1. Tìm hiểu về tảo spirulina
Tảo spirulina sống trong vùng nước mặn nhiệt đới, cận nhiệt đới và trong một số môi trường kiềm, hồ nước ngọt. Hầu hết các chất bổ sung có chứa một hoặc nhiều loại khác nhau của tảo xoắn, cùng với một loại tảo màu xanh lá cây được gọi là Aphaniomenon. Những loại tảo này rất bổ dưỡng, có chứa protein và các chất dinh dưỡng khác như vitamin B, beta-carotene, vitamin E và các khoáng chất như kẽm, đồng, mangan, sắt và selenium. Tất cả các chất nêu trên cùng với các thành phần khác trong tảo spirulina có hoạt tính sinh học có lợi cho gan.
2. Thuộc tính
Tảo Spirulina có thể tăng cường hệ miễn dịch cơ thể bằng cách tăng sản xuất kháng thể để đáp ứng với tác nhân gây bệnh. Nó cũng kích thích tế bào tạo protein chống nhiễm trùng, giúp gan nhanh chóng phục hồi sau thương tổn do xơ gan gây ra. Spirulina cũng có thể tác động trực tiếp nhằm làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của xơ gan. Điều này được thể hiện qua một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lik Sprava (Ukraina) năm 2000, trong đó các nhà khoa học kết luận rằng tảo Spirulina hỗ trợ cho cả động vật và con người tránh bị xơ gan sau tổn thương gan. Ngoài ra một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm được công bố trên tạp chí Ethnopharmacology năm 1999 chỉ ra rằng tảo xoắn bảo vệ các động vật trong phòng thí nghiệm khỏi những hư tổn ở gan gây ra bởi một loại chất độc hóa học. Đây là những kết quả ban đầu đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn cần có những thử nghiệm lâm sàng trên quy mô lớn trên các đối tượng bị xơ gan để củng cố thêm nhận định về tác dụng của tảo xoắn đối với bệnh nhân xơ gan và người có nguy cơ cao bị xơ gan.
3. Lưu ý khi sử dụng tảo Spirulina
Các sản phẩm từ tảo Spirulina có sẵn ở nhiều dạng như bột hoặc thuốc. Khi mua nên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, từ các thương hiệu đáng tin cậy. Tảo Spirulina thường không có tác dụng phụ nào đáng kể nhưng những người mắc các bệnh rối loạn tự miễn hoặc bệnh phenylketonuria niệu (một bệnh lý di truyền lặn gây ra do thiếu khuyết một loại enzyme có tên là phenylalanine hydroxylase được sản xuất ở gan) không nên sử dụng tảo Spirulina. Trước khi có ý định bổ sung tảo Spirulina vào chế độ ăn uống, nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh