✴️ Siêu âm phát hiện có polyp ở túi mật phải làm sao?

1. Có polyp ở túi mật là gì?

1.1. Định nghĩa có polyp ở túi mật

Có polyp ở túi mật là hiện tượng xuất hiện các u nhú phát triển trên niêm mạc thành túi mật dưới dạng đơn độc (đơn polyp túi mật) hoặc thành chùm (đa polyp túi mật). Đây là một bệnh lý khá phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng từ 5-7% dân số và không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc theo giới tính hay chủng tộc.

 

1.2. Phân loại: 

Trên lâm sàng, chúng ta thường gặp 4 loại polyp túi mật:

– Polyp thể cholesterol chiếm khoảng trên 60% các trường hợp polyp túi mật, số lượng nhiều, có cuống với kích thước <10mm.

– U thể phì đại cơ tuyến: là loại phổ biến thứ hai, chiếm khoảng 25% trường hợp bệnh. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là người trưởng thành và tỷ lệ tăng dần theo độ tuổi. Polyp này thường xuất hiện ở đáy túi mật, mọc đơn độc, kích thước từ 5-20mm và có khả năng dẫn đến ung thư.

– Polyp thể viêm: chiếm khoảng 10% các trường hợp bệnh, có kích thước nhỏ hơn 10mm và thường liên quan đến viêm túi mật mãn tính.

– Polyp thể u tuyến: tương đối hiếm găp, chiếm khoảng 5% các trường hợp bệnh. Chúng thường mọc đơn lẻ với kích thước từ 5-20mm. Đây là một dạng tổn thương tiền ung thư có liên quan đến các bệnh lý sỏi túi mật hoặc viêm túi mật mạn tính.

Các hình thái tổ chức u nhú có bản chất khác nhau nên có thể là lành tính hoặc ác tính. Kích thước của polyp túi mật thường là giá trị để tiên đoán chúng có chuyển thành ác tính hay không. Kích thước polyp càng lớn thì càng có nguy cơ ung thư túi mật. Một số nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc ung thư là 6% nếu polyp có kích thước <10mm và gần 40% ở những polyp có kích thước từ 10-20 mm.

 

2. Triệu chứng cảnh báo có polyp ở túi mật

Polyp túi mật phát triển thầm lặng và thường không gây triệu chứng. Trên thực tế, bệnh thường được phát hiện tình cờ qua thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc siêu âm kiểm tra vùng bụng vì một lý do khác. Chỉ có khoảng 5-7% người bệnh có polyp ở túi mật có biểu hiện triệu chứng khi chúng gây rối loạn bài tiết, bài xuất dịch mật. Khi này, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng tương tự như người bị sỏi mật:

– Đầy bụng, ăn chậm tiêu, ăn không ngon miệng.

– Đau tức hạ sườn phải hoặc vùng trên rốn âm ỉ, kéo dài. 

– Buồn nôn hoặc nôn, đặc biệt khi ăn thức ăn chiên xào có nhiều dầu mỡ.

 

3. Có polyp ở túi mật có nguy hiểm không 

Theo nghiên cứu chỉ ra rằng, khoảng 92% polyp túi mật là lành tính. Nghĩa là chúng không gây nguy hiểm hoặc làm xuất hiện bất kỳ triệu chứng khó chịu nào. Số ít còn lại có thể gây ra những biến chứng cấp tính như rối loạn tiêu hóa, ứ trệ dịch mật, viêm túi mật, viêm đường mật,…. Và nguy hiểm nhất là triến triển thành ung thư túi mật.

Các yếu tố nguy cơ gây ung thư hóa của polyp mật gồm:

– Người bệnh có một polyp nhưng có chân rộng (polyp không cuống).

– Người bệnh có polyp ở túi mật kích thước trên 10mm.

– Người bệnh có polyp kích thước dưới 10mm nhưng mọc thành cụm lớn (đa polyp).

– Người bệnh có polyp túi mật phát triển nhanh bất thường cả về kích thước, số lượng và diện tích trong thời gian ngắn; bề mặt cắt xẻ, xù xì. 

– Polyp túi mật phát triển ở người trên 50 tuổi.

– Polyp túi mật xuất hiện ở người có sỏi túi mật, người bệnh đái tháo đường, người bệnh viêm xơ đường mật bất kể kích thước và hình thái. 

– Polyp túi mật có triệu chứng và gây viêm túi mật mãn tính.

Polyp túi mật có thể gây ung thư túi mật dù tỷ lệ này là rất nhỏ.

 

4. Chẩn đoán và điều trị bệnh polyp túi mật

4.1. Chẩn đoán có polyp ở túi mật

Để chẩn đoán polyp túi mật, bác sĩ thường chỉ định người bệnh làm một số xét nghiệm sau:

– Siêu âm ổ bụng: cho phép xác định vị trí, kích thước và hình dạng polyp (có cuống hay không có cuống). Đồng thời giúp theo dõi sự tiến triển của khối polyp để có xử trí kịp thời. 

