Biểu hiện của rối loạn tiêu hóa:
- Thay đổi thói quen đại tiện: rối loạn tiêu hóa gây nên các hiện tượng bất thường trong thói quen đại tiện như thay đổi về số lần đại tiện, táo bón hoặc tiêu chảy kèm theo đau bụng từng cơn… Các triệu chứng này sẽ ngày một rõ ràng hơn khi bệnh phát triển nặng.
- Đau bụng: biểu hiện và mức độ của đau bụng có thể khác nhau tùy theo từng bệnh nhân. Người bệnh có thể đau nhẹ kèo dài hoặc đau quặn từng cơn, thường là đau phần bụng dưới bên trái, cũng có trường hợp đau ở nhiều vị trí khác nhau hoặc đau toàn bụng.
- Đầy hơi: là một trong những biểu hiện rối loạn tiêu hóa. Người bệnh thường có triệu chứng căng bụng, ợ hơi hoặc đánh hơi liên tục. Thông thường bụng nhỏ vào buổi sáng và to dần lên trong ngày. Một số trường hợp có thể có những triệu chứng của bệnh đau dạ dày như ợ chua, đắng hoặc hôi miệng…
- Nôn mửa: là triệu chứng thường gặp của các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa. Khi nôn mửa cơ thể bị mất nước gây mệt mỏi, khó chịu.
Đầy hơi, khó tiêu là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa
Đa số các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa thường giống với một số bệnh nguy hiểm khác như ung thư đường ruột, bệnh nhiễm khuẩn, viêm đại tràng, bệnh liên quan đến tuyến giáp trạng, viêm tụy tạng mạn tính… Do đó, khi thấy có một trong các biểu hiện trên, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cách đối phó với hiện tượng rối loạn tiêu hóa:
- Thay đổi cách thức ăn uống: cần đảm bảo vệ sinh trong vấn đề ăn uống, không ăn những thức ăn có thể gây đầy hơi như hành tây, tỏi, đậu, cần tây, bắp cải, mận, chuối, nho khô, rau húng quế… Hạn chế uống cà phê, sữa, nước ngọt, kẹo cao su hoặc các thức ăn chứa nhiều đường fructose (như mật ong và một số trái cây). Nên ăn nhiều rau, uống nhiều nước, nhất là đối với bệnh nhân có khuynh hướng táo bón.
Điều chỉnh chế độ ăn uống để cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa.
- Tập thể dục đều đặn: có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa và trao đổi chất, giúp tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn và giúp nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, phòng tránh nhiều bệnh lý nguy hiểm.
- Dùng thuốc: người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc để ổn định chức năng tiêu hóa, giúp thuyên giảm triệu chứng tiêu chảy hay táo bón… Tuy nhiên việc uống thuốc cần có chỉ định của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc để tránh bệnh phát triển nghiêm trọng hơn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp