Lợi ích của quả lê

Trong quả lê có gì?

Có khoảng 100 loại lê được trồng trên toàn thế giới. Theo đó, 1 quả lê cỡ trung bình (178gr) cung cấp các chất dinh dưỡng sau:

- Lượng calo: 101

- Chất đạm: 1gr

- Carbs: 27gr

- Chất xơ: 6gr

- Vitamin C: 12% giá trị dinh dưỡng hàng ngày (DV - Daily Value)

- Vitamin K: 6% DV

- Kali: 4% DV

- Đồng: 16% DV

Thành phần của quả lê cũng bao gồm một lượng nhỏ folate, provitamin A và niacin. Trong đó, folate và niacin rất quan trọng đối với chức năng tế bào và sản xuất năng lượng, trong khi provitamin A hỗ trợ sức khỏe của da và chữa lành vết thương. Bên cạnh đó, lê cũng là loại trái cây chứa các khoáng chất quan trọng, chẳng hạn như đồng và kali. Đồng đóng một vai trò trong khả năng miễn dịch, chuyển hóa cholesterol và chức năng thần kinh, trong khi kali hỗ trợ co cơ và chức năng tim.

 

Vì sao ăn lê giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch?

Như đã nói, quả lê rất giàu chất chống oxy hóa mạnh. Các hợp chất này được phát hiện có thể tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tim bằng cách kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ.

Cụ thể, chất chống oxy hóa procyanidin trong quả lê được cho là có thể làm giảm độ cứng của mô tim, giảm cholesterol “xấu” (LDL) và tăng cholesterol “tốt” (HDL). Còn phần vỏ của quả lê chứa quercetin, chất chống oxy hóa quan trọng được kết luận là có khả năng làm giảm viêm và giảm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim như tăng huyết áp và nồng độ cholesterol trong máu.

Theo đó, một nghiên cứu ở 40 người trưởng thành mắc hội chứng chuyển hóa cho thấy việc ăn 2 quả lê mỗi ngày trong 12 tuần làm giảm các yếu tố như tăng huyết áp và béo bụng.

Một nghiên cứu khác kéo dài 17 năm ở trên hơn 30.000 phụ nữ cho thấy rằng tiêu thụ 80gr lê mỗi ngày làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim xuống 6-7%. Thậm chí, một nghiên cứu kéo dài 10 năm trên 20.000 người đã xác định rằng cứ tiêu thụ 25gr trái cây thịt trắng như quả lê hàng ngày sẽ giảm nguy cơ đột quỵ xuống 9%.

 

Cách thêm lê vào chế độ ăn uống hàng ngày

Nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch có thể tham khảo ý kiến bác sỹ để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng giúp phòng bệnh hiệu quả nhất. 

Lê hầu như được bán quanh năm trong siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch… Do đó, bạn có thể dễ dàng bổ sung loại trái cây này vào chế độ ăn uống lành mạnh thường xuyên. Bạn có thể ăn trực tiếp hoặc kết hợp cùng với yến mạch, làm nguyên liệu trong các món salad, sinh tố.

Bất ngờ khi phần vỏ quả lê có chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao gấp 6 lần so với phần thịt. Do vậy, nếu có thể bạn nên làm sạch kỹ càng và ăn cả vỏ để nhận được nhiều chất dinh dưỡng nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top