✴️ Nhiễm khuẩn tiêu hóa là gì? Nguyên nhân và triệu chứng

Nhiễm khuẩn tiêu hóa là gì?”, bệnh có ảnh hướng xấu tới sức khỏe hay không,…Là câu hỏi mà rất nhiều người thắc mắc. Với thói quen ăn uống, sinh hoạt chưa thực sự lành mạnh, điều độ, bạn có thể gặp một số vấn đề liên quan tới tiêu hóa, đặc biệt là nhiễm khuẩn tiêu hóa. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn thông tin xung quanh bệnh này qua bài viết sau đây.

 

1. Nhiễm khuẩn tiêu hóa là gì?

Nhiễm khuẩn tiêu hóa (còn có thể gọi là tiêu chảy nhiễm trùng đường ruột) là một bệnh khá phổ biến và xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Biểu hiện thường gặp của bệnh này là tiêu chảy cấp tính từng cơn dạng phân nước hoặc nhày nhớt liên lục trong một vài ngày. Cũng có trường hợp có những biểu hiện như triệu chứng của kiết lỵ.

Các triệu chứng bệnh nhiễm khuẩn tiêu hóa không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên bạn cũng không nên coi thường, bỏ qua việc theo dõi, điều trị. Nếu bệnh diễn biến phức tạp hơn sẽ dẫn tới nhiều hệ quả nặng hơn. Tùy vào nguyên nhân gây nhiễm trùng, tình trạng bệnh sẽ phát triển ở những mức độ khác nhau.

 Nhiễm khuẩn tiêu hóa là tình trạng nhiễm trùng đường ruột

 

2. Triệu chứng thường gặp khi nhiễm khuẩn tiêu hóa là gì?

2.1 Đau bụng

Đa số triệu chứng đầu tiên mà người bệnh nhiễm khuẩn tiêu hóa gặp phải là đau bụng. Đặc điểm là co thắt ở vùng bụng và đau thành từng cơn. Tình trạng này cứ sau 3 – 5 phút thì người bệnh lại cảm nhận được cơn, đau diễn ra liên tục. Triệu chứng này làm bệnh nhân sẽ có cảm giác vô cùng khó chịu, mệt mỏi và không thể sinh hoạt.

2.2 Tiêu chảy

Khi bị nhiễm khuẩn tiêu hóa thì không thể tránh khỏi hiện tượng tiêu chảy. Đây là một trong những dấu hiệu điển hình của bệnh tiêu hóa. Bởi vì khi nhiễm khuẩn thì các tác nhân gây bệnh sẽ hoạt động khiến bệnh nhân đi đại tiện rất nhiều lần trong ngày. Điều này ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, làm việc và hoạt động của bạn hàng ngày.

2.3 Ăn uống không ngon miệng

Các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy,… dẫn đến tình trạng người bệnh cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, càng ăn càng khó chịu. Hiện tượng này kéo dài sẽ dẫn đến cân nặng có thể giảm sút rõ rệt.

Ngoài ra người bệnh có thể mắc bệnh trầm cảm hoặc rối loạn giấc ngủ. Một số kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc cơ thể thiếu lợi khuẩn sẽ khiến chúng ta thường xuyên vào trạng thái căng thẳng, trầm cảm, lo âu. Tình trạng này dần dần sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần cũng như chất lượng giấc ngủ.

 

3. Nguyên nhân gây bệnh nhiễm khuẩn tiêu hóa

3.1 Tác nhân gây nhiễm khuẩn tiêu hóa là gì?

Các tác nhân chính dẫn tới bệnh này là các vi sinh vật có hại. Ngoài ra, còn có khả năng xuất hiện từ các yếu tố như:

– Nước bị ô nhiễm: Khi tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn tiêu hóa. Vậy nên bạn cần để ý hơn trong việc sử dụng nước và chú ý đến nguồn nước. Nên uống nước đã đun sôi hoặc đã được tiệt trùng kỹ.

– Vệ sinh kém: Vệ sinh khi ăn cũng có thể gây lây lan vi khuẩn gây nhiễm trùng đường ruột. Trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh bạn cần rửa tay sạch để tránh vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

3.2 Nguồn gây bệnh nhiễm khuẩn tiêu hóa là gì?

Ở trên đã nhắc đến nguyên nhân chính là các loại sinh vật, tồn tại và phát triển ở rất nhiều nơi. Một trong số đó thì sự có mặt trong thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn là nhiều nhất. Hiện nay, nguồn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc ngày một nhiều trên thị trường. Tỉ lệ có có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường ruột cực kỳ cao. Vì vậy, khi sử dụng bất kì thực phẩm nào cũng cần lựa chọn thật kỹ, cẩn thận.

Ngoài ra, vi khuẩn làm nhiễm trùng đường ruột còn có nhiều ở một số loại thịt, cá. Đặc biệt nó còn xuất hiện với hàm lượng độc tố và thủy ngân tương đối cao. Điển hình các món ăn đóng hộp là một trong các môi trường thuận lợi để chúng sinh sản và phát triển.

Hiện nay, thói quen của nhiều người là ăn rau sống mà chưa vệ sinh sạch sẽ. Các nghiên cứu cho thấy đây là nơi vi khuẩn E.coli xuất hiện nhiều, chúng là một trong những nguyên do gây bệnh. Ngoài ra, việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh, sử dụng nước ô nhiễm, không đun sôi hoặc không vệ sinh tay chân sạch sẽ cũng là một trong các nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc bệnh tăng cao.

3.3 Những đối tượng dễ bị nhiễm khuẩn tiêu hóa

Tình trạng nhiễm khuẩn tiêu hóa (nhiễm trùng đường ruột) có thể đến với bất kỳ ai. Theo các số liệu thống kê, tỷ lệ mắc bệnh của người dân ở các quốc gia đang và chậm phát triển khá cao. Nguyên nhân có lẽ là do chất lượng cuộc sống của họ còn thấp và chưa được quan tâm. Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ em, người cao tuổi hoặc những người có hệ miễn dịch yếu. Vậy nên cần quan tâm, chăm sóc những đối tượng này nhiều hơn để giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm khuẩn.

 

4. Điều trị hiệu quả

Khi có các biểu hiện của việc nhiễm khuẩn tiêu hóa thì cần đến các bệnh viện để được kiểm tra và điều trị một cách khoa học, hiệu quả nhất. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh là loại vi khuẩn nào, bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng các loại thuốc tương ứng. Nếu nguyên nhân là do ký sinh trùng gây nên, thì có thể dùng các liều thuốc chống ký sinh trùng. Việc sử dụng thuốc nên được sự hướng dẫn từ các bác sĩ.

Khi mất quá nhiều nước trong quá trình tiêu chảy, nôn mửa và sốt thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều. Để bù cho lượng chất lỏng và điện giải mất trong quá trình tiêu chảy, bạn nên ăn súp hoặc cháo, uống nước hoa quả không đường. Đây là những cách lấy lại lượng điện giải cần thiết nhanh nhất. Bệnh tiêu chảy do virus không cần điều trị, tuy nhiên ở những người có hệ miễn dịch, sức đề kháng kém, bác sĩ thường sẽ để bệnh nhân uống thuốc kháng sinh để viêm nhiễm được kiểm soát.

Lưu ý: Khi nghi ngờ nhiễm khuẩn tiêu hóa bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt để được điều trị cụ thể. Người bệnh không tự ý mua thuốc tránh biến chứng nguy hiểm.

 

5. Phòng tránh nhiễm khuẩn tiêu hóa lây lan

Nhiễm khuẩn tiêu hóa dễ lây lan, vi khuẩn có thể lây từ người này qua người kia từ nhiều nguyên nhân như nguồn nước, thực phẩm bẩn, người nhiễm bệnh dùng tay nấu ăn cho người khác, chơi với thú cưng, qua đường phân.. Vậy nên cách phòng tránh đó là thực hiện tốt theo các lưu ý sau:

– Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh

– Ăn chín thức ăn, uống sôi và cần rửa thực phẩm sạch trước khi dùng. Tránh ăn thực phẩm sống để hạn chế nạp vi khuẩn gây bệnh vào người.

– Giữ nhà bếp và các công cụ trong nhà bếp sạch sẽ đặc biệt là sau khi sử dụng chúng để cắt thịt sống, các loại thịt gia cầm. Không nên sử dụng lại các thực phẩm đã dùng và để ngoài không khí.

– Vật nuôi, thú cưng cũng là một trong những nguồn truyền nhiễm virus. Vậy nên trong bữa ăn đừng cho chúng lại gần để đảm bảo vệ sinh và cần rửa tay sau mỗi lần tiếp xúc cùng động vật.

Hy vọng qua bài viết bạn đọc đã có thêm kiến thức về nhiễm khuẩn đường tiêu hóa là gì, nguyên nhân triệu chứng và cách xử trí. Nhiễm khuẩn ảnh hưởng nhiều đến hoạt động, sinh hoạt nhưng nó chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Uống đủ nước, làm theo hướng dẫn của bác sĩ thì sẽ sớm khỏe lên. Chúc bạn bảo vệ được sức khỏe bản thân và người thân thật tốt!

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top