Xét nghiệm acid uric là gì?

Xét nghiệm acid uric là gì?

Xét nghiệm acid uric là phương pháp đo lượng acid uric có trong cơ thể. Acid uric là một chất hóa học được tạo ra khi cơ thể phân hủy nhân purin - các hợp chất có trong máu được sinh ra trong quá trình phân hủy tự nhiên của các tế bào. Purin cũng được tạo ra trong quá trình tiêu hóa một số loại thực phẩm, chẳng hạn như:

  • Cá cơm
  • Cá mòi
  • Nấm
  • Cá thu
  • Đậu Hà Lan
  • Gan động vật

Khi một nhân purin phân hủy và giải phóng acid uric, hầu hết lượng acid này sẽ hòa tan trong máu và vận chuyển đến thận, nơi được loại bỏ khỏi cơ thể thông qua đường nước tiểu. Một lượng acid uric cũng đào thải ra khỏi cơ thể thông qua đường đại tiện. Tuy nhiên, nếu quá trình này bị gián đoạn, cơ thể có thể tạo ra quá nhiều hoặc quá ít acid uric.

Xét nghiệm acid uric thường được thực hiện để giúp xác định nguyên nhân cơ bản của nồng độ acid uric bất thường trong máu. Bằng cách đo lượng acid uric trong cơ thể, các chuyên gia y tế có thể đánh giá mức độ cơ thể đang sản xuất và khả năng loại bỏ acid uric. Thực hiện xét nghiệm acid uric có thể thực hiện bằng sử dụng mẫu máu hoặc hoặc sử dụng mẫu nước tiểu.

 

Tại sao có xét nghiệm nước tiểu acid uric?

Thông thường, đề nghị xét nghiệm nước tiểu để định lượng acid uric được chỉ định khi một người nào đó có các triệu chứng của một tình trạng bệnh lý khiến nồng độ acid uric tăng cao bất thường. Lượng acid uric tăng lên trong nước tiểu thường cho là từ bệnh gút (Gout) – đây là một dạng viêm khớp phổ biến. Bệnh Gút đặc trưng bởi các cơn đau nhức dữ dội ở các khớp, đặc biệt là ở các ngón chân và mắt cá chân. Các triệu chứng khác của bệnh gút bao gồm:

  • Sưng khớp
  • Da ửng đỏ hoặc đổi màu xung quanh khớp
  • Cảm giác nóng khớp khi chạm vào

Lượng acid uric cao trong nước tiểu cũng có thể là dấu hiệu của bệnh sỏi thận. Sỏi thận là những khối chất rắn cấu tạo từ các tinh thể. Khi lượng acid uric dư thừa trong cơ thể, chúng có thể gây hình thành các tinh thể trong đường tiết niệu và gây ra sỏi thận. Các triệu chứng của sỏi thận bao gồm:

  • Đau dữ dội ở lưng dưới
  • Xuất hiện máu trong nước tiểu
  • Tăng nhu cầu đi tiểu thường xuyên
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Cơn sốt cao
  • Cảm giác ớn lạnh

Khi khám tại các cơ sở y tế, các bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm nước tiểu để xác định lượng acid uric, từ đó hỗ trợ xác định mức độ hồi phục của cơ thể sau khi bị sỏi thận hoặc bệnh gút. Xét nghiệm nước tiểu định lượng acid uric cũng có thể được sử dụng để theo dõi tình trạng trong thời điểm đang điều trị hóa trị hoặc xạ trị, do các phương pháp điều trị này có thể dẫn đến sự tích tụ acid uric trong cơ thể.

 

Xét nghiệm nước tiểu định lượng acid uric được thực hiện như thế nào?

Xét nghiệm nước tiểu định lượng acid uric là một thủ thuật an toàn, không đau, chỉ cần lấy mẫu nước tiểu. Các mẫu nước tiểu cần được thu thập trong khoảng thời gian 24 giờ. Quy trình lấy nước tiểu như sau ngay tại nhà có thể được thực hiện theo các bước:

  • Vào ngày thứ nhất, hãy đi tiểu vào nhà vệ sinh sau khi thức dậy. Bỏ lượng nước tiểu đầu tiên này đi.
  • Tiếp theo, ghi chú thời gian và lưu mẫu nước tiểu trong 24 giờ còn lại vào các cốc đựng chuyên dụng được cung cấp bởi cơ sở y tế. Bảo quản mẫu nước tiểu trong tủ lạnh hoặc nơi mát mẻ, sạch sẽ.
  • Gửi mẫu nước tiểu cho cơ sở y tế.

Một điều quan trọng cần lưu ý là cần rửa tay cẩn thận trước và sau khi lấy mẫu nước tiểu. Đảm bảo đậy chặt nắp các cốc chứa và dán nhãn các cốc chứa để tránh nhầm lẫn.

Sau khi các mẫu nước tiểu đã được thu thập, nước tiểu sẽ được chuyển đến phòng thí nghiệm để phân tích. Kết quả có thể được trả trong vòng vài ngày.

 

Kết quả xét nghiệm nước tiểu định lượng acid uric có ý nghĩa gì?

Mức acid uric bình thường trong nước tiểu là 250-750miligam/24 giờ. Khi nồng độ acid uric trong nước tiểu cao hơn bình thường, đây thường là dấu hiệu của bệnh gút hoặc sỏi thận. Các nguyên nhân khác có thể bao gồm:

  • Chế độ ăn nhiều thực phẩm có chứa purin
  • Béo phì
  • Bệnh về gan
  • Bệnh về thận
  • Rối loạn sản sinh tủy xương, chẳng hạn như bệnh bạch cầu
  • Ung thư xâm lấn hoặc ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể

Trong một số trường hợp, xét nghiệm có thể cho thấy nồng độ acid uric trong nước tiểu thấp hơn bình thường. Điều này có thể do:

  • Nhiễm độc chì
  • Nghiện rượu
  • Chế độ ăn ít purin

Tùy thuộc vào kết quả, bác sĩ có thể cần thực hiện các xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán xác định cụ thể.

 

Tổng kết

Xét nghiệm acid Uric giúp đánh giá lượng acid uric trong cơ thể, có thể thực hiện qua mẫu máu hoặc mẫu nước tiểu. Khi chỉ số acid uric có biểu hiện bất thường, nó có thể chỉ ra một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh gút hay bệnh sỏi thận. Một số trường hợp có thể do tình trạng bệnh chuyển hóa như béo phì, hay bệnh về gan, ung thư… Nhìn chung, đây là một xét nghiệm an toàn, hiệu quả và có thể thực hiện ngay tại nhà. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn đầy đủ và hiệu quả nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top