Viêm đường tiết niệu có thể gặp ở mọi lứa tuổi đặc biệt là người cao tuổi. Khi đường tiết niệu bị viêm sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến thận. Việc phát hiện sớm bệnh viêm đường tiết niệu ở người cao tuổi sẽ giúp điều trị hiệu quả bệnh.
Viêm đường tiết niệu ở người cao tuổi do đâu?
Với người cao tuổi, do sức đề kháng ngày một giảm, thường mắc chứng sa sút trí tuệ, đi tiểu không kiểm soát được cho nên dễ bị viêm đường tiết niệu ngược dòng. Người cao tuổi có thể gặp nhiễm trùng đường tiết niệu cả phần trên (thận) và cả phần dưới (niệu quản, bàng quang và niệu đạo).
Có rất nhiều nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu ở người cao tuổi như sỏi đường tiết niệu, chấn thương cột sống, nằm lâu do bại liệt hoặc do bất động bởi cố định xương bị gãy… và cũng có thể gặp nguyên nhân bên ngoài đưa đến (ngoại sinh) như nong niệu đạo, mổ lấy sỏi hoặc mổ u xơ tiền liệt tuyến bị bội nhiễm, viêm tiền liệt tuyến đưa đến viêm đường tiết niệu…
Bệnh có thể gây biến chứng
Một số triệu chứng hay gặp viêm đường tiết niệu ở người cao tuổi như đau lưng. Đau lưng có thể âm ỉ và xuất hiện từng lúc nhưng có khi đau thành cơn rõ rệt, nhất là mỗi lúc có bưng bê, mang xách vật nặng.
Nhiều trường hợp có sốt và rét run, đi tiểu nhiều lần, tiểu khó (buồn đi tiểu nhưng không tiểu được) và có thể tiểu đau, buốt. Màu của nước tiểu có thể đục, có thể màu hồng (tiểu ra máu đại thể).
Viêm đường tiết niệu ở người cao tuổi nếu không phát hiện và điều trị tốt có thể đưa đến một số biến chứng rất nguy hiểm như: viêm thận, bể thận cấp tính có thể đưa đến suy thận, áp-xe quanh thận. Viêm đường tiết niệu cũng có thể đưa đến nhiễm trùng huyết là một bệnh nguy hiểm đến tính mạng của người cao tuổi.
Để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, người cao tuổi cần đi khám khi mới thấy xuất hiện triệu chứng bệnh. Việc thăm khám và điều trị kịp thời sẽ giúp cải thiện sớm tình trạng sức khỏe.
Làm thế nào để phòng bệnh?
Để phòng bệnh viêm đường tiết niệu ở người cao tuổi, cần thường xuyên vệ sinh cá nhân cho thật tốt. Vệ sinh đường sinh dục ngoài và xung quanh vùng sinh dục ngoài (nhất là phụ nữ).
Nên tập thói quen uống nhiều nước(1,5-2l/ngày) nhưng nên uống vào buổi sáng và chiều, buổi tối trước khi đi ngủ cần hạn chế uống nhiều nước để tránh đi tiểu đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Mỗi lần buồn đi tiểu là phải đi tiểu ngay không được nhịn tiểu, bởi vì nhịn tiểu làm cho nước tiểu ứ đọng thời gian lâu sẽ gây bội nhiễm vi khuẩn và nguy cơ sẽ làm nhiễm trùng đường tiết niệu ngược dòng.
Không nên uống bia vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ buổi tối. Nếu người cao tuổi bị các bệnh như: sỏi đường tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang…), các bệnh về tiền liệt tuyến thì cần được khám bệnh để được điều trị càng sớm càng tốt.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh