✴️ Viêm túi mật làm sao để chữa trị?

Nội dung

Viêm túi mật là tình trạng túi mật bị viêm, hầu hết các trường hợp viêm túi mật có nguyên nhân do sỏi và giun đũa chui vào túi mật. Ngoài ra viêm túi mật còn có thể do nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, chấn thương hoặc khối u. Vậy viêm túi mật làm sao để chữa trị?

 

Nguyên nhân viêm túi mật

Viêm túi mật có nhiều nguyên nhân gây ra, cụ thể:

Sỏi mật: 90 – 95% các trường hợp bị viêm túi mật là do sỏi. Sỏi di chuyển, cọ xát làm tổn thương thành túi mật hoặc gây tắc nghẽn các ống dẫn mật, khiến dịch mật bị ứ lại trong túi mật. Lúc này các hoạt chất hoặc vi khuẩn có trong dịch mật bị tích tụ có thể làm túi mật bị viêm.

90% trường hợp viêm túi mật do sỏi mật gây nên

 

Tổn thương: Phẫu thuật hoặc những chấn thương vùng bụng nghiêm trọng có thể làm tổn thương túi mật gây nên tình trạng viêm.

Nhiễm trùng: Nhiễm khuẩn hoặc nhiễm kí sinh trùng đường mật có thể dẫn đến viêm túi mật.

Khối u: Một khối u có thể gây chèn ép hệ thống đường dẫn mật, ngăn cản dòng chảy của dịch mật, khiến mật bị ứ lại trong túi mật và có thể dẫn đến viêm túi mật.

Những người có chế độ ăn giàu chất béo sẽ làm tăng khả năng phát triển bệnh viêm túi mật trên nền những điều kiện trên. Bên cạnh đó, những bệnh nhân tiểu đường, người giảm cân nhanh, phụ nữ mang thai, có thể bị tổn thương túi mật và tăng nguy cơ bị viêm túi mật.

 

Triệu chứng viêm túi mật

Viêm túi mật có 2 dạng: Viêm túi mật cấp tính và viêm túi mật mạn tính. Theo đó, các triệu chứng của bệnh cũng có sự khác biệt, cụ thể như:

Đối với viêm túi mật cấp tính:

Đau: Cơn đau quặn gan tăng dần. Ở một số người, đau lan tới vai phải, thường xuất hiện sau khi ăn.

Sốt: 39 – 40oC, có thể kèm theo ớn lạnh.

Vàng da niêm mạc nhẹ và nước tiểu vàng: Khi có tổn thương ống mật chủ phối hợp.

Buồn nôn hoặc nôn: Gặp ở hầu hết các trường hợp.

Đối với viêm túi mật mạn tính:

Viêm túi mật mạn tính là một loại bệnh thường gặp trên lâm sàng. Bệnh có thể do viêm túi mật cấp chuyển sang, tuy nhiên cũng có nhiều bệnh nhân không có tiền sử viêm túi mật cấp.

Đau bụng, buồn nôn,… là những dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm túi mật mạn tính

 

Các triệu chứng viêm túi mật cấp cụ thể như: người bệnh có dấu hiệu đau âm ỉ và ấn đau vùng hạ sườn phải, đau xuyên lên vai lưng phải, bụng trên đầy, ngực tức, ợ hơi, biếng ăn, sắc mặt kém tươi nhuận, mệt mỏi, rêu lưỡi trắng nhày hoặc vàng nhày.

Các triệu chứng trên không nặng nhưng dai dẳng trong thời gian dài, khi ăn các chất dầu mỡ khó tiêu vào thì đau tăng, miệng khô, họng khô. Người bứt rứt, táo bón, nước tiểu vàng đậm, nếu có sỏi ống mật thường kèm nôn, buồn nôn, lưỡi đỏ, ít rêu.

 

Biến chứng viêm túi mật

Viêm túi mật nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, túi mật bị viêm do sự tích tụ mật, có thể có nguy cơ thủng túi mật. Viêm túi mật cấp có thể chưa gây thủng túi mật nhưng khiến túi mật căng phồng, thành túi mật giãn nở, yếu và gây thấm mật vào ổ bụng gây viêm phúc mạc mật. Viêm phúc mạc mật là một biến chứng rất nguy hiểm có thể gây sốc nhiễm khuẩn, tụt huyết áp, trụy tim mạch, tử vong. Thủng túi mật có thể dẫn đến suy tuần hoàn, chảy máu nội tạng, có lỗ rò vào đường tiêu hóa hoặc viêm phúc mạc rất nguy hiểm cho tính mạng. Viêm túi mật cũng có thể gây nên viêm mủ, áp-xe đường dẫn mật.

 

Phương pháp điều trị viêm túi mật

Viêm túi mật được điều trị bằng 2 phương pháp chủ yếu:

Điều trị nội khoa: Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, truyền dịch để nuôi dưỡng và cân bằng nước điện giải. Dùng các thuốc giảm đau, giãn cơ trơn như nospa hay sparmaverin. Tùy theo tình trạng cụ thể mà bác sĩ sẽ cho chỉ định dùng kháng sinh phù hợp

Điều trị ngoại khoa: Bệnh nhân chỉ tiến hành mổ cấp cứu trong trường hợp không đáp ứng với điều trị nội khoa mà tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng hoặc có biến chứng ngoại khoa như túi mật hoại tử, thấm mật phúc mạc và viêm phúc mạc mật. Hiện nay thường mổ túi mật qua đường nội soi.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top