Suy hô hấp giảm oxy là cụm từ để miêu tả tình trạng cơ thể bị thiếu hụt oxy một cách nghiêm trọng. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao.
1. Khái niệm hiện tượng suy hô hấp giảm oxy
Tình trạng suy hô hấp giảm oxy hay suy hô hấp cấp (viết tắt là AHRF - Acute hypercapnic respiratory failure) xảy ra khi phổi thiếu hụt oxy dẫn tới sụt giảm nồng độ oxy máu động mạch. Kết quả là làm chậm quá trình vận chuyển oxy đến các mô và gián đoạn hoạt động sống của các cơ quan khác trong cơ thể.
Theo khảo sát cho thấy, các đối tượng có nguy cơ cao bị gặp phải triệu chứng suy hô hấp giảm oxy đó là những người đang bị suy tim, mắc các bệnh lý liên quan đến phổi như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD,...
Suy hô hấp cấp sẽ khiến các cơ quan trong cơ thể bị thiếu hụt oxy
Không chỉ có vậy, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng là đối tượng dễ bị tử vong bởi tình trạng suy hô hấp giảm oxy. Người bệnh nếu không được điều trị kịp thời rất dễ gặp tình trạng nguy kịch như sau:
Mạch nhanh, huyết áp hạ, dần dần gây trụy mạch;
Thiếu oxy não dẫn đến rối loạn ý thức và hôn mê;
Kể cả có vượt qua thì bệnh nhân cũng phải chịu di chứng nặng như tâm phế mạn, suy hô hấp mạn, xơ phổi;
Tỷ lệ tử vong từ 50 - 70%.
2. Suy hô hấp giảm oxy là do nguyên nhân nào gây nên?
Nguyên nhân tại phổi:
Tắc mạch phổi, nhồi máu phổi;
Ngạt nước;
Chấn thương nặng ở lồng ngực làm dập phổi;
Viêm phổi: viêm phổi liên cầu và phế cầu, virus cúm A H5N1, Haemophilus Influenzae, Corona, SARS,...
Hít hoặc tiêm heroin, sử dụng chất ma túy;
Trào ngược dịch dạ dày có thể khiến phổi bị tổn thương lan rộng, kéo theo đó là tình trạng xẹp phổi.
Có nhiều nguyên nhân gây suy hô hấp giảm oxy
Nguyên nhân ngoài phổi:
Truyền máu với số lượng lớn;
Hôn mê do tiểu đường;
Tình trạng nhiễm khuẩn hoặc bị sốc do nhiễm khuẩn;
Viêm tụy cấp nặng.
3. Dấu hiệu nhận diện suy hô hấp giảm oxy
Suy hô hấp giảm oxy thường bắt đầu với các biểu hiện cấp tính diễn ra trong khoảng 4 - 48 giờ và bệnh thường diễn tiến theo 4 giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: đã xuất hiện tổn thương ở phổi nhưng chưa nghe được ran, hình ảnh trên phim X-quang cho thấy 2 bên phổi vẫn sáng đều;
Giai đoạn 2: người bệnh thở nhanh, lồng ngực vẫn có dấu hiệu di động tốt và giai đoạn này diễn ra từ 1 - 3 ngày;
Giai đoạn 3: bệnh nhân khó thở, thở gấp, vã mồ hôi và biểu hiện tím tái do bị phù phổi. Khi thăm khám thấy khả năng di động của lồng ngực kém, ran nổ và ran ẩm ở cả 2 bên phổi kèm theo rối loạn ý thức;
Giai đoạn 4: thiếu oxy khiến người bệnh bị suy cơ tim và hôn mê.
4. Biện pháp điều trị bệnh suy hô hấp giảm oxy
Khi điều trị suy hô hấp giảm oxy cần tuân thủ theo những nguyên tắc sau:
Kiểm soát tốt lượng dịch ra, vào;
Khi thở máy hoặc dùng biện pháp xâm nhập đường hô hấp cần bảo đảm thông khí;
Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh như nhiệt độ, huyết áp, mạch đập;
Kiểm soát tính thăng bằng toan kiềm, tình trạng rối loạn điện giải;
Đảm bảo người bệnh vẫn có đủ dinh dưỡng trong quá trình điều trị bằng cách truyền dinh dưỡng theo đường tĩnh mạch;
Phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn, kiểm soát lượng đường trong máu;
Dự phòng rủi ro tắc mạch;
Nếu cần thiết có thể điều trị bằng liệu pháp corticoid.
Các phương pháp điều trị:
Liệu pháp oxy sử dụng đối với trường hợp cần trợ thở bằng máy:
Đặt ống thông mũi;
Mặt nạ thông khí;
Máy thở cơ học;
Thông khí áp lực dương không xâm lấn (NPPV);
Oxy hóa màng ngoài cơ thể;
Mở khí quản.
Điều trị bằng thuốc: để khắc phục nguyên nhân và cải thiện các triệu chứng của bệnh, bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng những loại thuốc như sau:
Thuốc giãn phế quản: để kiểm soát các cơn hen suyễn hoặc mở đường thở;
Thuốc kháng sinh: điều trị viêm phổi và các nhiễm trùng khác tại phổi;
Corticoid: cải thiện những biểu hiện ở người bị viêm đường thở, giúp thu nhỏ đường thở.
Liệu pháp oxy có thể giúp cải thiện tình trạng suy hô hấp cấp
Biện pháp điều trị khác:
Nếu bệnh nhân cần phải điều trị trong thời gian dài tại bệnh viện thì cần áp dụng những phương pháp bổ sung khác để giúp kiểm soát các triệu chứng và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm xảy ra tại đường hô hấp:
Cải thiện lưu lượng máu trong cơ thể bằng cách truyền chất lỏng qua tĩnh mạch;
Đảm bảo đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân khi đang thở máy thông qua truyền dinh dưỡng;
Dùng thuốc làm loãng máu: giúp ngăn chặn khả năng hình thành nên các cục máu đông;
Phục hồi chức năng phổi: thực hành các bài tập giúp cải thiện hàm lượng oxy và phục hồi chức năng phổi;
Vật lý trị liệu: duy trì và củng cố sức mạnh cơ thể, tránh việc lở loét tại các vùng da khi nằm điều trị quá lâu, hỗ trợ giảm bớt thời gian phải thở bằng máy và giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn.
Nhìn chung biểu hiện suy hô hấp giảm oxy mang tính chất cấp tính, khả năng gây biến chứng cao cần được phát hiện và cấp cứu kịp thời, nếu không có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh