Tràn dịch màng ngoài tim (Pericardial effusion) là tình trạng tích tụ dịch bất thường trong khoang màng ngoài tim – khoang nằm giữa hai lá của màng ngoài tim bao quanh quả tim. Bình thường khoang này chứa khoảng 15–50 mL dịch nhằm bôi trơn và giảm ma sát trong quá trình tim co bóp. Khi lượng dịch tăng vượt mức sinh lý, áp lực lên tim tăng, dẫn đến cản trở hoạt động bơm máu, làm giảm cung lượng tim và có thể tiến triển đến chèn ép tim (cardiac tamponade) – tình trạng cấp cứu đe dọa tính mạng.
Tràn dịch màng ngoài tim là tình trạng xuất hiện dịch bất thường hoặc những chất tương tự như dịch trong khoang màng ngoài tim.
Tràn dịch màng ngoài tim có thể là hậu quả của nhiều nguyên nhân khác nhau:
Nguyên nhân nhiễm trùng: do virus (Coxsackievirus, HIV...), vi khuẩn (lao, viêm mủ), nấm.
Bệnh lý hệ thống: lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, bệnh tuyến giáp.
Chấn thương: chấn thương ngực kín hoặc hở, biến chứng sau phẫu thuật tim.
Nguyên nhân ác tính: ung thư di căn vào màng tim (phổi, vú...).
Tác dụng phụ của điều trị: sau xạ trị, hóa trị hoặc do thuốc (hydralazine, isoniazid…).
Không rõ nguyên nhân (idiopathic).
Các triệu chứng sớm của tràn dịch màng ngoài tim là khó thở, ngay cả khi nằm xuống.
Khó thở, đặc biệt khi nằm; cải thiện khi ngồi hoặc nghiêng người ra trước.
Đau ngực âm ỉ hoặc đau kiểu màng ngoài tim (tăng khi hít sâu, giảm khi ngồi nghiêng người).
Ho khan kéo dài, cảm giác khó nuốt, buồn nôn nhẹ.
Choáng váng, mệt mỏi, chóng mặt.
Đau ngực tăng, lan đến vai, cổ, hoặc lưng.
Hồi hộp, nhịp tim nhanh.
Sốt nhẹ.
Thở nông, khó thở khi gắng sức.
Trong trường hợp nặng có thể xuất hiện: da niêm nhợt/tái, tím môi, rối loạn tri giác, tụt huyết áp – biểu hiện của chèn ép tim.
Chèn ép tim cấp (Cardiac tamponade): là biến chứng nghiêm trọng nhất, xảy ra khi áp lực màng ngoài tim tăng đột ngột, làm cản trở hồi lưu tĩnh mạch và đổ đầy thất phải.
Tam chứng Beck: tụt huyết áp, tĩnh mạch cổ nổi, tiếng tim mờ.
Suy tim phải hoặc toàn bộ: do giảm hiệu suất bơm máu.
Tràn dịch màng phổi, phù ngoại biên (đặc biệt ở mắt cá chân), cổ trướng.
Lâm sàng: đánh giá triệu chứng hô hấp, tim mạch.
Cận lâm sàng:
Siêu âm tim: tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán, cho phép định lượng lượng dịch và phát hiện dấu hiệu chèn ép tim.
ECG: giảm điện thế QRS, đảo sóng T, nhịp tim nhanh.
X-quang ngực: bóng tim to.
CT/MRI tim: đánh giá nguyên nhân và dịch quanh tim trong các trường hợp khó chẩn đoán.
Xét nghiệm dịch màng ngoài tim (nếu chọc dịch): tìm tế bào ác tính, vi khuẩn, xét nghiệm sinh hóa.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ dịch và tình trạng huyết động:
Theo dõi: nếu dịch ít, không có dấu hiệu chèn ép, người bệnh ổn định.
Điều trị nội khoa: điều trị nguyên nhân (kháng sinh, kháng viêm, điều trị bệnh nền).
Chọc dịch màng ngoài tim: chỉ định khi có chèn ép tim hoặc dịch lượng nhiều gây triệu chứng nặng.
Phẫu thuật (cắt màng ngoài tim, tạo cửa sổ màng ngoài tim): trong trường hợp tràn dịch tái phát hoặc do khối u.
Tràn dịch màng ngoài tim có thể diễn tiến âm thầm nhưng đột ngột đe dọa tính mạng.
Cần cảnh giác khi xuất hiện các triệu chứng: khó thở tăng, đau ngực lan rộng, huyết áp tụt, mạch nhanh, da niêm tái, rối loạn ý thức.
Người bệnh có yếu tố nguy cơ như ung thư, lupus, lao, sau phẫu thuật tim… cần được theo dõi sát.
Khi có nghi ngờ tràn dịch màng ngoài tim, nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh