Hạch bạch huyết gần họng nhất nằm ở hai bên cổ, có thể gây ra cảm giác đau khi chúng sưng lên hoặc viêm. Hạch bạch huyết bị sưng có nhiều nguyên nhân. Đôi khi hạch bạch huyết chỉ sưng, gây đau họng ở một bên. Một số bệnh có thể dẫn đến hạch bạch huyết bị sưng bao gồm: cảm lạnh hoặc cúm, viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A, nhiễm khuẩn tai, một chiếc răng bị viêm hoặc áp-xe răng, bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng (Mononucleosis) do virus Epstein-Barr (EBV), tổn thương nhiễm khuẩn vùng da trong khu vực, ung thư, HIV…
Hội chứng chảy dịch mũi sau gây ra do dịch chảy từ hệ thống xoang qua mũi sau xuống thành sau họng gây vướng họng, đau họng, ho, ngứa họng. Bệnh có thể do viêm mũi xoang nhiễm khuẩn, nhiễm virus, nhiễm lạnh. Những nguyên nhân phối hợp là hội chứng trào ngược thực quản dạ dày, những rối loạn nội tiết và suy giảm miễn dịch. Hội chứng này thường kéo dài, do dịch tiết liên tục có thể gây khó chịu, gây cảm giác đau ở một bên họng trong một số trường hợp.
Amidan có chức năng ngăn chặn lại sự tấn công của các loại virut, vi khuẩn đối với cơ thể. Đồng thời amidan còn có chức năng tiết ra các kháng thể tự nhiên chống lại sự nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, do nguyên nhân nào đó mà amidan bị sưng lên, viêm amidan xuất hiện. Đôi khi chỉ một bên amidan bị viêm, gây ra đau đớn ở một bên.
Nhiều nguyên nhân có thể làm tổn thương phần sau của miệng hoặc cổ họng, bao gồm: bỏng do thực phẩm nóng hoặc chất lỏng nóng, do thức ăn có cạnh sắc, do đặt nội khí quản… Nếu một bên cổ họng bị đau do bị xước hoặc bị bỏng, nuốt nước muối sinh lý ấm có thể làm dịu các triệu chứng.
Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) là một tình trạng gây ra hội chứng dạ dày, bao gồm tăng acid dạ dày, trào ngược vào ống thực quản và hầu họng. GERD có thể tệ hơn vào ban đêm và khi nằm xuống. Khi nằm nghiêng một bên theo thói quen, axit dạ dày trào ngược có thể dẫn đến đau một bên cổ họng.
Bệnh tay chân miệng thường gây ra vết loét trên tay, bàn chân và miệng. Các vết loét có thể phát triển ở phần sau của miệng, thành họng và một bên có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Sử dụng thanh quản quá mức trong các hoạt động như nói, la hét, ca hát… có thể dẫn đến tổn thương dây thanh quản. Một tổn thương có thể hình thành ở một bên, gây ra một vùng cổ họng bị đau. Khi dây thanh quản tổn thương thường sẽ nhận thấy sự thay đổi trong giọng nói, chẳng hạn như khàn giọng. Những loại tổn thương này thường điều trị dễ dàng. Cho cơ quan phát âm nghỉ ngơi giúp làm dịu tổn thương dây thanh quản. Trong một số trường hợp, tổn thương sẽ cần phẫu thuật.
Mặc dù chúng là một trong những nguyên nhân gây ra đau họng ít nhất, các khối u có thể ảnh hưởng đến cổ họng và các vùng lân cận. Chúng có thể lành tính hoặc là ung thư. Một khối u có thể gây đau ở một bên cổ họng khi nằm ở khu vực này. Các triệu chứng có thể bao gồm: một khối u ở cổ, khàn tiếng, ho kéo dài, giảm cân không rõ lý do, có máu trong nước bọt hoặc đờm máu…
Đau một bên họng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra vì vậy người bệnh cần xác định chính xác đau một bên họng nguyên nhân do đâu để chỉ định biện pháp chữa trị kịp thời hiệu quả.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh