Một ống thông nhỏ có gắn bóng và giá đỡ kim loại (stent) được đưa qua động mạch đùi hoặc động mạch quay ở cổ tay đi đến động mạch vành người bệnh. Khi đến vị trí bị tắc, bóng được thổi phồng lên để mở rộng lòng mạch và đưa vào giá đỡ kim loại nhằm duy trì sự lưu thông của mạch máu.
Đây là phương pháp được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Khi mảng xơ vữa tiến triển làm hẹp lòng mạch trên mức 50-70%, động mạch vành không đủ khả năng để cung cấp đủ oxy cho cơ tim, nhất là khi vận động, tập thể dục hoặc làm việc gắng sức. Điều này gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim với biểu hiện là cơn đau thắt ngực mệt, khó thở. Khi ấy cần đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch để thăm khám.
Bệnh nhân đã được đặt stent mạch vành cần phải dùng thuốc để đảm bảo không xuất hiện cục máu đông làm tắc cấp trong stent ở những ngày đầu và ngăn ngừa nguy cơ tái nhồi máu ở những mạch vành còn lại. Cần phải dùng thuốc lâu dài theo chỉ định của bác sĩ tim mạch.
Nên ngưng hút thuốc bởi vì chất nicotine có trong thuốc lá làm co mạch máu khiến tim hoạt động vất vả hơn. Bỏ thuốc lá là cách tốt nhất để làm giảm nguy cơ biến cố bệnh mạch vành.
Thay đổi lối sống là yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị xơ vữa động mạch. Tập thể dục rất cần thiết nhưng cần có tư vấn của bác sĩ tim mạch và tiến hành từng bước.
Trong tuần đầu tiên sau đặt stent, không nên tham gia bất kỳ môn thể thao nào, ngoại trừ đi bộ trên mặt phẳng. Trước khi xuất viện, bệnh nhân được bác sĩ thực hiện phương pháp trắc nghiệm gắng sức để đạt tới mức gắng sức phù hợp, sau đó sẽ được hướng dẫn cụ thể về mức hoạt động thể dục khi về nhà.
Có 3 loại stent thông dụng là sten thường, stent phủ thuốc và stent sinh học. Mỗi loại có cơ chế tác dụng đặc trưng và giá thành khác nhau. Chọn loại stent gì sẽ dựa vào chỉ định của bác sĩ đối với từng trường hợp cụ thể.
Hiện nay đặt stent là phương pháp tối ưu cho người bệnh tắc nghẽn mạch vành do mảng xơ vữa nhưng cũng đừng quá kỳ vọng vào hiệu quả tuyệt đối bởi vẫn tồn tại nguy cơ tái tắc hẹp mạch vành. Sau khi thực hiện thủ thuật nong vành hoặc đặt stent, cần xây dựng ngay lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học và luyện tập hợp lý để nâng cao hiệu quả điều trị đồng thời hạn chế tối thiểu nguy cơ.
Phẫu thuật mổ bắc cầu được chỉ định ở bệnh nhân không đủ điều kiện can thiệp mạch vành qua da do có nguy cơ tai biến trong thủ thuật hay mạch vành hẹp lan tỏa nhiều đoạn. Khi đó mổ bắc cầu là phương pháp tối ưu được lựa chọn đầu tiên. Bệnh nhân không đồng ý mổ mà chọn phương pháp thủ thuật đặt stent thì phải chấp nhận các nguy cơ có thể xảy ra.
Tất cả thủ thuật đều có thể xuất hiện nguy cơ tai biến bao gồm:
- Chảy máu, nhiễm trùng, phản ứng dị ứng với thuốc cản quang sử dụng trong khi chụp, nguy cơ tổn thương mạch máu, đột quỵ và suy thận.
- Có tỷ lệ nhất định các stent đã đặt có thể đột ngột bị tắc lại gây nhồi máu cơ tim cần phải can thiệp lại hoặc phải phẫu thuật bắc cầu cấp cứu, thậm chí nguy cơ tử vong.
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thuốc cản quang có thể phải dùng một số thuốc chống dị ứng trước thủ thuật ít nhất một ngày để giảm nguy cơ xảy ra phản ứng nặng nề.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh