Giảm cân từ việc thay đổi lối sống, tập luyện (chọn môn thể thao phù hợp: đi bộ, chơi cầu lông, đạp xe...) phải diễn ra từ từ và cần sự kiên nhẫn của người bệnh.

Thay đổi chế độ ăn cũng là cách tốt để giảm cân. Thực đơn giảm cân cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ, trên cơ sở tăng cường chất xơ, uống nhiều nước...

Ăn ngủ điều độ giúp tăng cường hoạt động hệ tiêu hóa, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, đồng thời hạn chế được việc cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu của cơ thể. Đặc biệt, người bệnh không tự ý dùng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc sẽ tác động xấu lên các hệ cơ quan khác của cơ thể, rất nguy hiểm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top