Những người mắc bệnh đái tháo đường (hay tiểu đường) phải đối mặt với nhiều nguy cơ do biến chứng của bệnh gây ra. Trong đó, cắt cụt chi là một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất đối với người bệnh. Các nghiên cứu cho thấy, nguy cơ cắt cụt chi ở bệnh nhân tiểu đường cao gấp 25 lần so với người bình thường. Nhân ngày Đái tháo đường thế giới 14/11, cùng tìm hiểu mối liên hệ giữa các biến chứng bệnh đái tháo đường và nguy cơ cắt cụt chi, từ đó nhận diện và phòng tránh nguy cơ tàn phế.
Đái tháo đường là bệnh lý nguy hiểm với tỉ lệ tử vong đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau bệnh ung thư và tim mạch. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra hàng loạt biến chứng liên quan đến tim mạch, thần kinh, thận, mắt,… khiến người bệnh phải đối mặt với những hậu quả khôn lường về sức khỏe và tính mạng. Trong đó, nguy cơ cắt cụt chi là một trong những hậu quả nặng nề do biến chứng bệnh đái tháo đường gây ra.
Theo ước tính, có khoảng 5 – 7% các bệnh nhân đái tháo đường bị cắt cụt ngón chân, bàn chân hoặc cẳng chân. Trên toàn thế giới, cứ 30 giây lại có 1 người bệnh đái tháo đường bị cắt cụt chân. Riêng tại Mỹ, có tới 225 bệnh nhân đái tháo đường phải đối mặt với nguy cơ tàn phế vì cắt cụt chi mỗi ngày.
Cắt cụt chi là biện pháp cuối cùng để ngăn vùng hoại tử ở chân hoặc tay mở rộng, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người bệnh. Các vùng hoại tử này thường bắt nguồn từ hiện tượng loét, nhiễm trùng bàn chân hoặc tắc mạch chân nhưng không được điều trị kịp thời.
Theo các nghiên cứu, khoảng 15 – 25% người bệnh đái tháo đường có loét bàn chân. Với người bình thường, một vết thương phần mềm có thể lành trong 1 tuần. Nhưng ở người mắc bệnh đái tháo đường, những vết thương này thường lâu lành hơn. Thời gian có thể kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng, dẫn đến nhiễm trùng, biến dạng bàn chân, hoại tử ngón chân… Do vậy, người bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị cắt cụt chi cao gấp 25 lần so với người bình thường.
Đặc biệt, ở những bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng thần kinh ngoại biên và tim mạch, khả năng bị cắt cụt chi càng cao hơn.
Biến chứng thần kinh đái tháo đường có thể gây ra các tổn thương trên khắp cơ thể và thường được chia thành 2 loại chính là: biến chứng thần kinh ngoại biên và biến chứng thần kinh tự chủ.
Trong đó, biến chứng thần kinh ngoại biên là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng cắt cụt chi. Cụ thể, nồng độ glucose máu và huyết áp ở những bệnh nhân đái tháo đường quá cao sẽ gây những tổn thương cho dây thần kinh ở ngoại biên như tay, chân, dây thần kinh sọ não…
Các biểu hiện của biến chứng này gồm:
– Tê bàn chân, tay, cảm giác như kim châm kiến bò hoặc bỏng rát.
– Giảm nhận biết cảm giác đau, nhiệt độ (nóng, lạnh…), đặc biệt ở bàn chân.
– Đau buốt, cảm giác đau thường tăng về đêm.
– Đau khi bước đi, đôi khi chạm nhẹ cũng đau rất nhiều.
– Yếu cơ và đi lại khó khăn.
– Vết thương khó lành, dẫn tới loét chân do nhiễm trùng.
– Biến dạng bàn chân.
– Đau ở xương khớp.
Bệnh đái tháo đường làm tăng lượng cholesterol lắng đọng tại thành mạch, hình thành nên các mảng xơ vữa. Theo thời gian, các mảng xơ vữa dày lên, xơ cứng khiến mạch máu kém đàn hồi, dễ bị viêm và gây chít hẹp lòng mạch. Lượng máu cung cấp đến bàn chân giảm bị khiến những vết loét bàn chân lâu lành, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử cắt cụt chi dưới.