– Chụp cắt lớp vi tính: thực hiện trong trường hợp polyp kích thước lớn có nguy cơ ác tính. Chụp CT có bơm thuốc cản quang giúp cho kết quả chẩn đoán chính xác gần 90%.

– Chụp cộng hưởng từ MRI: được chỉ định khi tổn thuơng polyp túi mật ghi ngờ ác tính. 

– Các xét nghiệm sinh hóa: đánh giá chức năng thận, chức năng gan mật, test virus viêm gan,…

 

4.2. Điều trị có polyp ở túi mật

Kích thước, số lượng và sự phát triển của khối polyp túi mật là căn cứ để chỉ định điều trị bảo tồn (siêu âm theo dõi, thay đổi lối sống,…) hoặc phẫu thuật cắt túi mật.

Điều trị bảo tồn:

Phương pháp được chỉ định khi polyp túi mật có kích thước dưới 10mm. Người bệnh cần tái khám định kỳ để siêu âm theo dõi. Đồng thời kết hợp với các biện pháp điều trị hỗ trợ khác như thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt. 

Theo hướng dẫn của Hiệp hội Châu Âu, người bệnh cần siêu âm định kỳ trong các trường hợp bệnh:

– Polyp <5mm và không kèm yếu tố nguy cơ ác tính: siêu âm 12 tháng/lần. 

– Polyp <5mm nhưng có yếu tố nguy cơ ác tính: siêu âm định kỳ từ 6-12 tháng/lần.

– Polyp kích thước từ 6-9mm không có các yếu tố nguy cơ: siêu âm định kỳ từ 6-12 tháng/lần.

– Polyp kích thước từ 6-9mm chưa xuất hiện triệu chứng như có kèm các yếu tố nguy cơ: siêu âm theo dõi chặt chẽ từ 3-6 tháng/lần.

Điều trị phẫu thuật:

Có polyp ở túi mật được chỉ định phẫu thuật khi:

– Polyp túi mật gây triệu chứng đa, đầy bụng, chậm tiêu, buồn nôn,… thường xuyên. 

– Polyp túi mật trên 10mm.

– Người bệnh có đa polyp túi mật.

– Polyp túi mật xuất hiện cùng sỏi mật.

– Polyp túi mật xuất hiện các yếu tố nguy cơ ác tính: Polyp phát triển nhanh bất thường về kích thước và số lượng; chân lan rộng không nhìn thấy cuống; bề mặt polyp cắt xẻ, xù xì.

Hiện nay, cắt túi mật nội soi là phương pháp được áp dụng phổ biến. Đây là phương pháp phẫu thuật hiện đại, ít xâm lấn. Do vết mổ rất nhỏ nên người bệnh ít bị đau, ít chảy máu, sức khỏe nhanh hồi phục và hầu như không gây biến chứng nguy hiểm. 

Tuy nhiên, trong các trường hợp khối u túi mật lớn hơn 18mm với phần lớn là các tế bào ung thư. Các bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật mổ mở cắt túi mật. Đồng thời cắt một phần gan và vùng bạch huyết lân cận để loại bỏ các tế bào ung thư.

Thời gian đầu sau phẫu thuật, người bệnh sẽ gặp phải một số biểu hiện của rối loạn tiêu hóa do dịch mật được đổ trực tiếp từ gan xuống ruột non. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau, khi cơ thể dần thích ứng được với sự thay đổi này, các triệu chứng sẽ được cải thiện và mất dần.

 

5. Chế độ dinh dưỡng cho người có polyp ở túi mật

Chế độ ăn khoa học và hợp lý không những cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể mà còn giúp người bệnh kiểm soát được sự phát triển của polyp túi mật.

Người bệnh nên:

– Tăng cường bổ sung các loại rau xanh, củ quả, trái cây (đặc biệt là các loại hoa quả giàu vitamin B, C, D, E),… để cung cấp chất xơ, các vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức khỏe gan – mật, cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa và hạn chế nguy cơ phát triển của polyp túi mật.

– Sử dụng các loại chất béo không no có nguồn gốc từ thực vật (dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu hạnh nhân, hạt óc chó…) và trong các loại hải sản (cái hồi, cá mòi, cá trích,…).

– Bổ sung thực phẩm giàu protein như các loại cá biển, thịt lợn nạc, thịt gà bỏ da, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt,…

Người bệnh không nên:

– Sử dụng thực phẩm giàu chất béo bão hòa như mỡ, nội tạng động vật, thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh,…

– Sử dụng thực phẩm chứa chất tạo ngọt nhân tạo, đường và tinh bột tinh chế như nước ngọt, các loại bánh,…

– Sử dụng rượu, bia và các đồ uống có chất kích thích khác.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, người bệnh nên duy trì tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày; đảm bảo ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc; giữ tinh thần luôn thoải mái và lạc quan,… để tăng cường sức khỏe và hạn chế khối polyp phát triển.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top