ĐỪNG BỎ LỠ CƠ HỘI TẦM SOÁT CHẬM TĂNG TRƯỞNG CHIỀU CAO MIỄN PHÍ CHO TRẺ

Nếu trẻ rơi vào trường hợp chậm cao do thiếu hormone tăng trưởng (GH), việc thăm khám muộn hoặc điều trị không đúng cách có thể khiến trẻ mất đi “giai đoạn vàng” để có thể cải thiện chiều cao hiệu quả. Do đó, khi phát hiện những bất thường về chiều cao ở trẻ so với độ tuổi, phụ huynh cần cho trẻ khám sớm để được xác định đúng nguyên nhân.

 

Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao sớm giúp trẻ có cơ hội được chữa trị kịp thời

 

Từ ngày 11/12/2021 đến ngày 26/12/2021, Khoa Nội tiết bệnh viện Nguyễn Tri Phương tổ chức chương trình “Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em” miễn phí

 

Đối tượng được tầm soát:

- Tất cả các trẻ em chưa dậy thì có nghi ngờ chiều cao thấp hơn so với độ tuổi


Thời gian diễn ra chương trình:

- 8:00 - 11:00 Thứ Bảy và Chủ Nhật hằng tuần, áp dụng từ ngày 11/12 – 26/12/2021.

 

Địa điểm: lầu 3 khu A

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (468 Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5, TP. Hồ Chí Minh).

 

Cách thức đăng ký:

Từ ngày 1/12/2021 đến ngày 19/12/2021, phụ huynh gọi điện thoại đăng ký theo hotline 0786709375 (từ 8h -17h tất cả các ngày trong tuần).

Bệnh viện chỉ nhận khám tầm soát cho các trường hợp trẻ đã đăng kí qua hotline.

 

Nếu nghi ngờ trẻ có chiều cao thấp hơn so với độ tuổi, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán đúng nguyên nhân

 

Trẻ sẽ được khám gì khi tham gia tầm soát?

Trẻ tham gia tầm soát sẽ được các bác sĩ hỏi về tiền sử lúc sanh, tiền sử bệnh tật, tiền sử gia đình, tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Tiếp theo, trẻ sẽ được thăm khám lâm sàng và đánh giá tình trạng tăng trưởng thông qua các chỉ số chiều cao, cân nặng, đối chiếu với các giá trị tham chiếu trên biểu đồ tăng trưởng. Trẻ cũng được chụp X - Quang xương bàn tay miễn phí khi có chỉ định để được đánh giá tuổi xương. Từ đó, các bác sĩ sẽ tư vấn về vấn đề phát triển chiều cao của trẻ là bình thường hay bất thường. Những trường hợp nghi ngờ chậm tăng trưởng chiều cao sẽ được hướng dẫn các bước xử trí tiếp theo.

 

Khi nào trẻ nên được tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao?

Quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ được chia thành nhiều giai đoạn, trong đó có hai giai đoạn sự tăng trưởng chiều cao diễn ra vượt trội là từ 0-2 tuổi và tuổi dậy thì. Thông thường, từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Nếu chiều cao của bé tăng chậm hơn 4-6 cm/năm hoặc chiều cao của bé luôn nằm gần đường cong thấp nhất so với độ tuổi (theo biểu đồ tăng trưởng chiều cao) nên cho bé thăm khám sớm để tìm nguyên nhân.

 

Những yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ?

Có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm: di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt thể dục thể thao, hormone tăng trưởng (GH)… Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được. Riêng trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH, theo thống kê, trên thế giới, ước tính chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/3000 - 1/4.000 nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em và rất khó nhận biết.

Trên thực tế, phụ huynh ngày càng quan tâm đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn cho rằng nguyên nhân con thấp còi chủ yếu do dinh dưỡng và nhiều trường hợp trẻ đến khám tại bệnh viện sau thời gian điều trị hoặc can thiệp dinh dưỡng không hiệu quả.

 

Trẻ chậm cao do thiếu GH có biểu hiện gì đặc biệt không?

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: “Hầu hết trẻ chậm tăng trưởng chiều cao đơn thuần thì biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài việc bé không tăng hoặc có tốc độ tăng chiều cao chậm. Do đó, thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn phụ huynh khi có nghi ngờ về sự phát triển bất thường ở chiều cao của trẻ, nên cho trẻ đến tầm soát sớm. Với trẻ chậm cao do thiếu GH, nếu điều trị sớm, có thể bắt kịp tăng trưởng của các trẻ bình thường và hầu như sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành theo di truyền của từng trẻ. Nếu để qua tuổi dậy thì, thường là sau 13 tuổi, khi các sụn xương trẻ đóng lại, việc điều trị sẽ không còn hiệu quả nữa. Vì vậy, tầm soát và điều trị sớm là yếu tố then chốt để cải thiện chiều cao trẻ do thiếu GH.”

 

Bác sĩ Ngọc Anh tư vấn cho một trường hợp trẻ đến khám trong năm 2020

 

Chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu GH có chữa được không?

Việc phát triển công nghệ tái tổ hợp GH người từ năm 1985 đã giúp cho nhiều đối tượng với nhiều tình trạng bất thường liên quan đến GH khác nhau có khả năng tiếp cận với điều trị. Đặc biệt là trong những năm gần đây, với công nghệ hiện đại, việc sử dụng thuốc ngày càng dễ dàng, đơn giản hơn, cũng như ít tác dụng phụ. Trẻ được chẩn đoán chậm tăng trưởng do thiếu GH được chỉ định bổ sung GH (khi trẻ từ 4 tuổi trở lên). Mục tiêu của việc điều trị này là để thay thế sự thiếu hụt GH cho sự phát triển chiều cao, các hoạt động chuyển hóa và tình trạng sức khỏe nói chung. Sau 3-6 tháng điều trị, trẻ sẽ được đo lại chiều cao và xét nghiệm máu để đánh giá kết quả và chỉnh liều thuốc nếu cần. Trẻ đáp ứng với điều trị sẽ tăng chiều cao từ 8-12 cm/năm. Khi đến tuổi dậy thì, trẻ sẽ được đánh giá lại xem có tiếp tục bổ sung GH hay ngưng bổ sung.

 

Điều gì xảy ra khi trẻ thiếu GH không được điều trị sớm?

Nếu không được điều trị, trẻ thiếu GH có chiều cao trung bình chỉ từ 135 - 145 cm, thấp hơn nhiều so với chiều cao tối đa có thể đạt được.

 

Điều trị bằng GH có an toàn không?

Các nghiên cứu cho thấy việc điều trị với GH ở trẻ là khá an toàn. Một số ảnh hưởng cấp tính có thể xảy ra như tình trạng đau đầu, đau các khớp, đau cơ (các triệu chứng này thường lành tính, sẽ giảm hoặc biến mất khi giảm liều thuốc hoặc ngưng điều trị). Ngoài ra, trẻ có thể có các phản ứng dị ứng nhẹ như sưng tại vị trí tiêm, nổi mẩn ngứa hoặc phát ban. Tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như trượt chỏm xương đùi, vẹo cột sống nặng hơn (trên các trẻ đã có tình trạng vẹo cột sống trước đó) thường rất hiếm gặp và có liên quan đến các hoạt động thể chất mạnh. Về lâu dài, đối với các trẻ chậm tăng trưởng đơn độc (GHD, ISS) không kèm các yếu tố nguy cơ khác, điều trị bằng GH không làm tăng nguy cơ bệnh bạch cầu hay các loại ung thư khác khi so sánh với dân số chung cùng độ tuổi.

 

Thế mạnh điều trị chậm tăng trưởng chiều cao cho trẻ do thiếu GH tại Khoa Nội tiết – Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Tại TP.HCM, bệnh viện Nguyễn Tri Phương là một trong số ít những bệnh viện đa khoa đáng tin cậy có thể chẩn đoán và điều trị được bệnh lý khó nhận biết này với đội ngũ y bác sỹ khoa Nội tiết giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm. Tính đến nay, bệnh viện đã chẩn đoán và điều trị thành công cho hàng trăm trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH.

 

*** Một số lưu ý khi phụ huynh đưa trẻ đến khám:

  • Phụ huynh và trẻ (từ 12 tuổi) đến khám phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19, mũi 2 đủ 14 ngày tính từ lúc tiêm đến thời điểm đến khám. Riêng trẻ dưới 12 tuổi, không nằm trong độ tuổi tiêm vắc xin Covid-19 ở thời điểm hiện tại thì không cần áp dụng quy định này cho trẻ, chỉ áp dụng cho phụ huynh đưa trẻ đến khám.
  • Ngoài ra, khi phụ huynh đưa trẻ đến tầm soát, chú ý các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện 5K: đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, khử khuẩn, giữ khoảng cách tối thiểu 2m và thực hiện khai báo y tế.
return to top