Bệnh viêm gan B được chia thành các loại như sau:
– Viêm gan B cấp tính
– Viêm gan B mạn tính: gồm 2 thể:
– Thể hoạt động
– Thể không hoạt động (hay còn gọi là viêm gan B lành tính)
Đối với hai thể đầu, người bệnh đều có đặc điểm chung là có hội chứng tổn thương tế bào gan, được biểu hiện ra bên ngoài như đau tức hạ sườn phải, chán ăn, vàng da toàn thân, vàng mắt… Tuỳ thuộc vào mức độ, triệu chứng và thời gian diễn tiến, các bệnh nhân sẽ được phân thành mức độ cấp tính hay mạn tính.
Tuy nhiên, trái ngược lại với hai thể này, những người mắc viêm gan B lành tính, hay còn gọi là thể không hoạt động lại không có biểu hiện về tình trạng viêm gan, không gây tổn hại cho gan, nhưng trong máu và dịch tiết của họ vẫn tồn tại virus viêm gan B. Họ được gọi là viêm gan B thể không hoạt động, thể ngủ hoặc thể lành tính.
Cũng chính vì những người lành mang bệnh nhưng lại không có tổn thương và hoàn toàn không gây tác hại gì để có thể phát hiện ra nên trong quá trình khám bệnh, cho dù có làm xét nghiệm men gan thông thường, vẫn rất dễ bị bỏ sót. Chính vì điều này, các đối tượng có thể viêm gan b lành tính trở thành nguyên nhân khiến nguồn bệnh lây lan trong cộng đồng nhanh chóng do không được điều trị thuốc kháng virus hay áp dụng các biện pháp ngăn chặn truyền nhiễm.
Những người mang trong mình thể viêm gan B không hoạt động không hẳn hoàn toàn không gặp vấn đề gì, bởi sự thực virus chỉ tạm thời ngủ trong một thời gian ngắn. Thời gian này tuỳ thuộc vào khả năng miễn dịch của cơ thể. Đối với người trẻ tuổi, khả năng miễn dịch của họ tốt hơn so với người lớn tuổi, nhất là đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm siêu vi B.
Chỉ đến khi khả năng miễn dịch suy giảm và không còn, cơ thể nhận ra có vật lạ sẽ tích cực chống đỡ để đào thải virus ra khỏi cơ thể, gây ra hàng loạt các phản ứng để tiêu diệt virus.
Hệ thống miễn dịch tại gan lúc đó cũng sẽ hoạt động, tấn công vào các tế bào gan nhằm tiêu diệt virus, khiến nồng độ men gan trong máu tăng cao. Cùng với đó người bệnh sẽ bộc phát ra ngoài tình trạng viêm gan cấp tính hay mãn tính, thậm chí suy gan cấp. Khi các triệu chứng này được phát hiện cũng là lúc bệnh nhân đã đi vào biến chứng cuối cùng của viêm gan B, khả năng cứu chữa rất khó khăn.
Như đã đề cập bên trên, virus viêm gan B thể không hoạt động rất khó để phát hiện bởi chúng không khiến cơ thể có bất kỳ một biểu hiện gì, thậm chí kể cả khi bạn xét nghiệm men gan và chức năng sinh hoá thông thường vẫn không phát hiện ra được. Do đó, cách duy nhất để phát hiện virus viêm gan B thể không hoạt động chính là đặt mục tiêu để tìm kiếm.
Thực tế hiện nay, việc xét nghiệm và phát hiện virus viêm gan B thể không hoạt động thường chỉ thực hiện trên các đối tượng quan tâm đến tình trạng mắc các bệnh lý lây truyền qua đường máu hay dịch tiết. Đặc biệt là đối với các đối tượng như phụ nữ có thai, bệnh nhân tiền phẫu thuật… Hay người khám sức khoẻ tổng thể lần đầu.
Bác sĩ sẽ chỉ định khám tìm kiếm sự hiện diện của HBsAg ở trong máu. Đây là một loại Protein tồn tại trên bề mặt của virus viêm gan B, có vai trò như một loại kháng nguyên, cho thấy sự hiện diện trong cơ thể. Đối với những người chưa từng mắc viêm gan B hay đã khỏi hoàn toàn thì khi xét nghiệm HBsAg sẽ cho ra kết quả âm tính.
Tuy nhiên, nếu kết quả là dương tính và lượng men gan hoàn toàn ở giới hạn bình thường, người bệnh không hề có biểu hiện triệu chứng nào thì các đối tượng này được gọi là viêm gan B thể không hoạt động.
Tiếp sau đó là phải xác định xem đối tượng này là người lành mang mầm bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao hay thấp. Để làm được điều này, cần phải xét nghiệm HBeAg nhằm xác định virus có tăng trưởng trong máu hay không. Thế nhưng, đây cũng chỉ là xét nghiệm huyết thanh đánh giá gián tiếp, do vậy cần làm thêm 1 xét nghiệm bổ sung quan trọng đó là HBV DNA.
Xét nghiệm HBV DNA bằng cách tạo điều kiện cho virus phát triển cấp số nhân trong môi trường nuôi cấy nhân tạo, các kỹ thuật viên sẽ đo được số lượng virus đang có trong máu. Nếu kết quả HBV DNA cao, chứng tỏ rằng người bệnh viêm gan b thể không hoạt động vẫn có khả năng lây lan cao cho người khác nếu tiếp xúc qua máu và dịch tiết.
Ngoài ra, những người này cũng cần theo dõi men gan định kỳ thường xuyên để phát hiện kịp thời khi virus bùng phát và điều trị sớm. Trường hợp kết quả HBV DNA thấp dưới ngưỡng phát hiện, những người này sẽ là người lành mang mầm bệnh, siêu vi chung sống và không gây tổn hại gì cho cơ thể, cũng như không có khả năng lây lan cho người khác. Nhưng vẫn cần phải theo dõi men gan thường xuyên để đề phòng trường hợp virus bùng phát gây tổn thương gan. Hơn nữa, điều này cũng thực sự cần thiết đối với phụ nữ đang có dự định mang thai hay đang mang thai để tránh lây lan sang con.
Hãy nhớ rằng, virus viêm gan B thể không hoạt động không gây bất cứ ảnh hưởng xấu nào đến. Do vậy không cần sử dụng các loại thuốc điều trị, bởi nó chỉ có tác dụng với viêm gan B cấp tính hoặc mãn tính. Để đảm bảo virus thể không hoạt động bùng phát và truyền nhiễm, bạn cần phải:
– Giữ gìn sức khoẻ, tạo lối sống lành mạnh, thoải mái, tập luyện thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe. Kiêng rượu bia, các loại đồ uống có cồn và chất kích thích khác, hạn chế ăn mỡ động vật, không hút thuốc lá.
– Chủ động phòng tránh lây nhiễm viêm gan B cho những người xung quanh bằng cách: không dùng chung kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải đánh răng, không hiến máu, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm và theo dõi lượng men gan thường xuyên.
Thông qua bài viết trên, bạn đã biết được viêm gan B lành tính là gì rồi phải không nào? Tuy viêm gan B lành tính không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhưng để đảm bảo bệnh không bùng phát và không lây lan, hãy tạo cho mình một lối sống lành mạnh, áp dụng các biện pháp phòng ngừa để tránh lây nhiễm cho người thân.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh