Cách trị loét dạ dày tại nhà bằng nghệ rất được phổ biến nhờ những ưu điểm là dễ thực hiện, độ lành tính cao, chi phí thấp. Tuy nhiên, việc điều trị này cần được áp dụng đúng thời điểm và tiến hành đúng cách.
Viêm loét dạ dày là bệnh lý đường tiêu hóa thường xuyên gặp phải ở đa dạng các đối tượng. Bệnh xảy ra khi các lớp bảo vệ thành niêm mạc bị bào mòn dẫn tới việc hình thành nên các tổn thương ở dạng viêm loét.
Bệnh loét dạ dày đi từ giai đoạn đầu cấp tính đến giai đoạn mạn tính, cụ thể như sau:
– Ở giai đoạn loét cấp tính: Đây là thời điểm nhận biết sớm về bệnh vì các dấu hiệu loét cấp tính khá rầm rộ và rõ ràng như: cơn đau bụng vùng thượng vị dữ dội, bị chán ăn, bỏ bữa, cảm giác buồn nôn hoặc nôn. Người bệnh cần kịp thời phát hiện và xử lý ngay thì các tổn thương sẽ được tự lành một cách dễ dàng và nhanh chóng.
– Ở giai đoạn loét mạn tính: Các tổn thương dần ổn định, lan rộng hoặc ăn sâu theo thời gian. Các dấu hiệu nhận biết sẽ không còn rầm rộ nữa, đôi khi chỉ là cảm giác đau bụng hay một số biểu hiện của rối loạn tiêu hóa cũng là triệu chứng của viêm loét mạn. Bệnh càng để lâu thì việc điều trị càng khó khăn hơn nhất là các trường hợp xảy ra biến chứng nặng còn có thể phải phẫu thuật cắt đi dạ dày.
Như đã phân tích ở trên, giai đoạn viêm loét dạ dày cấp tính là lúc tổn thương mới hình thành, tổn thương còn nông và mức độ bệnh chưa nghiêm trọng. Đây được coi là thời điểm “vàng” trong điều trị viêm loét.
Chính vì vậy, việc điều trị bằng nghệ sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất trong giai đoạn này. Người bệnh thực hiện thăm khám với bác sĩ chuyên khoa, nhận chỉ định điều trị và lắng nghe hướng dẫn về cách kết hợp sử dụng nghệ sao cho hợp lý và mang lại hiệu quả tốt nhất.
Các tinh chất có trong nghệ tươi nổi tiếng mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khoẻ chung bao gồm curcuminoid, tinh chất dầu nghệ, tinh chất bột nghệ, protein, các hợp chất vô cơ, hợp chất vi lượng, chất xơ,…
Trong đó, thành phần được coi quý nhất của nghệ chính là hàm lượng lớn curcumin (2-7%). Chất này có tác dụng chống oxy hóa cao, chống viêm tốt, có khả năng giải độc gan và giúp kích thích tiết mật.
Do vậy, nghệ rất hiệu quả trong quá trình điều trị các bệnh tiêu hóa nói chung nhất là các bệnh dạ dày. Nghệ giúp thuyên giảm các triệu chứng đau bụng, cảm giác bị ứ trệ, khó tiêu đồng thời giúp tăng cường lớp màng bảo vệ và làm lành ổ viêm loét.
Nghệ bao gồm nghệ đen và nghệ vàng. Cả 2 loại nghệ này đều có tác dụng tốt trong điều trị bệnh loét dạ dày song nghệ đen có thành phần hoạt tính cực mạnh nên sẽ không được khuyến khích sử dụng nhiều. Để chữa bệnh dạ dày, người bệnh nên sử dụng loại nghệ vàng vì tính lành tính cao cùng hiệu quả điều trị tốt.
Người bệnh viêm loét dạ dày có thể sử dụng trực tiếp nghệ tươi hoặc dưới dạng tinh bột nghệ pha cùng với nước nóng và uống đều đặn mỗi ngày 1-2 lần sau khi ăn sẽ giúp giảm đau, kích thích tiêu hóa tốt hơn.
Người bệnh có thể kết hợp cùng với mật ong để nâng cao hiệu quả. Hãy chia hỗn hợp nghệ mật ong thành những viên nhỏ bằng hạt đậu xanh và cho vào lọ thủy tinh, đậy kín nắp rồi sử dụng dần. Bạn có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, mỗi ngày dùng khoảng 2 – 3 viên sẽ hỗ trợ điều trị tốt các bệnh đường tiêu hóa.
– Tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng nghệ kết hợp cùng với thuốc Tây để tránh việc ảnh hưởng xấu đến máu.
– Đối với những người trước hoặc sau khi phẫu thuật thì không nên sử dụng nghệ đen. Chúng gây ra chứng phá huyết, chống lại hoặc làm chậm lại quá trình đông máu.
– Khi sử dụng nghệ để chữa bệnh dạ dày, đặc biệt là khi kết hợp cùng mật ong thì người bệnh không nên ăn thêm các loại hoa quả có nhiều chất xơ và các đồ ăn nhiều dầu mỡ, chất kích thích. Nguyên nhân là người bệnh sẽ dễ bị tiêu chảy, niêm mạc dạ dày dễ bị kích ứng.
– Phụ nữ mang thai đặc biệt cần hạn chế, thậm chí là không nên sử dụng các bài thuốc có nghệ.
Như vậy, các cách trị loét dạ dày tại nhà bằng nghệ có những lợi thế và ưu điểm nhất định song người bệnh cần lưu ý về thời điểm áp dụng, hướng dẫn sử dụng đúng cách. Trên hết, người bệnh cần thực hiện thăm khám và tuân thủ theo các chỉ định bác sĩ đưa ra để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh