✴️ Polyp túi mật và nguy cơ ung thư hóa biểu mô túi mật

Đa số polyp túi mật có bản chất lành tính, nhưng một số trường hợp có thể tiến triển thành ác tính. Phát hiện sớm và quản lí tốt giúp ngăn chặn sự phát triển thành ung thư biểu mô túi mật. Triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng và đặc hiệu. Vì vậy đa số bệnh nhân thường phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kì hoặc vào viện vì những lí do của các bệnh lý khác.

Hình ảnh minh hoạ túi mật khi chưa bị polyp túi mật

 

1. Polyp túi mật là gì?

Đây là những tổn thương dạng u hoặc giả u nhô ra bên trong túi mật, phát triển trên bề mặt niêm mạc của túi mật. Polyp túi mật có nguy cơ ung thư hóa nhưng khả năng này theo nhiều nghiên cứu cho thấy rất hiếm. Khoảng 5% tiến triển ung thư hoá trong khi hơn 95% trường hợp còn lại là lành tính.

Polyp lành tính bao gồm: u giả (polyp cholesterol, viêm giả polyp…), u thật (u biểu mô: u tuyến, u trung mô: u sợi, u mỡ, u máu).

Polyp ác tính bao gồm ung thư biểu mô túi mật và ung thư tuyến.

 

2. Một số yếu tố nguy cơ hình thành polyp

Hội chứng đa polyp bẩm sinh: có thể kể đến hội chứng Peutz-Jeghers và hội chứng Gardner.

Suy giảm chức năng gan.

Rối loạn mỡ máu, béo phì, đái tháo đường.

Nhiễm virus viêm gan.

Tuổi > 60 tuổi.

Sỏi túi mật.

Bệnh viêm xơ chai đường mật nguyên phát.

 

3. Triệu chứng lâm sàng của bệnh

Khoảng 1/3 bệnh nhân không có triệu chứng hoặc vào viện với những triệu chứng rối loạn tiêu hóa không đặc hiệu và mơ hồ. Vì lí do đó, polyp thường được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân khám sức khoẻ định kỳ. Một số triệu chứng có thể gặp bao gồm:

Buồn nôn, nôn, khó tiêu.

Đau vùng hạ sườn phải do các mảnh cholesterol bị tách ra từ polyp gây tắc nghẽn túi mật.

Triệu chứng viêm túi mật cấp (hiếm gặp): sốt, vàng da, đau hạ sườn phải,… do khối polyp nhô ra gây tắc nghẽn.

 

4. Các phương tiện chẩn đoán hiện nay

4.1. Siêu âm ổ bụng:

Đây được xem là phương pháp chẩn đoán hình ảnh tốt nhất hiện có với mức chi phí thấp trong khi đó độ nhạy và độ đặc hiệu của nó khá cao. Đây thường là phương tiện chẩn đoán được thực hiện đầu tiên. Song rất khó phân biệt tính chất của polyp là lành tính hay ác tính nếu chỉ bằng siêu âm. Nhiều trường hợp siêu âm có thể nhầm lẫn polyp với sỏi túi mật.

Hình ảnh trên siêu âm của một trường hợp polyp túi mật

 

4.2. Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng (CT scan)

Có giá trị thấp hơn trong chẩn đoán polyp, đặc biệt là khi kích thước đường kính của polyp nhỏ < 10mm, nhưng nó thực sự hữu ích trong việc phát hiện ung thư biểu mô túi mật và di căn hạch.

4.3. Siêu âm nội soi

Có giá trị cao hơn so với siêu âm ổ bụng thông thường. Đây là một phương tiện chẩn đoán xâm lấn, đắt tiền và chưa được thực hiện một cách rộng rãi. Siêu âm nội soi cho các hình ảnh rõ ràng những tổn thương ở túi mật, giúp xác định xem liệu rằng tính chất của polyp có phải là ác tính hay không.

4.4. Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Trên thực tế ít được sử dụng rộng rãi để đánh giá các bệnh lý túi mật do nhược điểm độ phân giải và độ tương phản kém. Tuy nhiên, ở một chừng mực nào đó MRI cũng có giá trị trong việc giúp phân biệt tổn thương là lành tính hay ác tính.

Sự phát triển và ứng dụng rộng rãi của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh giúp cho chúng ta ngày càng phát hiện được nhiều trường hợp polyp túi mật hơn. Và thời điểm phát hiện cũng sớm hơn. Chính việc phát hiện sớm đã gia tăng tỉ lệ điều trị thành công bệnh lý này.

