Vì sao kháng sinh có thể gây tiêu chảy?
Trong hệ tiêu hóa luôn tồn tại nhiều thể vi khuẩn, trong đó có thể phân thành 2 nhóm đó là vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại, chúng tồn tại song song với nhau. Nếu nhóm vi khuẩn có lợi nếu phát triển mạnh và đầy đủ sẽ kiềm chế không cho nhóm vi khuẩn có hại phát triển gây bệnh.
Tuy nhiên, nếu dùng kháng sinh kéo dài, sẽ gây ảnh hưởng tới 1 số chủng vi khuẩn lợi, các vi khuẩn có hại lại ít bị ảnh hưởng hơn do nhiều chủng trong số chúng có khả năng kháng kháng sinh mạnh. Điều này dẫn tới sự mất cân bằng giữa các nhóm kháng sinh trong cơ thể, nhóm vi khuẩn có hại phát triển trong đường tiêu hóa, tiết ra độc tố gây tổn thương niêm mạc ruột, kích hoạt quá trình viêm nhiễm, phù nề, xuất tiết, đau bụng, bụng trướng nhẹ, tiêu chảy nhiều lần, phân lỏng.
Tiêu chảy do kháng sinh có nguy hiểm không?
Nếu tình trạng tiêu chảy do kháng sinh kéo dài, có thể gây viêm loét đường ruột, đây cũng có thể là nguyên nhân của hội chứng phình đại tràng nhiễm độc nguyên nhân do liệt, viêm nhiễm đại tràng, ứ đọng các chất độc trong đại tràng, đau bụng, sốt, thủng vỡ đại tràng.
Ðiều trị tiêu chảy do kháng sinh như thế nào?
Đối với những trường hợp tiêu chảy do kháng sinh nhẹ, các triệu chứng thường tự khỏi sau vài ngày tới 2 tuần sau khi kết thúc phác đồ kháng sinh.
Đối với những trường hợp tiêu chảy nặng, cần phải dừng ngay loại kháng sinh có liên quan đến tiêu chảy. Đồng thời, cần bù đủ nước, điện giải. Cấy phân, cấy máu để xác định chủng vi khuẩn gây bệnh.
Ngăn ngừa tiêu chảy do kháng sinh như thế nào?
Để phòng ngừa tiêu chảy do kháng sinh hoặc giảm mức độ nặng của bệnh cần lưu ý:
Chỉ dùng kháng sinh khi thật cần thiết và có chỉ định của bác sĩ. Đảm bảo dùng thuốc đúng theo đơn, không tang liều, không tự ý dùng thuốc chống tiêu chảy.
Kháng sinh không có tác dụng trong cảm cúm hay nhiễn lạnh.
Người bệnh bị tiêu chảy do dùng kháng sinh, cần thay đổi chế độ ăn, nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, lựa chọn thực phẩm mềm, thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như gạo, khoai tây, sữa chua và chuối.
Hạn chế ăn chất xơ và các chất lên men mạnh hay những loại gia vị gây kích thích đường tiêu hóa như ớt, hạt tiêu…
Bổ sung nước, tránh uống nước ngọt có gas, bia rượu, cà phê, bởi chúng có thể khiến triệu chứng nặng hơn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh