Tiêu chảy cấp là gì?
Tiêu chảy cấp là hiện tượng đại tiên phân lỏng không thành khuôn nhiều hơn 3 lần một ngày, phân có thể có hình dạng của vật chứa, có dính đàm hoặc máu.
- Tiêu chảy cấp: Thời gian tiêu chảy ít hơn hoặc bằng 14 ngày.
- Tiêu chảy kéo dài: Tiêu chảy xuất hiện từ 14 ngày trở lên.
- Tiêu chảy mạn: Kéo dài trên 30 ngày
Những biểu hiện của tiêu chảy cấp
- Biểu hiện mất nước: Khát nước, háo nước, môi khô, mắt trũng, dấu véo da / CRT trở về chậm…
- Nôn và buồn nôn nhiều
- Mạch nhanh
- Hạ huyết áp
- Liệt ruột cơ năng gây bụng chướng và hạ kali máu do tiêu chảy cấp quá nhiều .
- Sốt nhẹ hoặc sốt cao
- Viêm long hô hấp hoặc hồng ban do rotavirus.
- Mùi phân tanh
- Đau bụng quặn từng cơn…
Tiêu chảy cấp xảy ra phổ biến nhất trong mùa hè.
Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy
Nguyên nhân gây tiêu chảy chủ yếu là do ăn phải những loại thức ăn, nước uống không thích hợp, có khả năng dinh dưỡng không tốt hoặc đã bị nhiễm khuẩn.
-Các loại virus, vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy gồm: Rotavirus, trực khuẩn E.coli, trực khuẩn lỵ, shigella, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn thương hàn.
Bên cạnh đó, các viêm nhiễm như viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm phổi sau khi bị mắc bệnh sởi hay ho gà cũng là nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp.
Hầu hết các trường hợp tiêu chảy sẽ tự khỏi mà không cần một chế độ điều trị đặc biệt nào. Tuy nhiên, ở một số trường hợp tiêu chảy nặng gây mất nước nhiều hoặc kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, khi bị tiêu chảy, người bệnh nên đi khám để được đánh giá đúng về tình trạng tiêu chảy và được tư vấn điều trị sớm, đúng cách.
Phòng bệnh tiêu chảy cấp trong mùa hè
Để phòng bệnh tiêu chảy cấp trong mùa hè, cần lưu ý những điều dưới đây:
- Về chế độ dinh dưỡng: Nên có chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn thức ăn ôi thiu, để qua đêm; bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách, thực phẩm sống bọc kín trong túi nilon hoặc hộp nhựa để ngăn đá, thực phẩm chính và rau củ quả bảo quản tại ngăn mát tủ lạnh; không nên dự trữ quá nhiều thức ăn trong tủ lạnh; chế biến thức ăn đảm bảo đúng vệ sinh an toàn thực phẩm; đồ ăn thức uống cần được che đậy cẩn thận để tránh ruồi nhặng bâu vào…
- Dụng cụ chế biến thức ăn thức uống cần phải được vệ sinh sạch sẽ, tráng nước sôi trước và sau mỗi lần sử dụng.
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, đảm bảo không gian sống trong lành, thoáng mát.
- Sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt và vệ sinh cá nhân. Rửa tay trước khi ăn và sau mỗi lần đi vệ sinh
- Cần chú ý đến các biện pháp diệt côn trùng truyền bệnh, ngăn chặn ruồi nhặng bay vào bám đậu…
- Tiêm vắc xin phòng tiêu chảy cấp cho trẻ theo đúng quy định
- Thăm khám ngay khi có các dấu hiệu của tiêu chảy và các vấn đề đường tiêu hóa khác.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp