✴️ Những điều ai cũng nên biết về bệnh nhiễm trùng đường ruột

Nội dung

1. Nhiễm trùng đường ruột là bệnh gì, tác nhân do đâu?

Bệnh nhiễm trùng đường ruột do nhiều loại vi nấm, vi khuẩn và ký sinh trùng gây ra

Nhiễm trùng đường ruột (nhiễm khuẩn đường ruột) là bệnh đường tiêu hóa xảy ra do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng với đặc trưng là tình trạng đau quặn bụng kèm theo tiêu chảy ra nước, nôn mửa và có thể sốt. 

Các tác nhân gây ra bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa gồm:

- Vi khuẩn:

+ E-coli: có một số chủng e-coli tiết ra độc tố sinh ra tình trạng nôn, đau bụng, tiêu chảy ra máu. Vi khuẩn này chủ yếu lây qua nguồn nước bị ô nhiễm hay thực phẩm có tiếp xúc với phân động vật. Ngoài ra, tiếp xúc giữa người với người cũng có thể lây bệnh.

+ Salmonella: nguyên nhân dẫn đến nhiễm loại khuẩn này chủ yếu do ăn thực phẩm chưa được nấu chín kỹ. Mặt khác, sau khi đi vệ sinh nếu rửa tay không sạch hay chạm vào động vật bị nhiễm Salmonella cũng có thể bị nhiễm trùng đường ruột.

- Virus:

+ Norovirus: đây là loại virus thường có ở thực phẩm bị ô nhiễm nhưng nó cũng có khả năng lây từ người sang người.

+ Rota virus: đối với trẻ em, virus rota chính là tác nhân hàng đầu dẫn đến nhiễm khuẩn đường ruột. Trẻ dễ mắc bệnh khi chạm vào đồ vật chứa virus rồi cho tay vào miệng.

- Ký sinh trùng:

+ Giardia: trẻ dưới 5 tuổi dễ bị nhiễm Giardia.

+ Cryptosporidium: đây là loại ký sinh trùng có khả năng gây ảnh hưởng tới cả hệ hô hấp và đường ruột, khiến cho hệ miễn dịch suy yếu nên tiêu chảy kéo dài.

Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng nguy cơ cao đối với:

- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh.

- Người cao tuổi vì hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch suy yếu nên khi bị vi nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng tấn công chúng rất dễ bị tổn thương.

- Người sống ở môi trường có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

 

2. Triệu chứng nhận diện nhiễm khuẩn đường ruột và biện pháp xử lý

2.1. Các triệu chứng thường thấy ở người nhiễm khuẩn đường ruột

Khi bị nhiễm trùng đường ruột người bệnh thường có triệu chứng:

Tiêu chảy nhiều lần trong ngày, buồn nôn, nhức đầu là những triệu chứng thường thấy ở người bị nhiễm khuẩn đường ruột

- Chán ăn, mệt mỏi.

- Buồn nôn.

- Đau bụng, co thắt bụng.

- Có triệu chứng ruột kích thích.

- Bị tiêu chảy ra nước hoặc có chất nhầy.

- Ho, sổ mũi, xoang mũi bị nhiễm trùng.

- Rối loạn giấc ngủ

- Đau nhức đầu.

- Bỏng da.

2.2. Cách xử trí với bệnh nhiễm trùng đường ruột

Khi có những triệu chứng cảnh báo nhiễm trùng đường ruột như đã nói ở trên hoặc nghi ngờ mình đang mắc bệnh này tốt nhất người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám, làm những kiểm tra cần thiết để chẩn đoán đúng bệnh từ đó tìm ra phương án xử trí hiệu quả nhất. 

Khi tiến hành thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về những triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải, kiểm tra dấu hiệu nhiễm khuẩn đang xảy ra và yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm, điển hình nhất là xét nghiệm phân để tìm sự có mặt của tác nhân gây bệnh.

Hầu hết các trường hợp bị nhiễm trùng đường ruột đều có khả năng tự hồi phục mà không cần điều trị. Nếu bệnh nhân bị tiêu chảy kèm theo các dấu hiệu bệnh có chiều hướng trở nặng hay kéo dài nhiều ngày thì nên trao đổi với bác sĩ để có hướng khắc phục tối ưu.

Bằng việc duy trì chế độ ăn và sinh hoạt bình thường kèm theo bổ sung nước, điện giải, có thể giúp điều trị triệu chứng bệnh nhiễm trùng đường ruột ngay tại nhà. Nếu đối tượng mắc bệnh là trẻ em thì cần có một chế độ chăm sóc đặc biệt theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngay cả khi trong giai đoạn hồi phục, người bệnh vẫn phải uống nhiều nước để tránh tình trạng cơ thể bị mất nước. 

Thực tế cho thấy có rất nhiều người khi bị nhiễm khuẩn tiêu hóa đều dùng thuốc chống tiêu chảy. Bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo đây là một việc không nên làm bởi nó có thể tạo điều kiện cho tác nhân gây bệnh nằm lâu hơn trong đường ruột.

Trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng, nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện để dùng kháng sinh, truyền dịch tĩnh mạch hoặc áp dụng phương pháp điều trị khác phù hợp. Đa phần những bệnh nhân này sẽ trở nên tốt hơn trong khoảng vài ngày đến một tuần trước dạ dày và hệ thống đường ruột được hồi phục hoàn toàn.

Những triệu chứng nhiễm trùng đường ruột kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến thể trạng và hệ tiêu hóa của người bệnh. Do đó, xác định được nguồn lây bệnh là cách tốt nhất để chủ động ngăn ngừa không tạo cơ hội cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Để bệnh nhiễm trùng đường ruột không diễn tiến xấu, trong quá trình điều trị, người bệnh cần:

- Lựa chọn thực phẩm sao cho kỹ càng, trong đó, ưu tiên chọn ăn những thực phẩm tươi sạch.

- Luôn thực hiện ăn chín, uống sôi.

- Một số loại thịt cá có hàm lượng thủy ngân và độc tố cao rất dễ trở thành nơi ẩn náu của vi khuẩn gây bệnh nên tốt nhất trong giai đoạn mắc nhiễm khuẩn đường ruột không nên ăn cá biển.

- Không ăn đồ ăn đóng hộp bởi nó là môi trường thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh có điều kiện sinh sôi và phát triển.

- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước và sau mỗi bữa ăn.

- Bổ sung men vi sinh đường ruột hoặc lợi khuẩn để giúp tăng cường sức khỏe của hệ tiêu hóa.

Về cơ bản, bệnh nhiễm trùng đường ruột rất dễ xảy ra nhưng cũng rất dễ phòng ngừa bằng chính thói quen tốt hàng ngày của mỗi người.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top