✴️ Chẹn tim là gì?

Nội dung

Chẹn tim là gì?

Nhịp tim của một người bình thường ở mức 60 đến 100 nhịp/ phút. Một nhịp tim là một lần co của cơ tim, giúp tống máu đi nuôi toàn bộ cơ thể.

Bình thường, sự co cơ tim được kiểm soát bởi tín hiệu điện – xuất phát từ tâm nhĩ (hay còn gọi là phần trên của tim) lan đến tâm thất (hay còn gọi là phần dưới của tim).

Chẹn tim một phần xảy ra khi các xung điện bị trì hoãn hoặc ngừng lại, ngăn cản tim đập một cách đều đặn. Sự chẹn tim hoàn toàn xảy ra khi các tín hiệu điện bị dừng lại hoàn toàn. Nhịp tim lúc này sẽ rớt xuống còn khoảng 40 nhịp/phút. Thậm chí những sự thay đổi của xung điện dù chỉ diễn ra trong một phần của một giây cũng có thể gây ra chẹn tim.

Thỉnh thoảng, chẹn tim gây ra sự khó khăn trong quá trình tim tống máu vào hệ tuần hoàn, vì thế các bó cơ và cơ quan bao gồm cả não, không nhận đủ nồng độ Oxygen để hoạt động bình thường.

Chẹn tim điển hình gây ra tình trạng choáng váng, ngất hoặc cảm thấy tim đập loạn xạ. Dựa trên độ trầm trọng của tình trạng chẹn tim nó đôi khi gây ra nguy hiểm. Ví dụ, chẹn tim độ 3 có thể làm nặng hơn các bệnh lý đã tồn tại từ trước như là suy tim. Nó có thể gây ra mất ý thức hoặc thậm chí là ngưng tim. Hoặc đôi khi gây ra tình trạng đau ngực.

Bệnh lý động mạch vành thì ngược lại, xảy ra khi mảng xơ vữa lắng đọng bên trong động mạch vành. Nó có thể gây ra cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim.

Các dạng của chẹn tim

Có 3 dạng của chẹn tim, bao gồm:

  • Chẹn tim độ 1: Liên quan tới sự gián đoạn nhỏ của nhịp tim ví dụ như là bỏ qua một vài nhịp. Đây chính là loại ít nguy hiểm nhất của chẹn tim và thường không cần thiết điều trị.
  • Chẹn tim độ 2: Xảy ra khi một vài tín hiệu điện không bao giờ đến được tim, gây ra tình trạng gián đoạn hoặc mất nhiều nhịp tim. Bệnh nhân cảm thấy hoa mắt, chóng mặt và họ thường cần phải được đặt máy tạo nhịp tim. Tâm thất của tim sẽ không thể co lại bởi vì tâm nhĩ không thể dẫn truyền điện xuống tâm thất được.
  • Chẹn tim độ 3: Hay còn gọi là chẹn tim hoàn toàn là khi các tín hiệu điện hoàn toàn không di chuyển từ phần trên đến phần dưới của tim. Tình trạng này thường gặp hơn ở những bệnh nhân có bệnh lý ở tim. Nếu không đặt máy tạo nhịp tim, nguy cơ rất lớn sẽ xảy ra nhồi máu cơ tim.

Nguyên nhân

Trong một quả tim khỏe mạnh, các xung điện đi bên trong các bó cơ tim để tạo ra sự co bóp hay còn gọi là nhịp tim. Các xung điện này đi theo một đường dẫn truyền từ phần trên đến phần dưới của tim.

Dọc theo đường dẫn truyền này là các bó sợi cơ tim được gọi là bó His. Những bó này được chia làm 2 nhánh: Trái và Phải. Những bó này sẽ dẫn xung điện đến các tâm thất của tim. Mỗi tâm thất sẽ có riêng một bó His.

Tổn hại một trong những bó này có thể gây ra sự co tâm thất không đồng bộ và hậu quả là tạo ra một nhịp tim bất thường.

Một sự gián đoạn dẫn truyền xung điện ở bên phải tim thường ít nguy hiểm nhưng nếu nó diễn ra ở tim bên trái thì nó gợi ý nguy cơ cao của bệnh lý động mạch vành hoặc một vài vấn đề khác về tim.

Triệu chứng

Nếu một người có tình trạng chẹn tim, họ đôi khi sẽ trải qua các dấu hiệu sau:

  • Nhịp tim chậm hoặc không đều hoặc tim đập loạn xạ.
  • Khó thở.
  • Cảm thấy choáng váng hoặc đôi khi ngất.
  • Cảm thấy đau hoặc khó chịu ở ngực.
  • Cảm thấy khó khăn khi tập thể dục bởi vì sự thiếu hụt máu được bơm đi nuôi cơ thể.

Những bệnh nhân bị chẹn tim có thể trông như người khỏe mạnh nhưng thật ra họ đang đối mặt với các vấn đề tiềm ẩn về bệnh lý tim.

Các yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra chẹn tim là các vết sẹo ở mô cơ tim gây ra do lão hóa. Trong khi đó, một vài người khi sinh ra đã bị chẹn tim, đặc biệt những người già với tiền căn bệnh lý tim hoặc hút thuốc lá là nguy cơ rất cao của tình trạng chẹn tim.

Những điều kiện dưới đây được xem như là tăng nguy cơ:

  • Bệnh lý cơ tim.
  • Có cục máu đông ở động mạch vành.
  • Viêm cơ tim.
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, viêm các van tim.
  • Sẹo ở tim, xảy ra sau phẫu thuật tim hoặc nhồi máu cơ tim.

Cấp tính, đột ngột, chẹn tim có thể xảy ra sau nhồi máu cơ tim hoặc sau phẫu thuật tim. Đôi khi nó lại là biến chứng của bệnh Lyme.

Các yếu tố nguy cơ

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bệnh nhân và sau đó nghe tim của họ. Dựa trên độ tuổi và tiền căn bệnh lý, Bác sĩ có thể nghi ngờ bệnh lý về tim và đề nghị chuyển bệnh nhân đến khám tại Bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

Hiện tại, chúng ta có khá nhiều xét nghiệm chẩn đoán bệnh lý chẹn tim.

Điện tâm đồ là xét nghiệm thường dùng nhất.

  • Nó ghi lại hoạt động của tim. Các đầu dò của máy sẽ được đặt trên vùng da phía trước tim và ghi nhận các xung điện dưới dạng các hình ảnh sóng.
  • Các sóng điện tim bất thường sẽ gợi ý tình trạng chẹn tim. Một kết quả điện tâm đồ cũng có thể chỉ ra là vùng tim bên trái hay bên phải đang có vấn đề.

Thiết bị theo dõi điện tim liên tục (Holter) là một dụng cụ xách tay có thể ghi lại toàn bộ nhịp tim của bệnh nhân.

  • Người bệnh có thể đeo dụng cụ này bên trong lớp quần áo của họ và ghi lại các thông tin về hoạt động điện của tim trong khi vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường trong 1 đến 2 ngày.
  • Khi các dấu hiệu diễn ra, người bệnh được hướng dẫn bấm nút 1 lần. Điều này tạo ra một bản ghi về nhịp tim diễn ra tại thời điểm đó.

Siêu âm tim cũng cho phép Bác sĩ quan sát được các cơ tim và van tim của bệnh nhân.

Xét nghiệm điện sinh lý tim sử dụng một cú sốc tim nhẹ để xác định nguyên nhân gây ra nhịp tim bất thường và vị trí nào ở tim tạo ra nó.

Nghiệm pháp bàn nghiêng, bệnh nhân được đặt nằm trên một cái giường có thể thay đổi vị trí. Nghiệp pháp này có thể gây ra loạn nhịp tim hoặc nhịp tim bất thường.

Điều trị

Hiện tại chúng ta không có một biện pháp điều trị dành riêng cho tình trạng chẹn tim. Nhiều người bệnh bị chẹn tim mà không hề có triệu chứng và họ dĩ nhiên không cần phải điều trị. Tuy nhiên, nếu bất cứ bệnh lý nào như là tăng huyết áp thì cần thiết được điều trị.

Nếu một người bị chẹn tim bên trái và xảy ra nhồi máu cơ tim, biện pháp tái tưới máu phải được thực hiện để tái lập lại dòng máu vận chuyển đi qua vùng động mạch bị tắt.

Điều này có thể thực hiện được bằng cách sử dụng chất chống đông máu như là các Streptokinase, mục đích làm tan các cục máu đông từ đó làm tăng lượng máu đến tim. Tuy nhiên, chất chống đông lại làm tăng nguy cơ chảy máu cho bệnh nhân của chúng ta.

Một máy tạo nhịp tim nhân tạo, kích thước nhỏ, hoạt động bằng pin, có thể được đặt bên dưới da của bệnh nhân với tiền sử thường xuyên bị ngất. Quá trình đặt máy tạo nhịp thường kéo dài từ 1 đến 2 giờ với gây tê tại chỗ cho bệnh nhân, máy sẽ được đặt dưới da vùng gần xương đòn.

Nhiều máy tạo nhịp tim có thể được cài đặt để khởi phát một xung điện tim khi cần thiết. Một vài loại có thể cảm nhận một khi tim không đập và khởi phát ngay một xung điện để kích hoạt lại tim. Pin của máy có thể hoạt động trong nhiều năm.

Máy tạo nhịp tim không bị ảnh hưởng bởi sóng điện thoại, sóng radio hoặc các dụng cụ gia dụng nhưng cần lưu ý khi đặt máy tạo nhịp, người bệnh sẽ không thể chụp được Cộng hưởng từ (MRI).

Biến chứng

Những người bệnh với chẹn tim bên trái có nguy cơ cao gặp các biến chứng hơn chẹn tim xảy ra ở bên phải. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:

  • Loạn nhịp tim.
  • Nhịp tim chậm.
  • Sự co bóp tim không hiệu quả.
  • Ngưng tim, ngừng tuần hoàn.
  • Đột tử do tim, đôi khi xảy ra trong vòng 1 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng.

Không phải lúc nào cũng phòng tránh được chẹn tim nhưng nguy cơ mắc sẽ giảm đi nếu như có một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, uống rượu ít hoặc không hút thuốc lá.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

 

return to top