✴️ Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt dành cho bệnh nhân viêm tuyến giáp

Nội dung

1. Nguyên tắc dinh dưỡng dành cho bệnh nhân viêm tuyến giáp

Bạn có biết, viêm tuyến giáp có thể dẫn đến biến chứng cường giáp hay suy giáp tùy mỗi loại. Và mỗi trường hợp sẽ có những lưu ý riêng trong chế độ dinh dưỡng.

  • Viêm tuyến giáp mãn tính (viêm tuyến giáp Hashimoto): hệ miễn dịch bị rối loạn, sinh ra kháng thể chống lại chính những tế bào tuyến giáp của cơ thể mình. Tuyến giáp bị tổn thương và đây là nguyên nhân chính dẫn tới suy giáp

  • Viêm tuyến giáp bán cấp: giai đoạn đầu thường gây ra tình trạng cường giáp tạm thời. Sau đó, khi nội tiết tố không còn sẽ dẫn đến tình trạng suy giáp. 

Do cường giáp, suy giáp có sự khác biệt rõ rệt về mức độ i-ốt cần thiết nên chế độ ăn cũng có những lưu ý khác nhau. Đảm bảo nguyên tắc bình thường hóa nồng độ nội tiết tố của tuyến giáp trong điều trị bệnh lý tuyến giáp nói chung.

2. Bệnh viêm tuyến giáp nên ăn gì?

2.1. Suy giáp

Viêm tuyến giáp mạn tính nên ăn gì? Ở giai đoạn này của bệnh, bệnh nhân đã phải đối mặt với tình trạng suy giáp. Song song với việc sử dụng hormon thay thế thì một chế độ ăn uống phù hợp cũng quan trọng không kém:

  • Tăng cường bổ sung I-ốt tự nhiên: thủy hải sản, tảo, rong biển,… 
  • Rau lá xanh: rau diếp cá, rau bina,… giàu magie và khoáng chất giúp thúc đẩy hoạt động của tuyến giáp. Đồng thời, chúng rất giàu các chất chống oxy hóa tự nhiên giúp cải thiện khả năng miễn dịch, hỗ trợ cân bằng hormon tuyến giáp.
  • Các loại hạt: hạt điều, hạnh nhân, hạt bí,…
  • Hải sản: mỗi tuần bạn nên ăn ít nhất 3 bữa hải sản. Bởi chúng là nguồn cung cấp tuyệt vời I-ốt, kẽm, omega 3, vitamin nhóm B, salen,… rất tốt cho tuyến giáp.
  • Hoa quả: cam, táo, cà chua, nho, táo, dưa hấu, dâu tây,… 
  • Thực phẩm giàu kẽm: hàu, mầm lúa mì, thịt bò, gan nấu chín, các loại hạt,… Thiếu kẽm sẽ gây cản trở sự phân chia tế bào, sự tăng trưởng và quá trình phân hủy carbohydrat. Trong khi tuyến giáp hoạt động quá mức đã làm cạn kiệt khoáng chất này

Bệnh viêm tuyến giáp nên ăn gì

2.2. Cường giáp

  • Các loại rau họ cải: súp lơ, cải bắp, cải bruxen,… đều chứa isothiocyanate – chất làm hạn chế hấp thu i-ốt. Tuy nhiên, nên ăn ở mức độ vừa đủ vì nếu tiêu thụ quá nhiều, chúng có thể dẫn tới suy giáp
  • Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: kiwi, cam, quýt, mận, cà chua, rau chân vịt, cải xoăn,… Giúp tăng cường miễn dịch, hỗ trợ cân bằng hormon tuyến giáp
  • Thực phẩm giàu canxi: ở những người cường giáp thường có hiện tượng rối loạn chuyển hóa canxi. Để giải quyết vấn đề này, cơ thể thường lấy canxi từ xương và có thể gây loãng xương. Có thể bổ sung lượng canxi bị thiếu từ sữa, rau xanh để bù đắp
  • Thực phẩm giàu protein và acid béo omega-3: quả óc chó, hạt lanh, các loại cá,… để làm dịu hoạt động của tuyến giáp
  • Thực phẩm giàu kẽm

3. Bệnh viêm tuyến giáp kiêng ăn gì?

  • Chất tạo ngọt tổng nhân tạo Aspartame: một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa Aspartame và nhiều rối loạn tự miễn. Nó có thể gây phản ứng miễn dịch trong cơ thể, sản sinh kháng thể kháng tuyến giáp – nguyên nhân gây viêm tuyến giáp mãn tính Hashimoto.
  • Gluten: ở những cơ thể nhạy cảm với gluten, chúng có thể kích hoạt phản ứng tự miễn. Gluten được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch và hầu hết các thực phẩm đã qua chế biến
  • Đường
  • Nội tạng động vật: chứa nhiều axid lipoic – một loại acid béo. Nếu cơ thể tiếp nhận quá nhiều thì có thể dẫn đến hoạt động của tuyến giáp bị phá hủy. Ngoài ra, chúng còn làm giảm tác dụng của một số loại thuốc tuyến giáp
  • Hạn chế thực phẩm giàu chất xơ: cần cân bằng khi tiêu thụ loại thực phẩm này. Không nên ăn quá nhiều vì chúng có thể gây cản trở đến việc hấp thu thuốc trong cơ thể. 

Ngoài ra, ở bệnh nhân đang trong giai đoạn suy giáp, cần hạn chế rau họ cải và đậu nành chưa lên men. Thành phần chính trong đậu nành là Isoflavone gây ức chế khả năng hấp thụ I-ốt của tuyến giáp. Nếu như bản thân bạn là người thích đậu nành, hãy thay thế chúng bằng đậu nành lên men như tương miso, natto,… Và khi sử dụng các loại rau họ cải, cần luộc chín hoặc trần qua để phân giải isothiocyanate. 

4. Chế độ sinh hoạt cho người viêm tuyến giáp

  • Tạo thói quen tập thể dục để nâng cao sức khỏe
  • Thăm khám bác sĩ thường xuyên. Vì viêm giáp có thể chuyển từ cường giáp sang bình giáp, suy giáp bất kỳ lúc nào
  • Uống thuốc theo quy định

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top