Rối loạn chức năng gan gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe vì vậy khi có dấu hiệu rối loạn chức năng gan, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám và điều trị kịp thời. Vậy, rối loạn chức năng gan làm sao để chữa trị?
Trước khi tìm hiểu về cách điều trị khi bị rối loạn chức năng gan, mời các bạn cùng tìm hiểu những thông tin khái quát nhất về căn bệnh này để hiểu hơn về nó.
1. Nguyên nhân gây rối loạn chức năng gan
Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn chức năng gan, có thể kể đến các nguyên nhân cơ bản như:
– Nguyên nhân thường gặp nhất là do lối sống và chế độ ăn uống không khoa học như: Ăn quá nhiều các chất béo, uống thuốc bừa bãi, uống rượu bia thường xuyên hay thực phẩm không an toàn, các chất phụ gia….
– Chế độ ăn uống quá nghèo nàn không cung cấp đủ các vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa.
Nguyên nhân gây rối loạn chức năng gan
– Do hút thuốc lá.
– Chế độ sinh hoạt không hợp lý như thức khuya, mất ngủ, làm việc quá sức.
– Người mắc các bệnh mạn tính như huyết áp, tim mạch, tiểu đường, rối loạn lipid, suy thận.
– Do dùng nhiều thuốc gây độc cho gan như một số kháng sinh họ macrolid, các statin…
– Do môi trường ôi nhiễm.
– Tuổi tác. Tuổi càng cao, chức năng gan càng dễ bị suy yếu.
2. Triệu chứng rối loạn chức năng gan
Gan bị rối loạn chức năng có các triệu chứng như:
– Rối loạn chuyển hóa chất béo: Nồng độ LDL – cholesterol (cholesterol “xấu”) tăng lên; nồng độ HDL- cholesterol (cholesterol “tốt”) giảm xuống; nồng độ Triglycerides (mỡ trong máu) tăng lên.
Tình trạng này có thể dẫn tới các vấn đề như tăng cân, không có khả năng giảm cân, trao đổi chất diễn ra chậm, chất béo tích tụ bất thường trong các khu vực khác của cơ thể. Triệu chứng cực đoan hơn bao gồm xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
– Hệ tiêu hóa có vấn đề: Chướng bụng, táo bón, hội chứng ruột kích thích và đau dạ dày.
Mẩn ngứa, mụn nhọt là triệu chứng rối loạn chức năng gan
– Kém hấp thu chất dinh dưỡng.
– Rối loạn chức năng gan có thể dẫn đến lượng đường không ổn định, tiền thân cho sự kháng insulin và bệnh tiểu đường tuýp 2.
– Khi thức ăn không chuyển hóa hiệu quả do một rối loạn chức năng gan, não không nhận được các chất dinh dưỡng thích hợp nó cần để hoạt động một cách chính xác. Kết quả là, não bị thiếu chất dinh dưỡng quan trọng. Các triệu chứng bao gồm “sương mù não”, trầm cảm, thiếu kiểm soát sự tức giận, kém tập trung, trí nhớ kém.
– Gan giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Do đó khi gan có vấn đề, hệ miễn dịch không thể xử lý các chất thải độc hại hiệu quả. Các triệu chứng của rối loạn chức năng gan trong trường hợp này là dị ứng, không dung nạp thức ăn, nhạy cảm với hóa chất, da phát ban hoặc bị viêm, tăng nguy cơ mắc các bệnh tự miễn dịch như hội chứng mệt mỏi mạn tính và xơ cơ.
– Rối loạn chức năng gan có thể dẫn đến nồng độ bất thường của estrogen và testosterone (nam / nữ hormone), với các triệu chứng mãn kinh nghiêm trọng và trước kinh nguyệt ở phụ nữ. Trong cả hai giới, nồng độ hormone không bình thường có thể làm tăng đáng kể nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Các triệu chứng khác: bao gồm hôi miệng, phát ban, ngứa, cơ thể có mùi khó chịu, quầng thâm dưới mắt, mắt có mà vàng, mắt bị dị ứng sưng đỏ, mụn trứng cá đỏ, đốm nâu trên da (đốm gan), lòng bàn tay đỏ, lòng bàn chân ngứa và viêm, da mặt xuất hiện những vệt ửng đỏ.
3. Phương pháp chẩn đoán rối loạn chức năng gan
Để chẩn đoán chính xác rối loạn chức năng gan, người bệnh cần đi khám chuyên khoa gan mật và thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ.
– Xét nghiệm chức năng gan là một trong những xét nghiệm sinh hóa thường được chỉ định để đánh giá các chức năng khác nhau của gan hoặc đưa ra bằng chứng về tổn thương gan.
– Xét nghiệm chức năng gan bao gồm việc định lượng một số enzym hoặc một số chất chuyển hóa hoặc tổng hợp tại gan để đánh giá chức năng và chuyển hóa của cơ quan này. Các xét nghiệm sinh hóa chính thường được thực hiện bao gồm định lượng các transaminase, γGT (gamma-glutamyl transpeptidase), phosphatase kiềm và bilirubin.
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán rối loạn chức năng gan
– Các xét nghiệm chính trên có thể được bổ sung bằng một số xét nghiệm khác giúp đưa ra chẩn đoán chính xác hơn bao gồm: Cholesterol máu (chủ yếu được sản xuất ở gan), albumin, fibrinogen, điện di protein, tỷ lệ prothrombin (TP), yếu tố đông máu V, enzym 5’-nucleotidase (enzym có mặt trong nhiều tế bào, đặc biệt là tế bào gan) hay là amoniac máu.
– Các xét nghiệm khác là chỉ thị đặc hiệu cho bệnh gan như: Alpha-fetoprotein (AFP), chất chỉ thị của khối u, là protein được sản xuất ở gan trong các trường hợp ung thư hoặc xơ gan, được chỉ định theo dõi ở bệnh nhân viêm gan B và C mạn tính có khả năng chuyển sang ung thư carcinom tế bào gan; Định lượng transferrin thiếu hụt carbohydrat (CDT), đây là protein tổng hợp ở gan, liên quan chính xác nhất đến tình trạng nghiện rượu; Xét nghiệm huyết thanh với virus gây viêm gan B và C.
4. Biến chứng của rối loạn chức năng gan
Rối loạn chức năng gan có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: Gây tích tụ các chất độc trong máu, giảm sức đề kháng của cơ thể, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, đi ngoài phân sống, đặc biệt là không tiêu hóa được các thức ăn có nhiều mỡ. Cơ thể bệnh nhân trở nên gầy yếu, suy kiệt, trong giai đoạn nặng có thể bị hôn mê do cơ thể bị nhiễm độc.
Những rối loạn và suy giảm chức năng gan còn biểu hiện ra bên ngoài cơ thể như dị ứng mẩn ngứa, trứng cá, vàng da, sạm da, nám má…nhiệt độc toàn cơ thể.
Người bị rối loạn chức năng gan kéo dài có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ. Nếu không điều trị và ngăn chặn sớm sẽ là nguyên nhân dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
5. Phương pháp điều trị rối loạn chức năng gan
Để biết rối loạn chức năng gan làm sao để chữa trị, cần phải tìm ra chính xác nguyên nhân gây rối loạn. Do đó, người bệnh cần được khám chuyên khoa gan mật, làm các kiểm tra, xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán, đánh giá tình trạng bệnh.
Trong quá trình điều trị cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, thay đổi liều lượng thuốc hay dùng thuốc theo kê đơn của bệnh nhân khác.
Người bệnh cần xây dựng lại chế độ ăn uống, lối sống cho khoa học và lành mạnh hơn. Từ bỏ rượu bia và các đồ uống có cồn, hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ. Nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây…
Khi bị các bệnh lý về gan, nhất là viêm gan siêu vi cần phải được điều trị triệt để, tránh để bệnh tình quá nặng mà có biến chứng xảy ra.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh