Vùng dưới đồi: Vùng này có mối liên hệ mật thiết qua đường mạch máu và đường thần kinh với tuyến yên. Các hormon do vùng dưới đồi bài tiết sẽ theo những con đường này đến dự trữ hoặc tác động (kích thích hoặc ức chế) đến chức năng của tuyến yên. Các hormon do tuyến này tiết bao gồm TSH - TRH, ACTH – CRH, FSH và LH-GnRH, Prolactin – PIH, ADH, oxytocin.
Tuyến yên: Nằm ở đáy não đằng sau các xoang, nó còn được gọi là “tuyến chủ” bởi vì nó ảnh hưởng nhiều đến các tuyến khác, đặc biệt là tuyến giáp. Tuyến yên gồm các hormon GH, Prolactin, ACTH, TSH, FSH, LH, Lipoprotein...Tùy thuộc vào từng loại hormon mà tuyến yên có các chức năng khác nhau như quyết định sự tăng trưởng của cơ thể (GH), sự tăng trưởng và phát triển các tuyến sinh dục (LH, FSH).
Tuyến tùng: tuyến này nằm gần trung tâm của não bộ và có thể sản xuất các nội tiết tố điều khiển giấc ngủ.
Tuyến giáp trạng: nằm ở hai bên và phía trước khí quản, ngay dưới thanh quản. Hai hormon quan trọng của tuyến giáp là T3 (Triiodothyronine) và T4 (Tetraiodothyronine). Chức năng của tuyến giáp là điều hòa sự trao đổi chất.
Tuyến cận giáp: nằm ngay sau tuyến giáp, hormon tuyến cận giáp là Parahormon – PTH, có tác dụng lên xương, thận, ruột,… của cơ thể.
Tuyến ức: nằm trong lồng ngực, phía sau xương ức, là cơ quan quan trọng tạo hệ miễn dịch, giúp tế bào miễn dịch lympho T từ dạng tế bào non thành tế bào trưởng thành và có chức năng miễn dịch.
Tuyến tụy: nằm sau phúc mạc, thực hiện cả chức năng nội tiết và ngoại tiết.
Tuyến thượng thận: nằm phía trên của hai quả thận, tiết ra các hormone giúp cân bằng cơ thể. Tuyến này tiết ra 2 hormon quan trọng là catecholamin và cortisol.
Nồng độ hormone trong cơ thể quá cao hoặc quá thấp, đều dẫn đến nội tiết tố bị rối loạn. Các bệnh và rối loạn nội tiết cũng xảy ra nếu cơ thể không đáp ứng với kích thích tố theo cách nó được yêu cầu. Khi hệ thống nội tiết tố ở trạng thái bình thường, các hormone sẽ giúp cân bằng trao đổi chất của cơ thể và chức năng sinh lý. Nếu vì 1 lý do nào đó làm sự cân bằng trên bị phá vỡ sẽ dẫn đến rối loạn nội tiết tố.
Nội tiết tố nam testosterone do tinh hoàn sản xuất ra đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển các bộ phận sinh sản của nam giới như: phát triển tinh hoàn, dương vật, tiền liệt tuyến và duy trì chức năng sản xuất tinh trùng. Đồng thời giúp phát triển hình thức bên ngoài mang tính nam bao gồm: tăng cơ bắp, mọc ria mép, mọc lông ở nách và bộ phận sinh dục…
Đối với nam giới khỏe mạnh, nồng độ testosterone trong máu duy trì ở mức khoảng 10-35 nmol/L. Đến khoảng 30 tuổi, khi hoạt động của bộ máy sinh dục bắt đầu suy giảm thì nồng độ testosterone cũng sẽ suy giảm theo. Lượng hormone ít đi hay nhiều hơn đều gây mất cân bằng dẫn đến rối loạn.
Sự suy giảm này sẽ ảnh hưởng xấu đến nhiều bộ phận trong cơ thể nam giới. Có thể kể đến như gây rối loạn cương dương, giảm số lượng tinh trùng, giảm ham muốn tình dục. Bên cạnh đó còn dễ mắc các bệnh mãn tính. Điển hình như các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, rối loạn giấc ngủ, thừa cân, béo phì, trầm cảm…
Việc dung nạp vào cơ thể những chất độc hại như rượu bia, thuốc lá, chất kích thích là một trong các nguyên nhân gây suy giảm nội tiết tố nam và nguy cơ suy giảm ham muốn tình dục.
Ngoài ra, một số sản phẩm chăm sóc cá nhân (như son phấn, mỹ phẩm, dầu gội sữa tắm) có thể chứa thành phần xenoestrogen. Đây là một chất tương tự estrogen gây ra những rối loạn về tính năng sinh dục nam giới.
+ Bình thường, vùng hạ đồi và tuyến yên sẽ tiết ra các hormone là GnRH và FSH/LH. Dưới tác động của các chất này, tinh hoàn sẽ sản xuất ra testosterone. Bất kỳ một nguyên nhân nào gây rối loạn hoạt động của hệ thống này đều có thể dẫn đến bất thường trong quá trình sản sinh tinh trùng.
+ Suy vùng hạ đồi là một trong những nguyên nhân của rối loạn hoạt động nội tiết. Bệnh lý này có thể là bẩm sinh (ngay từ trong giai đoạn bào thai) hay mắc phải. Thường gặp trong hội chứng Kallmann – một bệnh lý có tính di truyền mà vùng hạ đồi hoàn toàn mất chức năng sản xuất GnRH. Từ đó tinh hoàn không tiết ra testosterone và dẫn đến không có tinh trùng.
+ Nguyên nhân khác như u tuyến yên, u sọ hầu, u tế bào thần kinh đệm… cũng gây rối loạn tiết hormone GnRH, FSH/LH.
Do các nguyên nhân ở tinh hoàn giảm tiết hoặc không tiết được hormone testosterone, dẫn đến các biểu hiện rối loạn nội tiết tố. Các tình trạng gây ra suy tinh hoàn hay gặp đó là:
Một số bệnh lý khác có thể gây rối loạn nội tiết tố nam. Đó là hội chứng Cushing, suy tuyến giáp, suy thượng thận, đái tháo đường… Chúng đều gây ảnh hưởng đến suy giảm chức năng tinh hoàn.
Việc ngủ ít ảnh hưởng rất lớn đến nội tiết tố nam testosterone, dẫn đến làm giảm khả năng sinh sản và sức khỏe của cơ thể. Mới đây, các nhà nghiên cứu còn cho biết, việc ngủ muộn còn có thể dẫn đến vô sinh.
Để cân bằng cũng như phòng tránh rối loạn nội tiết ở nam giới, mọi người cần có chế độ ăn uống ngủ nghỉ một cách khoa học và lành mạnh. Không hút thuốc lá, uống rượu bia hay chất kích thích. Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao hàng ngày. Đảm bảo ngủ đầy đủ đúng giờ, tránh thức khuya và tránh căng thẳng stress. Hơn nữa, quan hệ vợ chồng một cách đều đặn cũng góp phần cân bằng nội tiết tố cho nam giới.
Xem thêm: Cách bổ sung vitamin và khoáng chất cho nam giới
Có thể bạn quan tâm: Một số bệnh lý Tuyến Vú ở nam giới
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh