Dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em là những dị tật xảy ra do cấu trúc tim bị khiếm khuyết, khiến chức năng và hoạt động của tim bị ảnh hưởng, đặc biệt là ảnh hưởng tới khả năng bơm máu đi nuôi cơ thể.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2, TP.HCM, dị tật tim bẩm sinh chiếm 54% (5.442/10.000) tổng số bệnh tim ở trẻ em.
Dị tật tim bẩm sinh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đa số trường hợp đều rất khó xác định nguyên nhân cụ thể. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bệnh có thể do một số nguyên nhân sau:
- Yếu tố gia đình và di truyền.
- Mẹ bị béo phì, đái tháo đường.
- Do ảnh hưởng của một số loại thuốc ngủ, thuốc hen phế quản, thuốc chống trầm cảm… hoặc các chất kích thích khác.
- Tiếp xúc với tia X-quang trong 3 tháng đầu thai kỳ.
- Mẹ có thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá.
- Mang thai muộn.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, dị tật tim bẩm sinh có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm sau:
- Nhịp tim không đều (rối loạn nhịp tim): Tim có thể đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Ở một số người, rối loạn nhịp tim nghiêm trọng có thể gây đột quỵ hoặc đột tử nếu không được điều trị. Mô sẹo trong tim sau các cuộc phẫu thuật trước đó có thể góp phần vào biến chứng này.
- Nhiễm trùng tim (viêm nội tâm mạc): Viêm nội tâm mạc là một bệnh nhiễm trùng tại lớp lót bên trong của tim, thường xảy ra khi vi khuẩn hoặc vi trùng xâm nhập vào máu và di chuyển đến tim. Nếu không được điều trị, viêm nội tâm mạc có thể làm hỏng hoặc phá hủy van tim hoặc gây ra đột quỵ.
- Đột quỵ: Dị tật tim bẩm sinh có thể khiến các cục máu đông đi qua tim và đi đến não, làm giảm hoặc chặn cung cấp máu cho não, gây nên đột quỵ.
- Tăng huyết áp động mạch phổi: Đây là một dạng tăng huyết áp ảnh hưởng đến các động mạch trong phổi.
- Suy tim (suy tim sung huyết): Đây là tình trạng tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Một số dạng dị tật tim bẩm sinh có thể dẫn đến suy tim.
Nếu phát hiện trẻ có những triệu chứng khác lạ dưới đây, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:
- Trẻ không khóc sau khi sinh, da tím tái.
- Ho, thở khò khè tái đi tái lại.
- Hay vã mồ hôi, tay chân lạnh.
- Thở nhanh, khó thở, thở không bình thường, lõm ngực.
- Trẻ bú ít, bú ngắt quãng, cữ bú kéo dài.
- Bị viêm phổi hoặc nhiễm trùng hô hấp lặp đi lặp lại.
- Chậm phát triển thể chất.
- Tim đập bất thường, có tiếng thổi tim.
Hiện nay, nhờ kỹ thuật siêu âm, dị tật tim bẩm sinh có thể được phát hiện ở tuần thứ 18 của thai kỳ. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp dị tật tim bẩm sinh đều có thể được phát hiện trước sinh. Nếu không có sàng lọc sau sinh, vẫn sẽ có trường hợp trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh bị bỏ sót khi xuất viện (do các triệu chứng chưa xuất hiện trong vòng vài giờ tới vài ngày sau sinh).
Đo độ bão hòa oxy qua da (SpO2) là phương pháp sàng lọc một số bệnh tim bẩm sinh đã được các nước phát triển trên thế giới áp dụng cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 - 48 giờ sau sinh. Đây là phương pháp đơn giản, không xâm lấn và không đau, thực hiện được tại tất cả các cơ sở y tế từ trạm y tế đến bệnh viện.
Nhân viên y tế sẽ đo SpO2 tại vị trí bàn tay phải và chân của trẻ, thời gian làm chỉ kéo dài khoảng vài phút khi trẻ nằm yên và được ủ ấm. Trẻ bị dị tật tim bẩm sinh tím (biểu hiện điển hình là da tím tái do máu không được cung cấp đủ dưỡng khí) hoặc tim bẩm sinh phụ thuộc ống sẽ có kết quả đo độ bão hòa oxy < 95%, hoặc có sự chênh lệch giữa tay và chân ≥ 3%.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh