✴️Những nhóm thuốc viêm loét dạ dày tá tràng thường được sử dụng

Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng bằng thuốc cho hiệu quả tốt với hầu hết các ca bệnh. Hãy cùng tìm hiểu về những nhóm thuốc viêm loét dạ dày tá tràng thường được sử dụng cũng như những lưu ý trong việc sử dụng thuốc đúng cách.

 

1. Khi nào có thể thực hiện điều trị loét dạ dày tá tràng bằng thuốc?

Điều trị bằng thuốc được chỉ định trong các trường hợp viêm loét dạ dày nhẹ và chưa gây ra các biến chứng nguy hiểm. Thuốc có tác dụng hỗ trợ làm lành các ổ viêm loét, tiêu diệt vi khuẩn HP (đây là nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày), trung hòa axit dạ dày nhằm hạn chế hình thành tổn thương mới và tạo lớp màng bảo vệ thành niêm mạc dạ dày,…

Người bệnh chỉ thực hiện điều trị bằng thuốc khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Không được tự ý bắt bệnh kê đơn tại nhà hay sử dụng các đơn thuốc của người khác. Người bệnh cần chủ động thăm khám để được lên phác đồ thuốc điều trị tương ứng và đạt hiệu quả tốt nhất.

Điều trị viêm loét dạ dày bằng thuốc được thực hiện trong các trường hợp bệnh nhẹ và chưa gây ra các biến chứng nguy hiểm.

 

2. Những nhóm thuốc viêm loét dạ dày tá tràng được chỉ định

2.1. Thuốc viêm loét dạ dày tá tràng tiêu diệt vi khuẩn HP

Trường hợp người bệnh viêm loét dạ dày được chẩn đoán dương tính vi khuẩn H. pylori, bác sĩ sẽ chỉ định một liệu trình kháng sinh đặc hiệu phối hợp với các nhóm thuốc khác để tiệt trừ vi khuẩn này bởi đây chính là nguyên nhân gây viêm loét.

Hầu hết các ca bệnh, nhằm tăng tỉ lệ thành công, liệu trình tiệt trừ HP đều cần từ 2 loại kháng sinh trở lên. Việc sử dụng kháng sinh đặc biệt cần phải tuân thủ đúng chỉ dẫn và yêu cầu của bác sĩ điều trị để tránh tình trạng kháng thuốc.

2.2. Thuốc kháng tiết axit dạ dày

Thuốc kháng tiết axit dạ dày bao gồm 2 nhóm chính là thuốc giúp ức chế thụ thể histamin H2 (H2RA) và thuốc ức chế bơm proton (PPI). Tuy cơ chế hoạt động là khác nhau nhưng cả 2 nhóm thuốc trên đều giúp giảm sản sinh lượng axit dạ dày, từ đó giảm nhanh các triệu chứng đau, nóng rát, khó chịu ở dạ dày và giúp hỗ trợ làm lành vết loét.

2.3. Thuốc viêm loét dạ dày tá tràng trung hòa axit dạ dày

Việc trung hòa axit dạ dày sẽ giúp giảm triệu chứng đau rát tức thì ở dạ dày. Đồng nghĩa với việc, nhóm thuốc này chỉ mang tác dụng tạm thời chứ không giúp điều trị căn nguyên bệnh. Vì vậy, người bệnh không nên sử dụng lâu dài, khi sử dụng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ vì việc lạm dụng thuốc có thể khiến người bệnh bỏ qua các triệu chứng và làm bệnh diễn tiến âm thầm mất kiểm soát.

2.4. Thuốc bao phủ ổ viêm loét giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày

Cơ chế hoạt động của nhóm thuốc này khi đi vào cơ thể sẽ tạo phức hợp liên kết với các protein điện tích dương (+) có trong dịch tiết tạo thành loại hợp chất nhầy bao phủ quanh ổ viêm loét và bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nhờ vậy, thuốc có tác dụng ngăn ngừa tổn thương niêm mạc và hạn chế sự lan rộng thêm ở các ổ viêm loét.

 

3. Những lưu ý cần thực hiện trong điều trị bệnh bằng thuốc

Khi thực hiện điều trị loét dạ dày bằng thuốc người bệnh cần lưu ý những yêu cầu sau đây để mang lại hiệu quả điều trị là tốt nhất:

– Dùng thuốc theo chỉ định và duy trì đầy đủ liệu trình. Không ngừng thuốc giữa chừng hoặc quên liều, bỏ liều nhất là các thuốc kháng sinh. Điều này có thể làm giảm hiệu quả dẫn đến điều trị thất bại hoặc bệnh tái đi tái lại.

– Khi sử dụng thuốc điều trị viêm loét dạ dày cần dừng một số loại thuốc khác đặc biệt là các nhóm thuốc kháng sinh, giảm viêm, giảm đau. Hãy nói cho bác sĩ về các loại thuốc/thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng để được hướng dẫn đúng cách.

– Chú ý theo dõi diễn tiến của bệnh trong thời gian uống thuốc, điển hình là các tác dụng phụ có thể gặp phải. Trong trường hợp gặp phải các triệu chứng khác thường cần thông báo ngay với bác sĩ điều trị như đau quặn bụng, nôn mửa, nôn máu, đi ngoài ra phân đen, yếu mệt,…

– Thực hiện thăm khám theo lịch đã hẹn với bác sĩ để đánh giá đúng hiệu quả của thuốc cũng như nhanh chóng thực hiện các điều chỉnh phù hợp.

– Duy trì chế độ ăn đủ chất, đủ dinh dưỡng, giàu chất xơ, dễ tiêu hóa. Hạn chế đồ ăn cay nóng, chua, khó tiêu.

– Điều chỉnh lối sống nề nếp, làm việc nghỉ ngơi điều độ, không thức khuya, vận động đều đặn đúng cường độ.

 

4. Kết luận

Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng bằng thuốc mang lại nhiều ưu điểm như thực hiện dễ dàng, tiện lợi, hiệu quả tốt, tiết kiệm chi phí.

Điều quan trọng là người bệnh cần chủ động thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được lên phác đồ thuốc viêm loét dạ dày tá tràng phù hợp. Thực hiện đúng cách, đúng chỉ định để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top