Biến chứng tim mạch thường dẫn đến bệnh động mạch ngoài biên với triệu chứng như:
– Đau cách hồi.
– Chuột rút.
– Tê bì chân tay.
– Lạnh, nhợt nhạt một bên chân.
Như đã nói ở trên, cắt cụt chi là biện pháp cuối cùng để xử lý vùng chân hoại tử. Người bệnh bị hoại tử chân thường có biểu hiện:
– Sốt cao, lạnh run.
– Tụ dịch ở bàn chân.
– Vết loét ở bàn chân đen thâm.
Tùy thuộc vào tình trạng nhiễm trùng và hoại tử vết loét mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp về phương pháp điều trị. Cụ thể:
– Nếu hoại tử ít bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp cắt lọc nhằm bảo tồn chân cho người bệnh.
– Nếu tình trạng hoại tử đã lan rộng thì cần phải cắt cụt chi nhằm ngăn nhiễm trùng huyết, nhờ vậy bảo toàn tính mạng của người bệnh.
Ngay khi được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường, bạn cần phối hợp điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Hiện nay, sử dụng insulin đang là phương pháp điều trị tiểu đường chủ yếu. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể sử dụng các loại thuốc hạ đường huyết, huyết áp, ổn định mỡ máu để giảm các yếu tố nguy cơ, ngăn bệnh tiến triển nặng hơn, ngăn các biến chứng bệnh đái tháo đường.
Lưu ý, các loại thuốc điều trị đái tháo đường chỉ mang tính tham khảo, tùy tình trạng bệnh mà các loại thuốc sử dụng sẽ khác nhau. Để biết thêm về cách sử dụng thuốc này, bệnh nhân vui lòng đi khám hoặc liên hệ bác sĩ để được tư vấn chi tiết.
Để đảm bảo đường huyết, bệnh nhân nên duy trì chế độ ăn uống, vận động lành mạnh. Hưởng ứng ngày đái tháo đường thế giới 14/11, Hiệp hội Đái tháo đường thế giới (IDF) đưa ra các thông điệp và khuyến cáo nhằm hạn chế những hậu quả của bệnh đái tháo đường bao gồm:
– Không hút thuốc lá
– Thực hiện chế độ ăn nhạt, nhiều rau xanh, bổ sung kali, ăn nhiều cá, ăn ít mỡ động vật.
– Hạn chế các chất kích thích như cà phê, bia rượu hoặc các đồ uống có cồn.
– Duy trì cân nặng qua theo dõi và điều chỉnh chỉ số BMI.
– Rèn luyện thể lực thường xuyên ở mức độ vừa phải, thường là 30 phút/ngày với các bài tập như đi bộ nhanh, đi xe đạp, chạy, bóng bàn, bơi, khiêu vũ…
Đặc biệt, để phòng ngừa biến chứng thần kinh ngoại biên và tim mạch của bệnh đái tháo đường, hạn chế nguy cơ cắt cụt chi, bệnh nhân cần chú ý chăm sóc kỹ hơn vùng bàn chân của mình bằng cách:
– Kiểm tra bàn chân hàng ngày để phát hiện sớm các tổn thương như trầy xước, loét, mụn phỏng,…và xử lý kịp thời (sát trùng, băng bó,…).
– Vệ sinh bàn chân hằng ngày, đảm bảo da luôn sạch sẽ, khô ráo, đặc biệt các kẽ các ngón chân.
– Cắt móng chân đúng cách, tránh cắt sâu vào khóe móng hay cắt nhầm vào da gây trầy xước.
– Lựa chọn giày, dép, tất phù hợp, vừa vặn, tránh ép chặt bàn chân, gây giảm tuần hoàn máu.
Có thể thấy, nguy cơ cắt cụt chi do biến chứng bệnh đái tháo đường là mối đe dọa rất lớn đối với sức khỏe. Do đó, bạn cần đi khám sớm và điều trị theo phác đồ của các bác sĩ để ngăn ngừa nguy cơ gặp phải các biến chứng. Nhân ngày quốc tế Đái tháo đường 14/11, hãy cùng nhắc nhở bản thân và những người xung quanh để có thể cùng ngăn ngừa những ảnh hưởng từ căn bệnh này.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh