Đều là biểu hiện của rối loạn nhịp tim, tuy nhiên bệnh tim đập chậm khó nhận biết và thường có tính nguy hiểm hơn bệnh tim đập nhanh. Vì vậy, việc trang bị những kiến thức về bệnh tim đập chậm cũng như cách chữa bệnh tim đập chậm là hết sức cần thiết.
Hiểu đúng về bệnh tim đập chậm
Tim của người trưởng thành lúc nghỉ ngơi đập từ 60 – 80 lần/phút. Nếu dưới 55 – 60 lần/phút thì được coi là nhịp tim chậm. Trẻ em có nhịp tim sinh lý nhanh hơn người lớn (từ 110 – 130 nhịp/phút), vì thế, nhịp chậm ở trẻ em là khi tim đập dưới 100 lần/phút.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tim đập chậm
Bệnh tim đập chậm là một dạng của chứng rối loạn nhịp tim, thông thường ít gây triệu chứng, tuy nhiên khi tim đập 40 -45 lần/phút thì sẽ gây các hiện tượng như mệt mỏi, khó thở, choáng đầu, chóng mặt thậm chí ngất.
Bệnh tim đập chậm nếu không được cấp cứu hoặc phát hiện và điều trị sớm có thể gây tử vong.
Cách chữa bệnh tim đập chậm
Trường hợp nhịp tim chậm nhưng không gây triệu chứng thì chưa cần điều trị. Tuy nhiên, khi triệu chứng xuất hiện, có thể sử dụng các thuốc làm tăng nhịp tim. Nếu ngất hoặc các triệu chứng nặng vẫn tồn tại sau dùng thuốc, người bệnh cần được cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Trong một số trường hợp, phải ngừng sử dụng các thuốc có tác dụng làm chậm nhịp tim.
Lưu ý trong điều trị bệnh tim đập chậm: người bệnh cần tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của các bác sĩ, tuyệt đối không tự ý uống thuốc, ngưng hoặc thay đổi đơn thuốc khi không có chỉ định của các bác sĩ.
Ngoài ra, cần có một chế độ sinh hoạt khoa học, bổ sung thực phẩm tốt cho tim mạch, luyên tập thể dục thường xuyên, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý,…
Khám sức khỏe định kì là hoạt động cần thiết nhằm theo dõi tiến triển của bệnh và có phương pháp điều chỉnh kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh