Trong chẩn đoán gan to, đầu tiên bác sĩ sẽ tiến hành xác định gan to qua kiểm tra bụng khi khám lâm sàng. Để khẳng định chẩn đoán, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm khác bao gồm:
– Các xét nghiệm máu: giúp kiểm tra nồng độ men gan, qua đó bác sĩ có thể xác định tình trạng của gan. Xét nghiệm máu cũng có thể xác định những loại vi rút có thể khiến gan to, chẳng hạn như vi rút viêm gan.
– Xét nghiệm chẩn đoán bằng hình ảnh: chụp cắt lớp vi tính (CT), siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).
– Chụp độ đàn hồi cộng hưởng từ (MRE): với xét nghiệm này độ mềm cứng của các cơ quan nội tạng, cơ và tổ chức được thể hiện bằng màu sắc trên hình ảnh. Đây là xét nghiệm không xâm lấn và có thể thay thế cho sinh thiết gan.
– Sinh thiết gan: trong xét nghiệm này bác sĩ sẽ lấy ra một mẫu nhỏ từ gan để phân tích trong phòng thí nghiệm.
Trên đây là các xét nghiệm được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán gan to, tùy thuộc vào tình trạng thực tế của người bệnh, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp thích hợp nhất.
Điều trị gan to liên quan tới việc chẩn đoán và điều trị nguyên nhân gây ra tình trạng gan to.
Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa gan to là làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về gan. Sau đây là một số lời khuyên giúp phòng chống các bệnh về gan có thể gây ra tình trạng gan to:
– Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh: ăn nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc.
– Hạn chế uống rượu
Hạn chế tiếp xúc với hóa chất
– Thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ khi sử dụng thuốc, các loại vitamin bổ sung.
– Duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
– Bỏ hút thuốc
– Sử dụng các chất bổ sung một cách thận trọng. Tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ về những lợi ích và rủi ro trước khi sử dụng các chất bổ sung từ thảo dược.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh