Biểu hiện của sỏi bàng quang
Các triệu chứng của sỏi bàng quang có nhiều đặc điểm lâm sàng dễ nhầm lẫn với các bệnh như u xơ tuyến tiền liệt, u bàng quang, lao bàng quang, ung thư bàng quang (đái máu). Mặt khác, một số người bị sỏi bàng quang nhưng không có triệu chứng đặc hiệu.
Tuy nhiên, đa số người bệnh thường bị đái rắt nhiều lần, nhất là ban ngày do đi lại, vận động nhiều. Nước tiểu có thể có màu đục do mủ hoặc có lẫn máu, đái khó, đau, gián đoạn tiểu tiện bởi các các nguyên nhân khác kèm theo (u xơ tiền liệt tuyến, chít hẹp niệu đạo…) và đau bụng dưới. Trong trường hợp bệnh nhân nhiễm khuẩn thì có sốt nhẹ.
Điều trị
Nếu sỏi thận rơi xuống bàng quang với kích thước nhỏ, trơn, có thể điều trị kháng sinh chống viêm, giảm đau, giãn cơ trơn để giúp tống sỏi ra ngoài.
Với những sỏi không tự đào thải ra ngoài được thì bác sĩ thường chỉ định điều trị tán sỏi nội soi.
Việc điều trị phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp sỏi to – sỏi không thể tán được hay sỏi bàng quang có kèm theo hẹp niệu đạo, xơ cứng cổ bàng quang, u xơ tiền liệt tuyến, túi thừa bàng quang.
Biến chứng
Sỏi thận rơi xuống bàng quang nếu không được xử lý sớm có thể làm cho viên sỏi cọ sát nhiều lần vào niêm mạc gây viêm, loét và nhiễm khuẩn, chảy máu và sẽ biến chứng viêm bàng quang cấp, nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm bàng quang mạn tính và sau đó có thể là teo bàng quang hoặc rò bàng quang.
Rò bàng quang là một biến chứng rất phức tạp bởi vì nước tiểu sẽ chảy vào tầng sinh môn hoặc âm đạo. Nước tiểu chảy ri rỉ qua âm đạo hoặc hậu môn gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt và lâu ngày gây nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, dạng sỏi này còn có thể gây nên các bệnh nguy hiểm như viêm thận do nhiễm khuẩn ngược dòng và suy thận.
Sỏi bàng quang là bệnh khá phổ biến nhưng không nên chủ quan, người bệnh khi gặp các triệu chứng trên nên nhanh chóng đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và có hướng điều trị sớm, hiệu quả.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh