✴️ Loạn nhịp xoang

Nội dung

Tim khỏe mạnh có nhịp đập đều như kim đồng hồ. Khi có vấn đề với nhịp tim thì tình trạng loạn nhịp xảy ra. Loạn nhịp xoang là một dạng của loạn nhịp tim.

Bài viết này sẽ giải thích về loạn nhịp xoang, cách chẩn đoán và liệu nó có phải là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hay không. Mặc dù có nhiều loại loạn nhịp xoang nhưng bài viết này chỉ chủ yếu giải thích về loạn nhịp xoang hô hấp.

Định nghĩa và phân loại

Loạn nhịp xoang không liên quan đến các xoang ở vùng mặt mà liên quan đến nút xoang ở tại tim.

Nút xoang nằm ở buồng tim phía trên bên phải - tâm nhĩ phải. Nút xoang là máy tạo nhịp tự nhiên của tim, có vai trò tạo ra nhịp đập ở tim của người bình thường.

Nhịp xoang là nhịp tim bình thường ở người khỏe mạnh. Loạn nhịp xoang xảy ra khi có bất thường trong nhịp tim mà nguyên nhân là nằm ở nút xoang. Nhìn chung, loạn nhịp xoang có thể là:

  • Nhịp nhanh, hơn 100 lần/phút.
  • Nhịp chậm, ít hơn 60 lần/ phút.

Loạn nhịp xoang hô hấp

Loạn nhịp xoang hô hấp thường là lành tính. Tình trạng này xảy ra khi nhịp tim đập theo chu kỳ thở, nghĩa là khi hít vào thì nhịp tim tăng lên và giảm khi thở ra.

Loạn nhịp xoang hô hấp thường gặp ở trẻ em hơn là người trưởng thành và thường có xu hướng tự biến mất khi trẻ lớn lên.

Khoảng thời gian giữa mỗi nhịp tim được gọi là khoảng P-P. Ở hầu hết mọi người thì có sự chênh lệch ít hơn 0.16 giây. Trong loạn nhịp xoang hô hấp, khoảng P-P thường dài hơn 0.16 giây khi người bệnh thở ra.

Khi nhịp tim tăng lên giống như trong khi tập thể dục, nhịp tim có xu hướng trở về mức bình thường hơn.

Chẩn đoán

Biện pháp chẩn đoán thường dùng nhất dành cho loạn nhịp xoang là dùng một thiết bị ghi nhịp tim gọi là điện tâm đồ (ECG hay EKG).

Điện tâm đồ đo lường nhiều phương diện của trái tim, bao gồm nhịp và các khoảng giữa các đợt co bóp.

Trong trường hợp loạn nhịp xoang hô hấp thì nhịp đập mỗi phút thường bình thường. Tuy nhiên, khoảng thời gian giữa các lần đập có thể thay đổi, đây là dấu hiệu của loạn nhịp xoang.

Khoảng thời gian giữa các nhịp đập sẽ ngắn hơn khi hít vào và dài hơn khi thở ra.

Thường thì sự chênh lệch là nhiều hơn 0.12 giây giữa khoảng ngắn nhất và dài nhất, đây là dấu hiệu rõ ràng nhất của loạn nhịp xoang.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Loạn nhịp xoang thường gặp ở trẻ em nhiều hơn và đôi khi cũng thấy ở người trưởng thành. Trẻ có loạn nhịp xoang hô hấp thường sẽ giảm dần triệu chứng khi lớn lên mà không cần phải điều trị.

Mặc dù nguyên nhân chính xác của loạn nhịp xoang hô hấp vẫn chưa được biết rõ, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng nó xảy ra để làm tăng hiệu quả hoạt động của tim hay cho phép tim hoạt động ít hơn trong khi duy trì được nồng độ chuẩn xác của các khí máu.

Các loại loạn nhịp tim khác

Có nhiều loại rối loạn nhịp tim khác bắt nguồn từ các đường dẫn truyền điện khác ở tim, bao gồm:

  • Rung nhĩ: Rối loạn nhịp tim do bất thường ở đường dẫn truyền
  • Nhịp nhanh trên thất: Tim đập nhanh bất thường khi nghỉ ngơi.
  • Block tim: Tim đập chậm hơn bình thường có thể khiến cho bệnh nhân bất tỉnh.
  • Rung thất: Loạn nhịp tim có thể dẫn đến bất tỉnh và kể cả tử vong nếu như không được điều trị.

các loại loạn nhịp tim khác

Loạn nhịp tim có thể gây ảnh hưởng đến tất cả mọi độ tuổi, dù vậy thì rung nhĩ vẫn thường gặp ở người cao tuổi hơn.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ loạn nhịp tim:

  • Uống rượu bia;
  • Hút thuốc lá;
  • Tập thể dụng cường độ quá cao;
  • Sử dụng caffein;
  • Một vài loại thuốc và chất gây nghiện;
  • Thừa cân;
  • Bị nhiễm siêu vi;
  • Đã từng lên cơn đau tim hoặc bị suy tim.

Hội chứng nút xoang bệnh lý

Hội chứng nút xoang bệnh lý (SSS) là khi nút xoang gây ra các bất thường lên nhịp tim, xảy ra do nút xoang bị tổn thương tạo sẹo và bị thay thế dần dần bởi các mô sợi. Có rất nhiều loại loạn nhịp có liên quan đến SSS:

  • Rung nhĩ;
  • Nhịp chậm xoang nặng;
  • Hội chứng nhịp nhanh - nhịp chậm;
  • Block đường ra xoang nhĩ.

SSS thường gây ảnh hưởng đến người lớn tuổi ở cả 2 giới như nhau. Dù SSS đôi khi không gây ra triệu chứng ở một số người nhưng người bệnh cũng có thể có:

  • Ngất;
  • Đánh trống ngực;
  • Mệt mỏi;
  • Khó thở.

Điều trị thường phải sử dụng máy tạo nhịp. Nếu như không được điều trị, SSS có thể gây ra các biến chứng lên sức khỏe người bệnh.

Các loại thuốc như digoxin, chặn beta, và chặn kênh canxi có thể làm cho SSS nặng hơn.

Tiên lượng

Loạn nhịp xoang hô hấp không được xem như một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, các loại loạn nhịp khác đôi khi cũng là dấu hiệu của bệnh tim.

Bệnh nhân lớn tuổi bị loạn nhịp nặng thì cần được đặt máy tạo nhịp. Đối với người có tình trạng ngưng thở lúc ngủ thì sẽ dễ mắc loạn nhịp hơn, bao gồm cả loạn nhịp xoang hô hấp.

Các trường hợp loạn nhịp xoang hô hấp ở trẻ em và người trẻ tuổi thì thường sẽ tự cải thiện mà không cần điều trị khi họ lớn lên. Nguyên nhân là do trái tim của trẻ vẫn còn đang phát triển và thay đổi nên có thể sẽ dẫn đến loạn nhịp xoang hô hấp.

Nếu trẻ có loạn nhịp xoang hô hấp thì tình trạng này có thể được theo dõi nhưng có lẽ cũng sẽ không điều trị gì trừ khi tình trạng trở nên nặng hơn hoặc vẫn còn tiếp tục cho đến tuổi trưởng thành.

Tuy nhiên, các trường hợp ở người lớn tuổi thì thường hay có nhiều bất thường hơn và cần được thăm khám kỹ càng. Nếu như loạn nhịp xoang hô hấp có nguyên nhân do một bệnh nền ở tim thì chúng cần được điều trị riêng biệt nhau.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top