Tìm hiểu về protein niệu

Protein là một trong những hợp chất quan trọng nhất trong cơ thể bạn, giúp xây dựng và sửa chữa các tế bào, tham gia rất nhiều chức năng khác, giúp cơ thể bạn hoạt động bình thường. Khi xét nghiệm, protein có thể xuất hiện trong nước tiểu của bạn với một lượng nhỏ, hoặc cao hơn khi có vấn đề sức khỏe.

Nồng độ protein nên có trong nước tiểu của bạn là bao nhiêu?

Protein có thể xuất hiện trong nước tiểu với lượng nhỏ vì một số nguyên nhân sau:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Sốt
  • Tập thể dục, vận động nặng
  • Trong thai kỳ
  • Một số bệnh nhiễm trùng
  • Mất nước
  • Stress

Xét nghiệm tỷ lệ albumin/creatinine nước tiểu (ACR) thường được sử dụng để xác định số lượng protein chính xác trong nước tiểu.

Protein (albumin/creatinine)

Đánh giá

Dưới 30 mg/g

Bình thường

30–300 mg/g

Protein niệu tăng mức vừa phải, nguy cơ bệnh thận mạn

Trên 300 mg/g

Protein niệu tăng cao

Chỉ số albumin/creatinine nước tiểu dưới 30 (mg/g) được coi là lượng bình thường và thường không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. Nếu protein niệu tăng cao sau xét nghiệm thì các bác sĩ sẽ cho bạn làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu để hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân cũng như kiểm tra lại chỉ số protein niệu của bạn. 

Các xét nghiệm về mức độ protein trong nước tiểu thường đo mức độ albumin. Nồng độ albumin trong nước tiểu cao hơn thường là dấu hiệu cho thấy thận của bạn không hoạt động bình thường. Ngoài ra chỉ số albumine hoặc microalbumin niệu/24 giờ cũng được áp dụng để chẩn đoán theo dõi bệnh về thận.

 

Triệu chứng protein niệu

Một số người có thể bị protein niệu mà không nhận ra. Nhưng một số triệu chứng liên quan đến bệnh thận cũng gây ra tình trạng protein niệu

Một số triệu chứng của bệnh thận mãn tính bao gồm:

  • Mí mắt sưng húp
  • Phù ở tay hoặc chân 
  • Da khô hoặc ngứa
  • Thay đổi về số lượng hoặc tần suất bạn đi tiểu
  • Mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Giảm cân
  • Chuột rút
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Hụt hơi
  • Vấn đề về giấc ngủ
  • Khó tập trung

 

Tại sao chỉ số protein niệu lại quan trọng?

Nồng độ protein trong nước tiểu cao hơn bình thường thường là dấu hiệu cho thấy thận của bạn có vấn đề. Nếu kết quả xét nghiệm 2 lần gần nhất của bạn cho thấy nồng độ protein trong nước tiểu tăng cao thì bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng khác để đánh giá chức năng thận của bạn.

Protein có thể rò rỉ vào nước tiểu do nhiều nguyên nhân tạm thời như nhiễm trùng tiểu hoặc gắng sức quá mức. Nhưng nếu nồng độ protein trong nước tiểu tăng cao và kéo dài thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh thận mãn tính.

Một số vấn đề sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện protein trong nước tiểu:

  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh mô liên kết
  • Tăng huyết áp
  • Bệnh tim mạch

Sự xuất hiện của protein trong nước tiểu không phải là yếu tố duy nhất để bạn cân nhắc và nghi ngờ vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh thận. Các bác sĩ sẽ khai thác các vấn đề sức khỏe cũng như tiền sử của bạn về:

  • Tiền sử bệnh tật của bạn và của gia đình
  • Dân tộc của bạn
  • Chế độ ăn uống và lối sống hiện tại của bạn
  • Các loại thuốc bạn đang sử dụng
  • Tình trạng sức khỏe và các bệnh hiện mắc của bạn

 

Nên làm gì khi bạn bị protein niệu?

Nếu một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn là nguyên nhân gây ra protein trong nước tiểu, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc tăng huyết áp thì bác sĩ sẽ giúp bạn kiểm soát các vấn đề sức khỏe đó như thường xuyên kiểm tra đường huyết của bạn hoặc dùng thuốc để kiểm soát đường huyết hoặc huyết áp của bạn.

Bác sĩ cũng sẽ xem xét đánh giá về chức năng thận để xem nguy cơ vấn đề sức khỏe bệnh thận của bạn là tự phát hay có liên quan đến yếu tố gia đình. Một chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng, uống đủ nước, tránh ăn quá nhiều muối và tránh xa một số loại thuốc có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe cũng như tốt cho thận.

Tuy nhiên, nếu bạn mắc bệnh thận mãn tính, bác sĩ sẽ cần theo dõi thường xuyên chức năng thận của bạn và có thể đưa ra cho bạn những lời khuyên về:

  • Thay đổi chế độ ăn uống
  • Thuốc điều trị
  • Giới hạn lượng nước và chất lỏng

Trong trường hợp bệnh thận nặng như suy thận giai đoạn cuối, bạn có thể phải chạy thận nhân tạo hoặc xem liệu bạn có đủ điều kiện để ghép thận hay không.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top