Khoảng một nửa số người mắc tiểu đường có tổn thương thận
Có thể hạn chế tổn thương thận bằng cách phát hiện sớm và điều trị tốt bệnh tiểu đường. Nếu mắc bệnh tiểu đường týp 1, người bệnh cần tầm soát bệnh thận là 5 năm sau chẩn đoán và tiểu đường týp 2 là ngay lúc chẩn đoán.
Bệnh nhân tiểu đường được chẩn đoán bệnh thận tiểu đường khi họ tiểu ra chất đạm. Các yếu tố thúc đẩy sự tiến triển nhanh của bệnh thận ở bệnh nhân tiểu đường đó là tăng đường huyết, tăng huyết áp, tiểu đạm, yếu tố di truyền…
Tăng huyết áp cũng là nguyên nhân gây ra suy thận và ngược lại
Không chỉ tiểu đường, ở những người mắc bệnh huyết áp cao dài ngày sẽ dẫn đến việc phá hủy các mạch máu trong cơ thể dẫn đến xơ vữa động mạch thận, làm giảm lượng máu cung cấp đến thận cũng như các cơ quan khác và sẽ dẫn đến chứng suy thận.
Huyết áp tăng cao còn làm phá hủy cầu thận, làm hỏng chức năng thận. Biểu hiện sớm của các tổn thương thận trong tăng huyết áp đó là xuất hiện protein trong nước tiểu do màng lọc cầu thận bị tổn thương. Khi thận bị tổn thương sẽ dẫn đến khả năng điều hòa huyết áp bị suy dẫn đến huyết áp tăng cao.
Vì vậy để điều trị tốt bệnh thận, bệnh nhân cần kiểm soát tốt huyết áp dưới 130/80mmHg và xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
Người bệnh cần giảm cân nếu thừa cân, tập thể dục 30 phút mỗi ngày, không uống rượu, bia, không hút thuốc lá.
Để phòng ngừa bệnh thận mạn, cần tuân theo các nguyên tắc “vàng” sau đây:
– Tránh thừa cân béo phì;
– Tập thể dục đều đặn;
– Không hút thuốc lá;
– Chế độ ăn uống hợp lý;
– Phòng bệnh tiểu đường; tăng huyết áp;
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh