1. Men gan cao là bệnh gì?
Men gan là một loại enzym nằm trong các tế bào gan, chúng tham gia vào các quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Vì một lý do nào đó mà tế bào gan bị tổn thương đồng nghĩa lượng enzym trong gan sẽ được giải phóng vào máu nhiều hơn bình thường gọi là tăng men gan.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây tăng men gan mà mức độ nguy hiểm của bệnh khác nhau. Mặt khác nồng độ men gan trong máu khác nhau cũng phản ánh mức độ tổn thương gan khác nhau.
Để đánh giá nồng độ men gan cao hay thấp dựa vào 4 loại chỉ số enzym sau:
– AST: 20 – 40 UI/L bình thường.
– ALT: 20 – 40 UI/L bình thường.
– ASP: 30 – 110 Ul/L bình thường.
– GGT: 20 – 40 Ul/L bình thường.
2. Tăng men gan gây nguy hiểm như thế nào?
Khi nồng độ men gan trong cơ thể tăng dưới 2 lần thì hầu như người bệnh không có biểu hiện triệu chứng nào, nên nếu không đi xét nghiệm thì hoàn toàn không thể nhận biết được. Tuy nhiên đây lại là giai đoạn vô cùng nguy hiểm, bởi nếu bạn sử dụng rượu bia, chất kích thích quá liều lượng cho phép thì hàm lượng chất độc sản sinh và phá hủy các tế bào gan rất nhanh.
Tình trạng men gan cao nếu kéo dài và không điều trị kịp thời sẽ dẫn tới viêm gan, xơ gan hoặc thậm chí là ung thư gan.
3. Top những cách giảm men gan hiệu quả
Khi nồng độ men gan tăng cao cũng là lúc mà người bệnh cần phải điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt, lối sống của mình một cách khoa học nhất. Đồng thời kết hợp thêm một số cách giảm men gan để ngăn chặn tình trạng men gan tăng quá cao gây biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số cách làm hạ men gan bạn có thể tham khảo:
3.1. Tích cực tập luyện thể dục thể thao hàng ngày
Luyện tập thể dục thể thao không chỉ giúp cải thiện sức khỏe mà còn hỗ trợ chức năng gan. Các chuyên gia khuyên rằng: đối với những người có nồng độ men gan cao cần duy trì thói quen luyện tập ít nhất 30 phút mỗi ngày. Một số bài tập như: chạy bộ, yoga, đạp xe,…
Ngoài ra, việc tập thể dục thể thao hàng ngày còn giúp hạn chế mắc một số bệnh lý khác, giảm cân, lấy lại vóc dáng như mong muốn, ngăn ngừa béo phì làm giảm men gan hiệu quả.
3.2. Giảm men gan bằng bổ sung đủ nước mỗi ngày
Nước là yếu tố quan trọng góp phần đào thải các độc tố và hạ men gan hiệu quả. Kết hợp với luyện tập thể thao uống nhiều nước còn giúp thúc đẩy khả năng tuần hoàn máu và trao đổi chất.
3.3. Bổ sung thực phẩm dinh dưỡng hàng ngày giảm men gan
Bạn nên lựa chọn những loại thực phẩm tươi sống, chưa qua chế biến, hàm lượng dinh dưỡng cao tốt cho cơ thể. Đây cũng là cách giảm men gan không cần dùng thuốc vô cùng hiệu quả:
Bổ sung rau xanh: Trong rau xanh chứa hàm lượng vitamin, chất xơ dồi dào để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể mà không làm tăng hàm lượng calo hấp thụ vào cơ thể mỗi ngày. Ngoài ra bổ sung rau xanh còn giúp loại bỏ các độc tố, hàm lượng mỡ thừa. Một số loại rau xanh tốt cho sức khỏe như: cải xoăn, bắp cải, bông cải,…
Bổ sung vitamin C: Vitamin C có vai trò hỗ trợ hệ miễn dịch trong cơ thể, tăng sức đề kháng, men gan giảm, lành những tổn thương gan. Một số loại hoa quả giàu vitamin C như: chanh, bưởi, dâu tây,…
Bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Các chất chống oxy hóa có tác dụng làm giảm nồng độ men gan, tối ưu hóa các hoạt động chức năng gan. Một số thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như: bơ, củ cải đường,…
3.4. Không sử dụng rượu bia – đồ uống có cồn
Gan làm nhiệm vụ đào thải các chất độc trong cơ thể, từ các loại thực phẩm nạp vào cơ thể và cả rượu bia. Khi bạn sử dụng rượu bia quá hàm lượng cho phép sẽ gây áp lực lên tế bào gan, tình trạng này kéo dài sẽ khiến gan bị tổn thương, suy giảm chức năng gan.
Khi gan bị suy yếu các chất độc có trong rượu bia sẽ tăng cường tấn công gan và làm men gan tăng, tăng nguy cơ mắc một số bệnh về gan như xơ gan, ung thư gan. Chính vì vậy cách để hạ men gan tốt nhất là hạn chế sử dụng rượu bia mức tối đa nhất.
3.5. Hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh giúp giảm men gan
Đồ ăn nhanh và những thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều dầu mỡ, chất phụ gia, bảo quản không tốt cho sức khỏe. Những loại thực phẩm đóng hộp thường chứa nhiều muối, không chỉ ảnh hưởng tới gan mà còn tác động tiêu cực tới thận. Do đó thay vì sử dụng đồ ăn chế biến sẵn bạn nên lựa chọn những loại thực phẩm tươi sống có tác dụng hạ men gan và tăng cường chức năng gan.
3.6. Không tự ý sử dụng thuốc
Một số loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau,… thường chứa những thành phần ảnh hưởng tới gan. Vì vậy khi bạn sử dụng tùy tiện trong thời gian dài không theo chỉ định của bác sĩ có thể gây suy gan, suy thận.
3.7. Ngủ đủ giấc mỗi ngày
Ngủ đủ giấc là một trong những cách hạ men gan hiệu quả. Một giấc ngủ ngon sẽ giúp cơ thể thư giãn, thoải mái, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi. Theo các chuyên gia bạn nên ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe tốt nhất, hơn nữa còn giúp gan hoạt động hiệu quả.
3.8. Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ
Môi trường cũng là yếu tố ảnh hưởng tới gan, đặc biệt là khói bụi trong môi trường như: khói xe, khói thuốc lá, bụi bẩn,… Việc hít phải những loại khí này sẽ gây ngộ độc và tích tụ trong gan khiến tăng men gan. Do đó khi ra đường cần đeo khẩu trang giảm thiểu lượng khí gây hại hít vào, không nên sống trong môi trường nhiều khói bụi, chất độc hại.
Lưu ý: những phương pháp trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và chỉ có tác dụng hỗ trợ hạ men gan. Để hạ men gan hiệu quả người bệnh cần đến chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và tư vấn cụ thể dựa vào tình trạng men gan và sức khỏe của bạn.
Trên đây là tổng hợp một số phương pháp giúp giảm men gan. Hy vọng những thông tin bổ ích giúp bạn có một lá gan luôn khỏe mạnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh