✴️ Bệnh tim liên quan dẫn truyền: Block nhánh phải

1. Block nhánh phải là gì?

Block nhánh phải là tình trạng xung điện truyền qua các buồng tim bên phải bị chậm hơn buồng tim bên trái khiến hai bên trái phải của tim không co bóp đồng thời. 

Block nhánh phải được phân thành hai loại: block nhánh phải hoàn toàn và block nhánh phải không hoàn toàn. Block nhánh phải không hoàn toàn là thể nhẹ hơn so với block nhánh phải hoàn toàn.

Trái tim được chia làm 4 ngăn, 2 ngăn trên được gọi là tâm nhĩ, 2 ngăn dưới được gọi là tâm thất. Trong một trái tim khỏe mạnh, tín hiệu điện sẽ bắt đầu từ nút xoang ở tâm nhĩ phải đi đến nút nhĩ thất, sau đó thông qua bó His (phải và trái) lan truyền đều xuống 2 tâm thất.

Ở người bệnh block nhánh phải, việc dẫn truyền tín hiệu điện qua bó nhánh phải và bó nhánh trái xuống tâm thất bị gián đoạn. Tín hiệu điện này truyền sang tâm thất trái trước khi đến tâm thất phải. Do đó, tâm thất phải sẽ co bóp muộn hơn so với bình thường.

2. Nguyên nhân block nhánh phải

Block nhánh phải thường là hậu quả của một bệnh lý, biến cố tim mạch, bệnh phổi hay di chứng của các thủ thuật can thiệp phẫu thuật trên tim. Cụ thể:

  • Bệnh lý tim mạch (bệnh cơ tim, tăng huyết áp, suy tim phải, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, các bệnh tim bẩm sinh) có thể làm tổn thương trực tiếp hoặc kéo căng bó nhánh phải, gây block nhánh phải.
  • Bệnh phổi, điển hình như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), thuyên tắc phổi, tăng áp động mạch phổi.
  • Các thủ thuật can thiệp hoặc phẫu thuật trên tim như quá trình đặt ống thông tim phải, đốt ethanol để giảm vách ngăn trong bệnh cơ tim phì đại.
  • Tăng kali máu khiến quá trình dẫn truyền xung điện qua mô tim bị chậm lại, gây block nhánh phải.

Ngoài ra, suy nút xoang, bệnh Lenegre gây xơ hóa, vôi hóa hệ thống dẫn truyền là nguyên nhân ít phổ biến hơn của block nhánh phải nhưng thường gặp ở người cao tuổi.

3. Triệu chứng block nhánh phải

Block nhánh phải không phải lúc nào cũng có triệu chứng. Trên thực tế, nhiều người mắc block nhánh phải trong nhiều năm nhưng không hề có biểu hiện gì. Người bệnh thường chỉ tình cờ phát hiện ra bản thân bị block nhánh khi đi đo điện tâm đồ thăm khám bệnh khác. 

Ở những trường hợp vừa mắc block nhánh phải vừa mắc các bệnh tim mạch khác, người bệnh có thể có một số dấu hiệu dưới đây:

  • Hồi hộp, đánh trống ngực
  • Đau ngực, nặng ngực
  • Khó thở, mệt mỏi
  • Chóng mặt.

Đặc biệt, triệu chứng của block nhánh phải hoàn toàn rõ rệt hơn block nhánh phải không hoàn toàn. Khi này, nhịp tim có thể xuống dưới 40 nhịp/phút khiến người bệnh bị choáng ngất, ngưng tim tạm thời.

Để chẩn đoán block nhánh phải, chính xác nhất là đo điện tâm đồ. Ngoài ra bạn cũng có thể cần siêu âm tim, chụp X-quang phổi… để tìm nguyên nhân gây block nhánh.

4. Bệnh block nhánh phải có nguy hiểm không?

Block nhánh phải nếu không gây ra triệu chứng và xuất hiện ở những người khỏe mạnh, không mắc hay có tiền sử bệnh tim mạch khác thì không nguy hiểm và không cần điều trị. Người bệnh chỉ cần tái khám định kỳ 6 tháng/lần để theo dõi tiến triển của tình trạng block nhánh.

Ngược lại, ở người có bệnh tim, tiền sử mắc bệnh tim hoặc nghi ngờ có bệnh lý tim mạch, bệnh phổi, block nhánh phải sẽ nguy hiểm hơn và có nguy cơ gây tử vong cao hơn. Đặc biệt là sau một cơn đau tim (nhồi máu cơ tim) và hội chứng suy nút xoang. 

Khi này, bạn cần phải đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và có phương án điều trị phù hợp. Một số trường hợp nặng, người bệnh block phải sử dụng máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top