 

5. Polyp túi mật có thể tiến triển thành ung thư không?

Các yếu tố về tuổi tác, mắc bệnh đái tháo đường, kích thước của polyp, polyp đơn độc hay polyp gây ra triệu chứng là những yếu tố nguy cơ của một polyp ác tính, cụ thể:

Polyp túi mật ác tính phổ biến hơn ở những bệnh nhân > 50 tuổi.

Kích thước: yếu tố rất quan trọng, >1,5cm và đặc biệt là polyp túi mật không cuống đơn độc có hình ảnh giảm âm trên siêu âm cũng có nguy cơ ác tính.

Các polyp có kích thước < 1cm và không có triệu chứng cần được theo dõi định kì bằng siêu âm mỗi 6 tháng để phát hiện bất kỳ sự thay đổi nào.

 

6. Khi nào cần phẫu thuật?

6.1. Tùy vào tình trạng của từng người mà sẽ có những chỉ định phẫu thuật phù hợp:

Những bệnh nhân có polyp kích thước > 10mm hoặc có triệu chứng sẽ được xem xét để phẫu thuật cắt túi mật. Nếu polyp kích thước từ 10mm – 20mm: phẫu thuật cắt túi mật toàn bộ. Đặc biệt đối với polyp có kích thước > 18mm – 20mm cần được làm thêm các phương tiện chẩn đoán hình ảnh và siêu âm nội soi. Điều này giúp xác định xem có di căn chưa trước khi phẫu thuật cắt túi mật mở rộng. Kèm theo bóc hạch bạch huyết và cắt một phần gan trên túi mật.

Bệnh nhân có viêm xơ chai đường mật nguyên phát hoặc sỏi mật: bất kể kích thước của polyp đều sẽ được xem xét phẫu thuật. Vì tỷ lệ cao polyp biến đổi ác tính trên bệnh nhân có kèm những bệnh lý này.

Hiện nay, phương pháp điều trị polyp túi mật hiệu quả và triệt để là phẫu thuật cắt bỏ polyp.

6.2. Các trường hợp sau đây chỉ cần theo dõi bằng siêu âm bụng hoặc siêu âm nội soi

Cần lưu ý các tham khảo ý kiến của các bác sĩ. Đến các cơ sở y tế ngay khi có các bất thường nguy hiểm cần cấp cứu.

Kích thước polyp: polyp < 5mm thường là polyp cholesterol lành tính, theo dõi 6 đến 12 tháng một lần. Polyp từ 5mm đến < 10mm có thể là polyp cholesterol, u tuyến hoặc ung thư biểu mô: theo dõi mỗi 3 đến 6 tháng một lần. Nếu có nhiều nốt hoặc nhiều polyp xuất phát từ niêm mạc túi mật thường là polyp cholesterol. Những polyp đơn độc, không có cuống thì nhiều khả năng là u.

Bệnh nhân không đủ điều kiện hoặc sức khỏe để chịu đựng cuộc phẫu thuật như: tuổi cao, nhiều bệnh kèm về tim mạch, hô hấp….

Ngoài ra, những bệnh nhân có cholesterol cao có thể tăng nguy cơ phát triển polyp cholesterol. Vì vậy cần điều trị tình trạng tăng mỡ máu để tránh hình thành và phát triển polyp cholesterol.

Các biện pháp có thể thực hiện bao gồm:

Thay đổi chế độ ăn uống: ăn kiêng ít cholesterol, ưu tiên các loại hạt, ngũ cốc, cá,…

Tập thể dục 4-5 lần một tuần, mỗi lần khoảng 30 phút, đều đặn.

Điều trị bằng thuốc giảm mỡ máu.

Không hút thuốc lá, uống rượu bia…

 

7. Kết luận

Nhìn chung, đa số polyp có bản chất lành tính. Tuy nhiên, nếu chúng ta không quan tâm theo dõi, xử trí triệt để bệnh lý này ở giai đoạn sớm thì polyp sẽ có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Vì vậy, luôn quan tâm đến các dấu hiệu bất thường của bản thân và thực hiện khám sức khoẻ định kỳ sẽ giúp tránh được những nguy cơ ung thư tiềm tàng. Trong trường hợp được khuyến cáo cần phẫu thuật cắt bỏ túi mật, người bệnh nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để tránh những hậu quả đáng tiếc.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top